Các trường sư phạm (SP) đang ở đâu trong quá trình đổi mới chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) sắp tới? Các trường ĐHSP lớn đã cùng nhau vào cuộc nhưng vẫn còn một số trường trong tư thế ngại “vận động”.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong buổi thuyết giảng. Ảnh: A.K |
Nhiều trường vẫn ngại “vận động”
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, CT đào tạo của các trường SP hiện nay còn lạc hậu, có nhiều vấn đề cần phải bổ sung và thay đổi. “Tôi nghĩ CT đào tạo của các trường ĐH Việt Nam đều lạc hậu, không riêng các trường SP. Nhưng các trường ĐH khác đổi mới CT sớm hơn còn SP vẫn chậm đổi mới” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định. Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các trường SP ít có sự cạnh tranh hơn. Thứ hai là hậu quả không thấy ngay nên các trường cũng còn ỷ lại.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, hiện các trường SP đang “chạy”, một số trường tiên phong “chạy” trước. Nhưng còn một số trường CĐ SP địa phương vẫn “nằm im”. Một năm qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều kênh tác động đến các trường SP, đã có tập huấn ban đầu về đánh giá năng lực nhưng tập huấn xong, nhiều trường vẫn “nằm im”. Điều này có nguyên nhân do trước đây bộ quy định CT khung, nay đang chuyển cơ chế, tăng cường mạnh mẽ tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, bộ giao cho các trường ĐH, CĐ tự chủ về CT theo Luật Giáo dục ĐH nên cần có thời gian để các trường tiếp cận và dần dần biết cách làm thực sự. Các đợt tập huấn trước đây và đợt tập huấn này do bộ tổ chức là để nhằm mục đích đó. Bộ chỉ giám sát các trường thực hiện và yêu cầu các trường kiểm định nên các trường phải tự làm, tự điều chỉnh. Kiểm định chất lượng cũng là một hình thức để “thúc” các trường đổi mới. Cơ chế này mới chỉ là bước đầu nên muốn có hiệu quả cao thì cần có thêm thời gian.
Các trường phải “chạy” cùng đổi mới
Chia sẻ về đổi mới các trường SP trong thời gian tới, ông Nguyễn Hải Thập – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT – cho biết từ giữa năm 2015 bộ đã tổ chức các hội thảo, tập huấn đối với đại diện tất cả các cơ sở đào tạo giáo viên (ĐTGV) trong toàn quốc một số vấn đề về đổi mới CT đào tạo SP; qua đó đã thống nhất từ khóa tuyển sinh năm 2016 các trường sẽ đào tạo theo CT mới. Các trường SP chủ chốt đã cùng nhau thành lập câu lạc bộ hiệu trưởng và cùng nhau tổ chức nhiều hội thảo, cùng nhau xây dựng CT chung; đã thu hút thêm một số trường khác cùng tham gia.
Đầu tuần vừa qua, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã tổ chức tập huấn cho các cơ sở ĐTGV nhằm nâng cao nhận thức, quy trình và kỹ thuật xây dựng và phát triển CT ĐTGV phổ thông theo tinh thần của Nghị quyết 29.
Nội dung của khóa tập huấn nhằm cung cấp cho học viên những kiến thức, kỹ năng chung về xây dựng và phát triển CT ĐTGV.
Tại khóa tập huấn, các học viên được thực hành xây dựng bộ công cụ khảo sát thị trường lao động về yêu cầu đối với sinh viên SP sau khi tốt nghiệp. Dựa vào kết quả khảo sát (thực tế nhiều trường đã tiến hành bước này), học viên thực hành xây dựng hồ sơ năng lực của sinh viên SP. Từ những mô tả trong hồ sơ năng lực của sinh viên SP, học viên đề xuất các mô đun kiến thức cần có để có thể hình thành năng lực của sinh viên theo chuẩn đầu ra, đồng thời đưa ra dự thảo ban đầu về CT ĐTGV. Các học viên cũng được thực hành xây dựng đề cương môn học, đề cương bài giảng.
Có thể nói các học viên đã được “nhúng” mình vào việc xây dựng và phát triển CT đào tạo. Sau khi tập huấn, đại diện các trường đã được “ngấm” và biết cách làm. Bộ cũng khuyến khích các trường cộng tác với nhau để cùng làm những phần CT chung. Chỉ hướng dẫn cách làm, bộ không làm CT cho các trường.
PGS.TS Nguyễn Thị Thế Bình – Phó trưởng khoa Lịch sử ĐHSP Hà Nội – cho biết bà cũng như đồng nghiệp đã dự rất nhiều khóa tập huấn, nhưng đợt tập huấn vừa qua các báo cáo viên đã trình bày và chia sẻ những điều mà giảng viên các trường ĐH, CĐ cần, muốn nghe. Đợt tập huấn đã cung cấp cho các giảng viên quy trình, kỹ thuật xây dựng và phát triển CT đào tạo dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn.
Mặt khác, ông Nguyễn Hải Thập cũng cho hay từ thực trạng đội ngũ giáo viên phổ thông hiện tại, đối chiếu với CT mới thì sẽ rõ nhu cầu bồi dưỡng. Các trường SP sẽ nghiên cứu để xây dựng CT bồi dưỡng giáo viên. Chuẩn đầu ra của ĐTGV hiện nay và yêu cầu của CT giáo dục phổ thông mới sẽ “lộ” ra thực trạng giáo viên hiện tại đang yếu ở điểm nào. Đào tạo và bồi dưỡng phải đi liền nhau. Một số trường SP đã và đang phối hợp với các sở GD-ĐT khảo sát thực tế năng lực giáo viên phổ thông để phục vụ cho quá trình này.
Thiên Lam
Bình luận (0)