Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, đối với nhiệm vụ thích ứng với BĐKH, giai đoạn 2021-2030, TPHCM sẽ thực hiện 17 chương trình, dự án. Trong đó có 10 chương trình, dự án lồng ghép và 7 chương trình, dự án mới để thực hiện 12 nhiệm vụ chính.
Công trình ngăn triều Tân Thuận giúp giảm ngập, có tính yếu tố BĐKH.
TPHCM là một trong 10 thành phố lớn trên thế giới chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Thời gian qua, TPHCM cũng đã lồng ghép vấn đề thích ứng với BĐKH trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, giao thông vận tải, công nghiệp, môi trường. Để có thể đạt được mục tiêu đề ra, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những nội lực hiện có, thành phố cần tăng cường hợp tác quốc tế để đón nhận những hỗ trợ về con người, công nghệ và giải pháp tiên tiến nhất.
Phát huy nội lực
Theo UBND TPHCM, TPHCM là địa phương dễ bị tổn thương do tình trạng BĐKH, nước biển dâng. Nhiệt độ trung bình của TPHCM đã tăng 0,70C trong thời gian từ 1978-2011. Về lượng mưa từ 1993-2011, khu vực ven đô thị về phía Tây và Tây Nam TPHCM gia tăng trên 100mm.
Đặc biệt, tại TPHCM, hiện tượng mưa cực đoan ngày càng xảy ra với tần suất nhiều hơn. Vấn đề ngập lụt ở thành phố cũng đang rất nghiêm trọng, gây nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông đô thị, sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, do tác động của triều cường đã gây vỡ đê tại các khu vực quận 8, quận 12. Trong tương lai, theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ TN-MT công bố năm 2016 với kịch bản BĐKH trung bình, nhiệt độ của TPHCM sẽ tăng 1,90C vào năm 2100; theo kịch bản BĐKH cao, nhiệt độ của TPHCM sẽ tăng 3,50C. Nếu nước biển dâng 100cm thì sẽ có khoảng 17% diện tích thành phố có nguy cơ bị ngập. Trong đó, quận Bình Thạnh sẽ bị ngập khoảng 80,78%, huyện Bình Chánh sẽ bị ngập khoảng 35,43%.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, đối với nhiệm vụ thích ứng với BĐKH, giai đoạn 2021-2030, TPHCM sẽ thực hiện 17 chương trình, dự án. Trong đó có 10 chương trình, dự án lồng ghép và 7 chương trình, dự án mới để thực hiện 12 nhiệm vụ chính.
Các nhiệm vụ sẽ tập trung vào hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng và dân sinh phù hợp với bối cảnh BĐKH; xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch dân cư, cơ sở hạ tầng dựa trên kịch bản BĐKH có chú trọng đến các ngành và vùng trọng điểm; triển khai các phương án và giải pháp, công trình phòng chống thiên tai trọng điểm, cấp bách nhằm bảo vệ đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng an ninh và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; di dời, sắp xếp lại các khu dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của bão, nước dâng do bão, lũ lụt, xói lở bờ sông, bờ biển.
Không dừng lại ở đó, thành phố cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước, bảo đảm an toàn hồ chứa; tăng cường hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới; đảm bảo an ninh nguồn nước; quản lý rừng bền vững, ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng; trồng, bảo vệ, phục hồi rừng ven biển; rà soát, điều chỉnh, phát triển sinh kế và quá trình sản xuất phù hợp với điều kiện BĐKH gắn với xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội; thực hiện lồng ghép thích ứng với BĐKH dựa vào sinh thái và cộng đồng, thông qua phát triển dịch vụ hệ sinh thái bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng kiến thức bản địa, ưu tiên cộng đồng dễ bị tổn thương.
Tăng cường hợp tác quốc tế
PGS-TS Mai Tuấn Anh, Trưởng phòng Khí tượng – Thủy văn và Biến đổi khí hậu TPHCM, cho rằng vấn đề môi trường và BĐKH đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi TPHCM cần phải có những giải pháp hữu hiệu, lâu dài gắn với sự phát triển bền vững thông qua việc cụ thể hóa các giải pháp về môi trường và hợp tác quốc tế. Để đạt được các mục tiêu đề ra, đòi hỏi phải có những thay đổi nhanh chóng, không có tiền lệ trong mọi khía cạnh của xã hội.
Thực hiện Quyết định số 1670/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 và chỉ đạo của UBND TPHCM về việc xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Sở TN-MT TPHCM đã phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp, mục tiêu thích ứng, giảm thiểu rủi ro do tác động của BĐKH. Các mục tiêu này sẽ được hoàn thành trong năm 2021.
Với diễn biến ngày càng phức tạp và tác động nghiêm trọng của BĐKH đối với sự phát triển đô thị, TPHCM đang thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm ứng phó BĐKH dài hạn với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như C40 (mạng lưới của các thành phố lớn đã cam kết chung tay ứng phó với BĐKH), JICA… Trong khuôn khổ hợp tác với C40, TPHCM đã có thư cam kết thúc đẩy các hành động ứng phó với BĐKH. TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung cũng đã cam kết sẽ cắt giảm 9% khí nhà kính bằng nội lực và con số này sẽ tăng lên 27% nếu có sự ủng hộ, hỗ trợ từ quốc tế vào năm 2030.
Bà Ingrid Simon, Trưởng Hợp phần kế hoạch hành động khí hậu, thuộc C40, cho biết, C40 đã thiết lập một kế hoạch hành động bao gồm 4 hợp phần để hỗ trợ cho TPHCM thích ứng với BĐKH. Cụ thể, xây dựng lộ trình để đạt được phát thải ròng bằng 0 cho thành phố muộn nhất là vào năm 2050 và thiết kế các mục tiêu chuyển tiếp tham vọng hơn.
Đề xuất các giải pháp để thành phố thích ứng và cải thiện khả năng chống chịu với các thiên tai do BĐKH ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành phố hiện nay, cũng như theo các kịch bản BĐKH trong tương lai; đồng thời chi tiết các cách quản trị và nguồn lực cũng như đối tác hỗ trợ, nhất là trong các mối quan hệ cần được kết nối cho mục đích đạt được các mục tiêu về thích ứng và giảm phát thải cho thành phố; liệt kê các lợi ích về khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế kỳ vọng có được từ việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động về ứng phó với BĐKH, cải thiện sự phân bổ công bằng cho công dân của thành phố.
MINH HẢI (theo SGGP)
Bình luận (0)