Thời điểm này, đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) cốt cán đang được Bộ GD-ĐT gấp rút tập huấn bồi dưỡng các module. Đây là đội ngũ được ví như đầu tàu, góp phần quan trọng trong việc triển khai thành công Chương trình GDPT 2018.
Học sinh Trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) hoạt động làm quen, trải nghiệm với khoa học – một trong những hoạt động mới của nhà trường hướng đến Chương trình GDPT 2018
Cán bộ quản lý đóng vai trò then chốt
Nói về khó khăn trong lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018, PGS.TS Nguyễn Thành Vinh (giảng viên cao cấp Học viện Quản lý GD, trực tiếp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ GDPT cốt cán Chương trình GDPT 2018) phân tích: Đó là sự không đồng bộ trong triển khai thực hiện chương trình ở các đơn vị nhà trường. Chương trình có, SGK có nhưng những điều kiện khác như cơ sở vật chất, thiết bị, phòng học, lớp học không tương thích nên dù hiệu trưởng (HT), giáo viên (GV) muốn đổi mới cũng khó. Đó còn là sự khác biệt, khoảng cách lớn từ nhận thức đến hành động, thay đổi. Tức là dù HT và GV có thể nhận thức đúng, quyết tâm cao nhưng không chịu thay đổi, chậm đổi mới thì lại trở về cái cũ. Ngoài ra, hệ thống các văn bản hướng dẫn việc tổ chức dạy học, sử dụng SGK, kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả… dù đã có nhưng chưa đồng bộ. Đặc biệt là GV còn khó khăn, lúng túng trong triển khai dạy học theo hướng phát triển năng lực người học, đánh giá theo phát triển năng lực người học. Trong quản trị nhân sự hiện nay, HT cần phải hướng dẫn được cho GV, giúp đỡ GV. Mặc dù có tập huấn nhưng phải được bồi dưỡng liên tục thì mới có thể đảm bảo. Song, thực tế nhiều HT còn chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về việc dạy học để người học đạt được phẩm chất, năng lực, còn nhầm lẫn sang dạy học để nắm kiến thức. Nhiều HT còn chưa đọc đầy đủ, chi tiết về chương trình tổng thể và chương trình bộ môn; vì thế có sự lúng túng trong cách triển khai, bồi dưỡng GV, thúc đẩy GV xây dựng hướng giảng dạy khi đổi mới…
Từ quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 đang được áp dụng ở lớp 1 trong năm học 2020-2021, PGS.TS Vinh cho rằng, HT có thể rút ra những bài học. Cái rút được trước hết là phải tích cực triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn của chương trình và của Bộ GD-ĐT. Chương trình mới đương nhiên sẽ có khó khăn nên càng cần sự cố gắng, năng lực quản trị của người đứng đầu nhà trường. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát GD của địa phương cần phải đồng bộ thì mới giữ được “lửa đổi mới” cho GV, còn nếu không thì GV sẽ trở về cái cũ.
Về vấn đề nâng chuẩn GV theo Luật Giáo dục 2019, PGS.TS Vinh khẳng định, cái chuẩn GV mới chỉ là yếu tố cơ học để công nhận văn bằng pháp lý; nhưng quan trọng hơn là sau những cái chuẩn đó thầy cô làm được gì để thực hiện chương trình này. “Các khóa bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cốt cán là phương tiện để hỗ trợ thầy cô nâng cao chuyên môn nhưng đi cùng với đó đòi hỏi phải có hành động. Trong điều kiện nguồn lực của ngành GD còn hạn chế thì việc đổi mới chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Điều này đòi hỏi việc giám sát triệt để, tránh buông lỏng. Khi HT học về phải có triển khai. Địa phương cần giám sát, ngành GD cũng cần có những chỉ số, chỉ báo để kiểm tra giám sát, khi HT học về không thực hiện thì sẽ thế nào, thực hiện tốt thì sẽ thế nào, tránh tập huấn xong để đó…”, PGS.TS Vinh đặt vấn đề.
Địa phương phải tạo điều kiện
HT một trường THCS tại TP.HCM cho rằng, đội ngũ CBQL cốt cán tham gia tập huấn cần phải được tạo điều kiện nhiều hơn để chia sẻ lại những kiến thức từ chương trình tập huấn cho đội ngũ CBQL cơ sở đại trà. Một khóa tập huấn trực tiếp mỗi module cho CBQL cơ sở cốt cán thường kéo dài 3 ngày, chưa kể thời gian trực tuyến, hoàn thành bài tập. Vậy mà về địa phương lại yêu cầu chỉ tập huấn lại cho đội ngũ CBQL đại trà trong một buổi. Như vậy sẽ không có hiệu quả. Quyết định thành công của Chương trình GDPT 2018 không hẳn chỉ thuộc về đội ngũ CBQL trường học mà trước hết phải là trách nhiệm, nhận thức, tính “máu lửa” từ chính địa phương, cụ thể là các trưởng phòng GD-ĐT và các cấp quản lý cao hơn.
“Nếu địa phương có cách triển khai đúng đắn, nhận thức được tầm quan trọng thì không có chuyện làm hời hợt mà sẽ có chiến lược phù hợp, cần thiết. Từ chính đội ngũ đứng đầu sẽ thắp lên ngọn lửa đổi mới, truyền lửa đổi mới cho từng thầy cô giáo…”, vị HT này khẳng định.
Đây cũng là trăn trở của nhiều CBQL cơ sở GDPT trong lộ trình triển khai chương trình mới.
“Nếu chúng ta làm không tới, làm không dứt khoát, không sâu sát thì sẽ dẫn đến trình trạng chỉ có một nhóm trường mà đội ngũ quản lý của trường là đội ngũ cốt cán, hiểu đúng và làm được chương trình mới. Khi đội ngũ CBQL cốt cán tập huấn lại cho đội ngũ quản lý cơ sở đại trà thì không chỉ có HT đi học mà cần phải bao gồm cả phó HT. Sự đồng tâm đồng sức sẽ là chìa khóa để triển khai chương trình mới hiệu quả”, cô Hứa Thị Diễm Trâm – HT Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh – bày tỏ.
TS. Trần Khánh Ngọc – nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sáng lập chương trình Dạy học tích cực – đánh giá, “hồn cốt” của chương trình mới đến từ mỗi GV nhưng để làm nên “hồn cốt” đó thì lại phải bắt đầu từ nhận thức đúng đắn của mỗi CBQL. Nếu người CBQL chịu đổi mới, có sự chuyển động thì sẽ là cú hích lớn để từng GV tự nguyện đổi mới. Còn nếu CBQL, cụ thể là HT biết là cần thiết phải đổi mới nhưng lại chậm đổi mới, cộng thêm vướng mắc từ nhận thức của cấp trên thì sẽ kéo theo cả một hệ thống ì ạch, dù có được tập huấn bồi dưỡng như thế nào đi nữa…
Bài, ảnh: Nam Định
Bình luận (0)