Khoảng 1/6 trẻ em ở Úc sống trong cảnh nghèo đói. Những đứa trẻ này thường có kết quả học tập kém hơn những đứa trẻ có hoàn cảnh tốt. Nghiên cứu được công bố gần đây của chúng tôi cho thấy những học sinh sống trong cảnh nghèo đói sẽ gặp nhiều vấn đề ở trường hơn so với các bạn cùng lứa tuổi.
Không cải thiện tình trạng nghèo đói sẽ làm tê liệt cơ hội sống và học tập của các thế hệ trẻ em trong tương lai. Ảnh: Gettyimages
Bất lợi ở nhà chuyển thành bất lợi ở trường
Những sự can thiệp như chương trình chống bắt nạt và tăng cường tài trợ cho các trường học ở các cộng đồng khó khăn có thể giúp ích rất nhiều. Tuy nhiên, phân tích của chúng tôi cho thấy có một vấn đề lớn hơn. Để giảm bớt bất lợi về giáo dục, cần có hành động để giảm tình trạng nghèo đói ở trẻ em, điều này vốn vẫn tồn tại ở mức cao kể từ đầu những năm 2000 ở Úc.
Năm 1987, Thủ tướng Bob Hawke cam kết chấm dứt tình trạng nghèo đói ở trẻ em vào năm 1990. Nhờ những hành động của ông, tình trạng nghèo đói ở trẻ em ban đầu giảm trước khi tăng trở lại. Tỷ lệ nghèo đói ở trẻ em hiện nay chỉ thấp hơn một chút so với năm 1999 ở Úc.
Trong thời gian đó, tình trạng nghèo đói ở trẻ em hầu như không có trong các chương trình của chính sách. Không hành động vì nghèo đói sẽ làm tê liệt cơ hội sống và học tập của các thế hệ trẻ em trong tương lai.
Các chi phí cao khi trẻ đến trường
Nghiên cứu của chúng tôi đã xem xét kinh nghiệm đi học của 3.535 học sinh từ 13 đến 14 tuổi ở mọi tiểu bang và vùng lãnh thổ ở Úc.
Những đứa trẻ có gia đình thiếu thốn các vật dụng mà hầu hết các hộ gia đình Úc đều sở hữu, chẳng hạn như ô tô, máy tính hoặc cho trẻ các kỳ nghỉ được tổ chức đều đặn, sẽ được xác định là gia đình nghèo. Những trẻ em mà gia đình thiếu những vật dụng mà hầu hết trẻ em coi là thiết yếu được xác định là trẻ em đang thiếu thốn. Những món đồ này bao gồm quần áo cho phép trẻ có thể mặc vừa vặn so với những đứa trẻ khác, và gia đình trẻ có đủ tài chính để gửi trẻ khi đi cắm trại ở trường…
Tỷ lệ sống trong cảnh nghèo, gia đình thiếu thốn cao nhất ở nhóm trẻ em đang gánh chịu nhiều thiệt thòi. 1/5 trẻ em khuyết tật sống trong cảnh nghèo đói, 1/3 trẻ em có trách nhiệm chăm sóc người thân trong gia đình cũng vậy. Hơn 1/4 trẻ em bản địa và trẻ em có nền tảng ngôn ngữ không phải là tiếng Anh cũng sống trong cảnh nghèo đói. Để so sánh, đây chỉ là trường hợp của 1/8 trẻ em không thuộc nhóm bị thiệt thòi.
Các giáo viên rất nỗ lực để hỗ trợ giáo dục học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bất chấp những nỗ lực này, trẻ em sống trong cảnh nghèo đói có tỷ lệ hoàn thành chương trình học thấp hơn và đạt điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra quốc gia như NAPLAN. Và nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những tác động của nghèo đói vẫn còn tràn ngập trong các lớp học và sân chơi của Úc.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi đã hỏi các em có đồng ý với câu nói: “Ở trường của em, em sẽ được giáo viên hoặc một người lớn khác thực sự quan tâm đến em; tin rằng em sẽ thành công; lắng nghe em khi em có điều gì đó muốn nói”. Những đứa trẻ gặp phải tình trạng thiếu thốn cho biết ít được giáo viên hỗ trợ hơn. Các em cũng cho biết tỷ lệ bị bắt nạt cao hơn so với những trẻ em khác. Đó là dấu hiệu ban đầu về các vấn đề sức khỏe tâm thần khi các em đến tuổi thanh niên và tuổi trưởng thành.
