Ngoài cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, “đặc sản” rau, hoa… Đà Lạt còn hấp dẫn du khách bởi kiến trúc, đặc biệt kiến trúc Pháp. Khách du lịch đến Đà Lạt không còn xa lạ với những ngôi biệt thự cổ nằm trên các con đường: Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Du, Cô Giang… tháng ngày “ngủ” im lìm với rêu phong hoài niệm…
Một biệt thự nằm trên đường Quang Trung – TP.Đà Lạt được thuê mở nhà hàng và cơi nới các hạng mục trái phép…
Quản lý, khai thác lỏng lẻo
TP.Đà Lạt từng mệnh danh “Tiểu Pari” – vùng đất trong những năm 30, 40 của thế kỷ trước do người Pháp quản lý, khai thác và đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng. Trong đó, “dấu ấn Pháp” hiện hữu rõ nét nhất qua những tòa biệt thự cổ xinh đẹp nằm lẩn khuất dưới rừng thông xanh trên một số con đường nội ô Đà Lạt.
Theo tổng hợp, hiện nay trên địa bàn TP.Đà Lạt có 162 biệt thự cổ với tổng diện tích đất 723.638,74m2, tổng diện tích nhà 34.580,27m2. Phân loại biệt thự: nhóm 1 có 5 biệt thự, nhóm 2 có 74 biệt thự, nhóm 3 có 83 biệt thự. Trong tổng số 162 biệt thự, Trung tâm Quản lý nhà (TTQLN) Đà Lạt trực tiếp quản lý, sử dụng cho thuê 104 biệt thự; 56 biệt thự khác do các cơ quan, đơn vị, đoàn thể quản lý, sử dụng làm trụ sở làm việc và 2 biệt thự đã định giá cổ phần hóa cho công ty trực tiếp quản lý, khai thác.
Toàn bộ số biệt thự cổ Đà Lạt đều đã được giao cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; song, việc quản lý, khai thác, sử dụng cũng như việc giữ gìn, bảo dưỡng các ngôi biệt thự này rất chậm, lỏng lẻo và thiếu hiệu quả, gây lãng phí lớn. Bên cạnh đó, việc tự ý cơi nới, xây dựng thêm các công trình trái phép đã xâm hại, làm hư hỏng và khiến cho nhiều biệt thự xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, hiện còn 228 hộ dân đang thuê biệt thự để ở, sinh sống; đây cũng là tác nhân “góp phần” làm “biến dạng”, làm xấu xí các ngôi biệt thự – nỗi buồn biệt thự cổ Đà Lạt!
Nhiều năm qua, UBND tỉnh Lâm Đồng liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo việc quản lý, sử dụng quỹ biệt thự Đà Lạt; ban hành Đề án quy định việc bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Đà Lạt… Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, một đoàn kiểm tra liên ngành thành lập gồm lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan trong tỉnh tham gia; Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra tình hình quản lý, khai thác, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP.Đà Lạt. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều vấn đề bất cập kéo dài liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng biệt thự Đà Lạt chưa được giải quyết dứt điểm.
Về nhà, hầu hết các biệt thự đưa vào khai thác, sử dụng rất chậm so với quy định của UBND tỉnh; về đất, có 11 biệt thự chủ đầu tư đã nhận bàn giao nhưng việc đưa vào khai thác cũng khá chậm, kéo dài; bên cạnh đó, khuôn viên của 4 biệt thự khác đã bị chủ đầu tư tự ý xen cấy thêm một số công trình, hạng mục mới, trái phép…
Một biệt thự nằm trong khuôn viên của Trường CĐSP Đà Lạt cũng đã xuống cấp
Đáng nói, trong 32/104 biệt thự do TTQLN Đà Lạt trực tiếp quản lý; ký hợp đồng thuê nhà, thuê đất; song, tồn tại nhiều hạn chế (hồ sơ cho thuê nhà, hợp đồng thuê nhà, biên bản bàn giao nhà cho đơn vị thuê; giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính…) còn nhiều thiếu sót. Đặc biệt, có 4 biệt thự, chủ đầu tư hợp đồng thuê đã tự ý xây dựng một số công trình mới, hoặc cơi nới trái phép nhưng không có hồ sơ và biên bản kiểm tra hoặc xử lý vi phạm nào (?!).
Về nghĩa vụ tài chính (thuê nhà, đất), gần 11 tỷ đồng hiện các chủ đầu tư nợ. Riêng 56 biệt thự giao các cơ quan, đơn vị Nhà nước quản lý, sử dụng (không thu tiền) nhưng sử dụng không ổn định, khai thác không hết công năng, gây lãng phí; số biệt thự giao các tổ chức, doanh nghiệp quản lý cho các hộ gia đình thuê thì không được bảo quản, bảo trì, duy tu nên đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng…
Giải pháp “cứu” biệt thự cổ?
