Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy nói và nghe

Tạp Chí Giáo Dục

“Mt trong nhng hình thc gây tn thương ph biến và rõ ràng nht là không lng nghe khi ngưi khác đang c nói điu gì đó vi bn” (Karen Casey).


Mt tiết hc môn văn ca hc sinh THCS (nh minh ha). Ảnh: N.Q

Nói và nghe là 2 trong 4 kỹ năng giao tiếp cần rèn luyện cho học sinh. Khác với học ngoại ngữ, việc dạy tiếng mẹ đẻ tập trung chính vào kỹ năng đọc và viết. Không đến trường học sinh vẫn biết nói và nghe. Khái niệm “mù chữ” chủ yếu để chỉ tình trạng không biết đọc và viết. Tuy nhiên, không phải vì thế mà không dạy nói – nghe cho học sinh. Người xưa đã lưu ý cần dạy “học nói” sau “học ăn”.

Với chương trình Ngữ văn 2018, số tiết dành cho kỹ năng nói và nghe rất ít, chỉ 10% tổng số thời lượng (khoảng trên 10 tiết/năm). Tuy nhiên, cần lưu ý việc rèn luyện kỹ năng nói và nghe được thực hiện ở nhiều hình thức khác nhau: Kiểm tra bài cũ, phát biểu ý kiến xây dựng bài, trao đổi thảo luận, sinh hoạt lớp… Có thể coi đó là nội dung rèn luyện nói và nghe tự do với kỹ năng giao tiếp thông thường. Số tiết 10% mà chương trình quy định được hiểu là dạy nói – nghe có nội dung theo đề tài, chủ đề bắt buộc. Cụ thể đề tài, chủ đề nói – nghe ấy phụ thuộc vào nội dung đọc và viết trong mỗi bài học. Đọc hiểu và viết nội dung gì thì nói – nghe sẽ tổ chức để học sinh rèn luyện theo nội dung ấy. Điều này vừa thực hiện tích hợp nội dung các kỹ năng, vừa góp phần củng cố nội dung đã học ở đọc và viết. Ví dụ: Bài 6 – Ngữ văn 6 (bộ Cánh diều), khi học đọc hiểu: “Bài học đường đời đầu tiên” thì sau đó luyện viết bài văn “Kể lại một kỷ niệm đáng nhớ”; đến nói và nghe tiếp tục “Kể về một kỷ niệm đáng nhớ”. Như thế, về nội dung nói và nghe ở các bài học hầu như học sinh được kế thừa lại nội dung đã chuẩn bị ở đọc và viết, chỉ khác nhau cách thức hoạt động. Học sinh cũng cần chuẩn bị nhưng chỉ là xem xét, bổ sung thêm và chuyển từ hình thức đọc, viết thành nói nghe cho phù hợp.

Vậy tiến trình giờ dạy nói – nghe nên như thế nào? Do rất ít thời gian (thường chỉ 1-2 tiết trong 3 tuần) nên yêu cầu đầu tiên là tập trung để học sinh thực hành nói và nghe. Giáo viên không nên sa vào lý thuyết mà chỉ dành ít thời gian giao nhiệm vụ theo định hướng mà sách giáo khoa nêu lên. Có thể hình dung giờ nói và nghe với các hoạt động như sau: Thứ nhất, giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh chuẩn bị giới thiệu, thuyết trình, trình bày nội dung gì (đã có bài tập nêu trong sách giáo khoa), thời gian chuẩn bị tùy vào nội dung và hình thức tổ chức, nhưng không cần nhiều (vì đã có nội dung từ đọc và viết). Thứ hai, tổ chức cho học sinh trình bày, giới thiệu, thuyết trình và lắng nghe theo dõi nội dung đã chuẩn bị. Đây là hoạt động chính; càng nhiều lượt học sinh được trình bày càng tốt. Thứ ba, tổ chức cho học sinh trao đổi, nhận xét, phản hồi về nội dung và kỹ năng nói của người trình bày. Từ đó giáo viên nhận xét về kỹ năng và nội dung nói, nghe của học sinh; đưa ra các uốn nắn về kỹ thuật nói, nghe (không dài dòng, tản mạn, lúng túng…) và đặc biệt về thái độ trong khi nói, nghe. Ví dụ: Người nói cần nhìn vào các bạn, biết kết hợp lời nói với ngôn ngữ hình thể; tốc độ và âm lượng khi nói nên thế nào cho phù hợp… Với việc nghe cần tôn trọng người nói như tập trung nghe, hướng về người nói… Cần có tác phong và sự tự tin khi trình bày, trao đổi…

Dạy nói – nghe không chỉ là kỹ năng nói và nghe mà còn cơ hội để rèn giũa phẩm chất, thái độ, tình cảm, lối sống có văn hóa cho học sinh. Đừng gây tổn thương người khác dù chỉ là câu nói. Ông cha ta đã dặn: “Lời nói chẳng mất tiền mua…”. Xứ Nghệ có câu “lời nói, đọi máu”… Vì thế, khi dạy nói – nghe, giáo viên không chỉ chú ý nội dung, mà quan trọng hơn là cần tập trung vào kỹ năng và thái độ khi nghe, nói. Karen Casey từng viết: “Không giao tiếp bằng mắt với người bạn nói chuyện hay đang được giới thiệu, không đáp lại khi ai đó cần bạn trả lời một câu hỏi, không đếm xỉa đến người đang nói trong cuộc thảo luận – tất cả những hành vi này đều gây tổn thương… Một trong những hình thức gây tổn thương phổ biến và rõ ràng nhất là không lắng nghe khi người khác đang cố nói điều gì đó với bạn. Một số người nói rằng, bị lờ đi như thế khiến họ cảm thấy đau đớn không kém gì bị xâm phạm thân thể”. Do đó, chúng ta cố gắng đừng làm tổn thương người khác trong giao tiếp.

PGS.TS Đ Ngc Thng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)