Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

TP.HCM: Gần 212.000 tỉ đồng vốn rẻ cho DN vay

Tạp Chí Giáo Dục

Gần 20 ngân hàng hôm 8-1 ký cam kết cho doanh nghiệp tại TPHCM vay ưu đãi trị giá tổng cộng gần 212.000 tỉ đồng trong chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp TPHCM.

Tại hội nghị tổng kết chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM và Triển khai kế hoạch năm 2016 diễn ra hôm 8-1, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết chương trình kết nối này trong năm 2016 sẽ có các gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TPHCM.

Các ngân hàng ký kết với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM và Sở Công Thương TP.HCM hôm 8-1. Ảnh: Thu Nguyệt

Tính đến nay, đã có 18 đơn vị của 17 thương hiệu ngân hàng, trong đó có ngân hàng liên doanh và ngân hàng nước ngoài (là ngân hàng VID Public Bank chi nhánh TPHCM, và ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered), đã đăng ký gói hỗ trợ, với tổng số tiền 211.500 tỉ đồng và 15 triệu đô la Mỹ, với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng không quá 7%/năm, và trung và dài hạn là 8-10%/năm.

Ngoài ra, với chương trình kết nối, các ngân hàng cũng sẽ tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, và cho 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).

Trên thực tế, Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp của TPHCM đã triển khai được bốn năm dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM cùng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, Sở Công Thương TPHCM, và các đầu mối khác.

Tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN nhỏ

Chương trình kết nối doanh nghiệp 2016 có điểm nổi bật so với các năm qua là số tiền được các ngân hàng cam kết hỗ trợ cao hơn nhiều so với trước đó. Ngoài ra, chương trình cũng sẽ tập trung nhiều vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau thành công ban đầu của chương trình kết nối của TPHCM, vào tháng 4-2014, Thống đốc cũng đã đề nghị các tỉnh thành cùng các ngân hàng triển khai chương trình này. Theo đó, trong gần hai năm qua, trên cả nước, các ngân hàng đã cam kết hỗ trợ trên 600.000 tỉ đồng cho gần 40.000 doanh nghiệp, và hơn 122.000 đối tượng khác, với nhiều hình thức hỗ trợ như cho vay mới với lãi suất thấp, giảm lãi suất cho khoản vay cũ, tăng hạn mức tín dụng,…

Ông Thanh cho biết, gần như 100% khách hàng vay vốn (trong chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp) đều trả nợ tốt, không phát sinh nợ xấu, giúp lưu chuyển vốn trong ngành ngân hàng. Ngân hàng hưởng lợi từ chương trình này, qua đó cũng giải quyết được khó khăn vốn cho doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp cần vốn cũng đã tiếp cận được vốn với lãi suất khá phù hợp.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, trong khi doanh nghiệp lớn thường tiếp cận vốn vay ngân hàng không mấy khó khăn, thì với những doanh nghiệp nhỏ, việc tiếp cận vốn vay vẫn hạn chế, do có quy mô sản xuất nhỏ, chịu nhiều cạnh tranh và rủi ro thị trường cao.

Năng lực tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, quản lý sổ sách không tốt. Trong khi đó, ngân hàng cho vay từ tiền huy động của dân cư nên không thể cho vay dễ dàng. Khi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, ngân hàng thường nhìn vào tài sản thế chấp là chính, trong khi tài sản của nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng không có giấy tờ đầy đủ, nên doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn bị hạn chế trong việc tiếp cận vốn của chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, ông Thanh cho biết.

Do đó, ông Thanh cho rằng, ngân hàng phải xem xét từng trường hợp doanh nghiệp, và phải giúp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ minh bạch hơn trong tài chính, sổ sách, kinh doanh để có điều kiện tiếp cận vốn tốt hơn.

Theo ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, hiện nay doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn liên quan đến thế chấp. Do đó, nếu không có tính toán để giải quyết, hiện tượng này vẫn sẽ kéo dài.

“Có trường hợp một doanh nghiệp nhỏ làm hồ sơ vay ngân hàng với tài sản thế chấp là căn nhà, nhưng trong giấy hồng có ghi là nhà trong khu vực giải toả. Tôi cho rằng nếu uỷ ban quận cam kết khu vực này trong 5 năm nữa chưa thể giải toả, và dù giải toả vẫn có đền bù thì vẫn là điều kiện để thế chấp vay ngân hàng. Tôi cho rằng ngân hàng phải căn cứ vào trường hợp cụ thể, chứ chỉ căn cứ vào yếu tố là nhà nằm trong khu vực giải toả và quyết định không cho doanh nghiệp vay thì không được. Nên, ngân hàng phải vận dụng linh hoạt, nhưng vẫn đảm bảo về pháp lý, để giúp giảm khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Khoa cho biết.

“Sắp tới phải có cách làm mới hơn, sáng tạo trên cơ sở lấy mục đích phát triển của TP.HCM, lấy lợi ích của doanh nghiệp làm mục tiêu”, ông Khoa nói thêm.

Cũng tại hội nghị, ông Trần Ngọc Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm An Thiên, đồng thời là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Quận 8 (TPHCM), cho biết trong năm 2015, với chương trình kết nối, các ngân hàng đã ký kết cho 82 doanh nghiệp và hộ kinh doanh tại Quận 8 (TP.HCM) vay. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp rất nhỏ và không có tài sản thế chấp, do đó ngân hàng nên căn cứ vào từng trường hợp để đánh giá khách hàng.

Trước đó, UBND TPHCM đặt ra mục tiêu cho chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp 2015 là 60.000 tỉ đồng, nhưng trên thực tế, các ngân hàng tham gia chương trình đã cho vay với số tiền tổng cộng 173.188 tỉ đồng trong cả năm 2015, tăng gần gấp 3 lần so với mục tiêu này. Hiện lãi suất đối với khách hàng tham gia chương trình phổ biến từ 6-7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, và xoay quanh mức 9%/năm đối với vay trung, dài hạn.

 (TBKTSG Online)

Bình luận (0)