Nhằm khuyến khích học sinh có tinh thần tự học, hướng đến việc thay đổi cách dạy học theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới sắp áp dụng tới đây, từ đầu năm học này, việc dạy học môn ngữ văn ở trường THCS và THPT có nhiều đổi mới.
Theo tác giả, chủ trương đổi mới tích cực là thế, xong nếu nhà trường và giáo viên thiếu chủ động thay đổi thì khó đạt kết quả như mong muốn. Trong ảnh: Một tiết học môn ngữ văn của học sinh lớp 12. Ảnh: Anh Khôi
Dạy học theo hướng tích hợp chủ đề
Ngay từ đầu năm học này, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27-8-2020 về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học môn ngữ văn cho cả năm học. Trong công văn này, ngoài những bài không dạy (như Con Rồng cháu Tiên…, lớp 6), còn rất nhiều bài khuyến khích học sinh tự đọc (như Bài ca Côn Sơn, lớp 7), hoặc chỉ hướng dẫn học sinh học những phần trọng tâm của bài học (như bài Hội thoại, lớp 8). Trong đó đáng chú ý nhất là việc tích hợp thành các chủ đề dạy học. Mỗi chủ đề gồm nhiều bài học, gồm đọc văn, tiếng Việt và làm văn. Như: chủ đề về Truyện Kiều cùng 2 đoạn trích và văn miêu tả của chương trình lớp 9; chủ đề về văn học dân gian (gồm 3 bài Chiến thắng Mtao Mxây, truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, Tấm Cám) và văn tự sự của chương trình lớp 10; chủ đề về thơ của các tác giả văn học trung đại và các thao tác lập luận (lớp 11); chủ đề về tác phẩm của 2 dòng sông (Người lái đò sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông?) và các phương thức biểu đạt…
Việc điều chỉnh này là cần thiết, vì theo thiết kế chương trình hiện hành, có rất nhiều nội dung bị lặp lại giữa các cấp, nhiều bài học dàn trải, nhiều vấn đề đã mất tính thời sự, không còn hấp dẫn với người học. Hơn nữa, thay đổi để giúp học sinh có cơ hội tự học, tích hợp theo chủ đề để người dạy và người học tập làm quen với cách tiếp cận vấn đề theo hướng đào sâu, nghiên cứu của chương trình mới sắp áp dụng tới đây. Chẳng hạn, với chương trình ngữ văn mới ở THPT, ngoài 3 tiết học bắt buộc, mỗi lớp có thêm 35 tiết/1 năm cho các chuyên đề học tập tự chọn dành cho học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn. Giúp học sinh có cái nhìn khái quát, tập nghiên cứu và hoạt động văn học thiết thực, gần gũi, đáp ứng sở thích, nhu cầu của các em.
Đa dạng trong cách đánh giá, cho điểm
Theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học từ Thông tư 58/2011 trước đó, các môn học đều thay đổi theo cách đánh giá và cách tính hệ số điểm mới, trong đó có môn ngữ văn. Đây là “cú hích” rất lớn, tiến tới lột xác dần việc dạy học văn. Theo đó, giáo viên không chỉ đánh giá học sinh qua các bài làm cố định trên lớp (chủ yếu là viết) như trước đây nữa. Thay vào đó là tăng cường việc đánh giá thường xuyên, đánh giá đa dạng bằng nhiều hình thức như hỏi – đáp, thuyết trình, thực hành, báo cáo sản phẩm…, đánh giá cả kỹ năng lẫn thái độ học tập. Như vậy, học sinh sẽ có cơ hội để phát triển nhiều kỹ năng hơn trong việc học văn, như kỹ năng nói/thuyết trình, kỹ năng nghiên cứu văn học, kỹ năng kết hợp các lĩnh vực nghệ thuật khác vào việc học văn như sân khấu, điện ảnh, hội họa… Chẳng hạn, với học sinh lớp 10, sau khi học xong phần văn học dân gian, có thể cho các em sưu tầm về văn học dân gian địa phương mình, sân khấu hóa các tác phẩm truyện cổ tích, truyện cười dân gian… Việc học văn như thế sẽ gắn liền với thực tiễn, giúp các em hứng thú hơn.
Nhà trường và giáo viên phải làm gì?
Chủ trương tích cực như thế, xong nếu nhà trường và giáo viên thiếu chủ động thay đổi thì khó đạt kết quả như mong muốn. Chẳng hạn, việc giao cho học sinh tự học tác phẩm phải có cách kiểm tra thế nào để các em không tự bỏ? Các chủ đề phải soạn cách dạy tích hợp thế nào để vừa đảm bảo nội dung và phù hợp mục đích? Liệu đã hết giáo viên biến các bài học thành lý thuyết hàn lâm, nặng nề; mà không dành thời gian cho việc học sinh trao đổi, thảo luận? Việc ra đề thi, kiểm tra, đánh giá như thế nào cho hợp lý? Hay cứ khư khư giữ theo kiểu cũ để học sinh cứ học gì thì thi nấy. Dẫn đến việc học sinh học “vẹt”, học bài văn mẫu tồn tại nhức nhối bấy lâu nay!
Trần Ngọc Tuấn
(giáo viên Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)