Thời gian tổ chức thí điểm từ ngày 20/12/2021 đến hết tháng 1/2022. Học sinh, sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp được học trực tiếp lý thuyết và thực hành.
Động thái này đưa ra sau khi Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM có đề xuất về việc cho phép 5 trường cao đẳng, trung cấp gồm Kỹ thuật Cao Thắng, Lý Tự Trọng TP, Nghề Thành phố, Đại Việt Sài Gòn và Nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương được thí điểm đón sinh viên, học viên trở lại trường và được UBND TPHCM chấp thuận.
Theo đó, trong thời gian thí điểm, UBND TP yêu cầu sau 5 trường nói trên đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19, Sở Lao động – thương binh và xã hội TP chủ trì, phối hợp Sở Y tế TP cùng các đơn vị liên quan đánh giá và báo cáo kết quả cho UBND TPHCM.
Một trong số ít sinh viên đầu tiên được quay trở lại trường ngày 20/12, Nguyễn Văn Quyền, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ ô tô trường CĐ Đại Việt Sài Gòn không giấu nổi niềm vui. Quyền cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên em phải tạm dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến từ tháng 5/2021.
Sinh viên trường CĐ Đại Việt Sài Gòn trong ngày đầu trở lại trường học thực hành
“Là sinh viên năm cuối và ngành nghề ô tô nên đòi hỏi phải thực hành nhiều để nâng cao tay nghề, kiến thức nhưng do dịch bệnh nên học trực tuyến không hiệu quả”, Quyền nói và cho biết, ngay khi trường thông báo đi học trực tiếp, em đã xin gia đình để bắt xe từ Đắk Lắk về trường đăng ký học thực hành.
Theo Quyền, dịch bệnh dù vẫn còn phức tạp nhưng với tâm thế sống chung nên quan trọng là mỗi cá nhân phải tự mình bảo vệ mình, không thể nhốt mình trong nhà và học trực tuyến mãi được…
Sinh viên ngành Công nghệ ô tô đang thực hành
Tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng trường CĐ Đại Việt Sài Gòn cho biết, những sinh viên được tổ chức học trực tiếp trở lại là sinh viên năm cuối học lý thuyết, thực hành, ôn thi tốt nghiệp. "Trường dự kiến tổ chức 35 lớp với tổng số 235 học sinh, sinh viên. Mỗi lớp thực hành là 12 – 13 em, lớp lý thuyết 18-19 em và tối đa là 55 em tại một thời điểm", ông Lâm nói.
Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn diễn tập xử lý F0 chuẩn bị cho việc đón sinh viên trở lại trường
Giảng viên, sinh viên tham dự buổi học đều đã được khảo sát về việc đồng ý học trực tiếp tại trường, đồng thời, tất cả đều đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 (tiêm mũi 2 đã được 14 ngày). Các bạn sinh viên không đồng ý vẫn được tiếp tục học trực tuyến cùng các bạn còn lại.
Trong khi đó, từ đầu học kỳ 2022, trường ĐH Kinh tế TPHCM dự định áp dụng hình thức lớp học kết hợp trực tuyến và trực tiếp (hybrid class). Theo đó, giảng viên sẽ dạy trực tiếp tại phòng trang bị micro kết nối với máy tính online, bút từ viết được trên màn hình cảm ứng, camera quay hình ảnh trong lớp học. Tùy theo điều kiện cá nhân, sinh viên được chọn hình thức học trực tuyến hay trực tiếp.
Trước đó, từ cuối tháng 11, các trường như ĐH Y Dược TPHCM, Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Công nghiệp thực phẩm TPHCM… cũng đã triển khai cho sinh viên học lý thuyết, thi tập trung tại các cơ sở của trường theo thời khóa biểu, kế hoạch của các khoa.
Theo Nguyễn Dũng/TPO
Bình luận (0)