Biệt thự bị xâm hại nên hư hỏng, xuống cấp, bị bỏ hoang gây lãng phí lớn ngân sách khiến dư luận bức xúc là thực trạng đáng quan tâm – nỗi buồn của biệt thự cổ Đà Lạt hiện nay. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, phần lớn biệt thự Đà Lạt, các biệt thự số 01, 03, 05, 07 nằm trên đường Cô Giang – phường 9; biệt thự số 6 – đường Hoàng Văn Thụ – phường 3; biệt thự số 43 – đường Xô Viết Nghệ Tĩnh… không đưa vào khai thác, sử dụng nhưng chủ đầu tư cũng không gia hạn thời gian thuê. Đặc biệt, có những công ty thuê hàng chục ngôi biệt thự nhưng không đủ năng lực triển khai thực hiện, thời gian đưa nhà, đất vào sử dụng kéo dài… dẫn đến nhiều biệt thự bị bỏ hoang; có nguy cơ bị sang nhượng, hoặc cho doanh nghiệp khác thuê lại?!…
Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, hiện nay, số biệt thự bị hư hao khá nhiều so với trước đây; (trong đó, có những biệt thự đã bị hư hỏng quá nặng không thể sửa chữa, phục hồi); tuy nhiên, lượng quỹ biệt thự Đà Lạt vẫn còn rất lớn. Nếu được quản lý, khai thác hiệu quả sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương.
Để “cứu” biệt thự cổ Đà Lạt, đoàn kiểm tra đã đề xuất một số giải pháp; trước tiên, UBND tỉnh Lâm Đồng cần thống nhất chủ trương và giao UBND TP.Đà Lạt chỉ đạo TTQLN Đà Lạt trực tiếp rà soát, lập hồ sơ thống kê đầy đủ, chính xác và phân loại giá trị sử dụng (hiện tại) của từng ngôi biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn toàn thành phố; đồng thời, tham mưu, đề xuất biệt thự nào tiếp tục cho thuê để khai thác, biệt thự nào cần thu hồi để sửa chữa, trùng tu, tôn tạo…
Thu hồi những biệt thự và đất biệt thự mà các cơ quan, đơn vị đã thuê nhưng không khai thác, sử dụng đã để hư hỏng, xuống cấp; tiến hành cưỡng chế, buộc chủ đầu tư tháo dỡ toàn bộ các hạng mục công trình xây mới, những công trình cơi nới trái phép tại các ngôi biệt thự, trên khuôn viên của biệt thự… Chính quyền địa phương, các ngành chức năng liên quan cần quy hoạch quỹ đất, nguồn vốn, tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng và lập kế hoạch đầu tư xây dựng thêm hệ thống nhà chung cư để giải quyết tái định cư cho những hộ gia đình hiện đang thuê các biệt thự để ở; tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thu hồi, quy hoạch, sửa chữa, trùng tu và đưa quỹ biệt thự Đà Lạt vào khai thác hiệu quả, đúng mục đích.
Ngôi biệt thự cổ trên đường Cô Giang được doanh nghiệp thuê nhưng bỏ hoang tàn phế…
Bên cạnh đó, các sở: Xây dựng, Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan khác phối hợp khảo sát, đánh giá tình hình quản lý, công năng sử dụng một số biệt thự để làm trụ sở làm việc của các cơ quan, đoàn thể; đề xuất UBND tỉnh bố trí sắp xếp lại, hoặc đề xuất thu hồi đấu giá quyền thuê biệt thự nếu cơ quan, đơn vị này sử dụng không hết công năng, gây lãng phí quỹ biệt thự.
TTQLN Đà Lạt quyết liệt truy thu số tiền các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuê biệt thự, đất biệt thự Đà Lạt hiện còn nợ nhằm tạo nguồn vốn để đầu tư công tác sửa chữa, tôn tạo, phục hồi số biệt thự bị hư, xuống cấp.
UBND TP.Đà Lạt phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh phương án, kế hoạch, lộ trình thực hiện việc duy tu, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp quỹ biệt thự Đà Lạt đảm bảo tiến độ để đưa vào quản lý, khai thác biệt thự Đà Lạt thực sự hiệu quả…
Nếu chính quyền địa phương và ngành chức năng của TP.Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng quyết liệt trong việc kiểm tra, đánh giá, áp dụng các giải pháp kịp thời chấn chỉnh tình trạng quản lý lỏng lẻo, thiếu hiệu quả đối với quỹ biệt thự Đà Lạt; nhanh chóng trùng tu, tôn tạo, nâng cấp quỹ biệt thự, tin rằng Đà Lạt sẽ có thêm sản phẩm du lịch mới – Du lịch khám phá, trải nghiệm biệt thự cổ Đà Lạt…
Thanh Hồng
Bình luận (0)