Tiềm năng của trẻ em đang bị hạn chế
Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) thực hiện các bài kiểm tra học tập tương đương của học sinh 15 tuổi ở tất cả các nước OECD. Khoảng cách về thành tích thi giữa học sinh có nền tảng tài chính kinh tế và học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Úc hầu như không thay đổi kể từ khi các cuộc khảo sát xuất hiện vào năm 2000.
Các giáo viên nhận ra rằng trẻ em sống trong cảnh nghèo đói phải đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng đến việc học và các mối quan hệ. Trẻ em cũng nói về những thách thức của đói nghèo.
Một cậu bé cho biết: “Mẹ em thường đưa em đến cửa hàng bán đồ cũ vì em liên tục bị bung quần khi em quỳ xuống nhưng mẹ không đủ tiền mua cho em quần mới. Em không có tiền tiêu vặt và phải tự nấu bữa trưa và đôi khi em thậm chí còn không muốn nấu. Em chỉ đi học với một cái bụng đói”.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi những trải nghiệm như vậy sẽ dẫn đến kết quả giáo dục kém. Điều đáng ngạc nhiên là hệ thống giáo dục của Úc đang không đạt được mục tiêu chính: hỗ trợ tất cả trẻ em phát huy hết tiềm năng giáo dục của mình.
Đã đến lúc tập trung giải quyết vấn đề trẻ em nghèo đói
Tình trạng nghèo ở trẻ em và tình trạng bất lợi trong giáo dục của trẻ em đòi hỏi các giải pháp khác nhau, nhưng chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ở Úc càng nghèo, hệ thống giáo dục càng nặng nề hơn và cá nhân giáo viên phải làm việc để bù đắp ảnh hưởng của nó đối với kết quả học tập của học sinh.
Gói cải cách tài trợ trường học Gonski 2.0, ra mắt vào năm 2018, nhằm giải quyết ít nhất một phần bất lợi về giáo dục. Tuy nhiên, nó không có khả năng tự phá vỡ mối liên hệ giữa kết quả giáo dục và nghèo đói.
Thách thức mà Thủ tướng Hawke đặt ra cách đây 35 năm, để chấm dứt tình trạng trẻ em nghèo ở Úc, cần phải được thực hiện một lần nữa. Cả hành động của Chính phủ Hawke trong những năm sau cam kết của ông và các phản ứng của chính phủ Úc hiện tại đối với đại dịch Covid-19 cho thấy điều này có thể được thực hiện như thế nào.
Trẻ em sống trong cảnh nghèo đói cho biết tỷ lệ bị bắt nạt cao hơn và mức độ hài lòng trong cuộc sống thấp hơn so với các bạn cùng trang lứa. Ảnh: Gettyimages
Sau năm 1987, các khoản chi trả cho gia đình đã được hỗ trợ đáng kể và hướng đến các gia đình có thu nhập thấp hơn. Sự hỗ trợ gia tăng này đã giúp giảm tình trạng nghèo đói ở trẻ em.
Vào năm 2020, để đối phó với tình trạng khẩn cấp do Covid-19 gây ra, chính phủ Morrison đã giới thiệu hình thức thanh toán JobKeeper và bổ sung chính sách hỗ trợ do dịch Covid-19. Tỷ lệ nghèo đói giảm, ít nhất là tạm thời, trong khi những hỗ trợ này vẫn còn.
Hỗ trợ xóa nghèo sẽ có những tác động tích cực đối với hạnh phúc, sự phát triển và kết quả giáo dục của trẻ em. Nó cũng sẽ là một bước tiến quan trọng nhằm hướng tới việc Úc đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc về giảm một nửa tỷ lệ nghèo đói của tất cả nam giới, phụ nữ và trẻ em vào năm 2030.n
Thủy Phạm
(Theo TheConversation)
Bình luận (0)