Tại TP.HCM, song song với thời khóa biểu năm học mới, thời gian đầu, các trường đều dành nhiều thời gian để ổn định tâm lý cho HS đầu cấp.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 được giáo viên chú trọng thiết kế nhiều trò chơi trong buổi học đầu năm
Buổi học đầu tiên trong năm học mới của cô trò lớp 1/6 Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) diễn ra trong không khí đầy vui tươi. Sau tiết chào cờ, sinh hoạt ngay tại lớp, cô Nguyễn Thị Thu Vân (GVCN lớp 1/6) đã cùng 33 HS tham gia hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Em và những người bạn”. Mỗi HS đứng lên tự giới thiệu tên, sở thích của mình và làm quen với các bạn, cô giáo. Bước vào từng môn học, các trò chơi tập thể cũng được giáo viên khéo léo đưa vào nhằm thu hút HS.
“Trong vài tuần đầu, lồng ghép trong mỗi tiết học, giáo viên sẽ tập trung hướng dẫn HS hình thành thói quen và kỹ năng ở trường tiểu học. Trong đó chú trọng vào các kỹ năng tự phục vụ, ý thức tự giác, làm quen với nề nếp trong lớp, trong trường, nhất là kỹ năng phòng dịch Covid-19. Để giúp trẻ hình thành những thói quen này, ngoài việc thiết kế các trò chơi, tăng tính tương tác, yếu tố khích lệ khen thưởng trẻ bằng những món quà nhỏ được đặc biệt chú ý, làm sao để trẻ cảm thấy việc đi học đầy thích thú, không bó buộc, nhàm chán”, cô Vân chia sẻ.
Song song với các trò chơi, theo cô Vân, chính tính mở của chương trình mới, SGK mới được đưa vào trong năm học này đã giúp giáo viên thuận lợi hơn trong việc thiết kế các hoạt động ở từng tiết học sao cho “đến gần hơn với HS lớp 1”.
“Tính cá thể hóa được khai thác triệt để, năng lực ngôn ngữ, năng lực tiếp thu của trẻ được thể hiện qua chính cách trẻ học. Trẻ càng chịu thể hiện thì giáo viên sẽ càng dễ dàng hơn trong việc giáo dục trẻ. Vì thế, hơn lúc nào hết với HS lớp 1, phụ huynh cần phải có sự hợp tác. Hãy chịu khó lắng nghe trẻ nói, khuyến khích trẻ nói để trẻ mạnh dạn…”, cô Vân bày tỏ.
Tương tự, với đối tượng HS đầu cấp bậc trung học, thời gian đầu của năm học mới cũng được các trường, giáo viên xây dựng phương pháp giáo dục đặc biệt bên cạnh việc giảng dạy kiến thức mới. Ở từng lứa tuổi, lớp học khác nhau, phương pháp này chú trọng đến ổn định tâm lý, làm quen với môi trường học tập mới, môn học mới.
Buổi học đầu tiên của gần 400 HS lớp 6 Trường THCS Bàn Cờ (Q.3) đã diễn ra với nhiều tiếng cười, làm quen bạn bè, giáo viên bộ môn. Cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền – Phó Hiệu trưởng nhà trường – cho hay, nhà trường khuyến khích giáo viên, nhất là giáo viên ở các bộ môn mới của bậc THCS thiết kế các trò chơi, hoạt động giảng dạy giúp HS khối 6 dễ dàng làm quen, tiếp cận và yêu thích môn học mới. Tiết sinh hoạt đầu năm, GVCN chú trọng vào phổ biến nội quy, hướng dẫn phòng chống dịch, ổn định tâm lý, phương pháp học tập…
“Khi bước vào lớp 6, ở môi trường học tập mới mà HS phải làm quen với phương pháp học tập mới, nhiều giáo viên bộ môn; thời gian đầu do vẫn còn nếp ở tiểu học, HS hay bỏ quên, không làm bài tập về nhà, không học bài. GVCN sẽ phải phối hợp chặt chẽ với GV bộ môn để hướng dẫn cặn kẽ các em trong từng môn học”, cô Trần Kim Ngọc – GVCN lớp 6/1 – cho biết.
Không chỉ thay đổi môi trường học tập, cô Ngọc cho hay, kiểm tra, đánh giá ở bậc THCS cũng sẽ khác tiểu học với nhiều bài kiểm tra hơn bao gồm cả đánh giá hạnh kiểm. Do đó, việc xây dựng ý thức tự giác học tập cho HS khối 6 là điều cực kỳ quan trọng.
“Phụ huynh cần phải bình tĩnh, theo dõi và nhắc nhở việc học hàng ngày của con thông qua phiếu báo bài. Đừng quá kỳ vọng cũng đừng quá bất ngờ nếu ở bậc tiểu học con là HS giỏi nhưng lên lớp 6 con là HS khá, thậm chí là HS trung bình. Hãy giúp con phát huy năng lực ở từng môn học, khuyến khích con tham gia vào các hoạt động tập thể trong lớp, trong trường để từng bước hình thành nhân cách cho con”, cô Ngọc tư vấn…
Tương tự, 774 HS khối 10 Trường THPT Thủ Đức (Q.Thủ Đức) cũng có buổi học đầu năm sôi nổi. Thầy Võ Thanh Toàn – Phó Hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ, bên cạnh phổ biến các khâu an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì buổi học đầu tiên, HS đầu cấp được hướng dẫn sâu hơn về nội quy, phương pháp học tập. Đặc biệt là hướng các em đến việc phát huy thế mạnh của bản thân thông qua các hoạt động CLB, hoạt động Đoàn, các môn học mới như ngoại ngữ 2, các lớp tin học MOS…
“Điều cần thiết trong môi trường THPT không phải chỉ có học mà mỗi HS đầu cấp phải xây dựng được kế hoạch học tập, rèn luyện khoa học thì mới có “sức bền” để chạy đường dài theo đuổi ước mơ của mình…”, thầy Toàn nhắn nhủ.
Bài, ảnh: Đỗ Lan
Bình luận (0)