Từ câu chuyện của bản thân, Vũ Quang Vinh chia sẻ khi chọn ngành học các bạn nên lắng nghe chính bản thân mình xem mình thích gì, tìm hiểu ngành đó có những thuận lợi, vất vả như thế nào nếu theo học…
Sinh viên ngành quản trị nhà hàng – khách sạn học thực hành. MỸ QUYÊN
Đã từng đậu ĐH nhưng sau một thời gian cảm thấy không phù hợp, không đủ năng lực để theo học, hoặc tốt nghiệp ĐH xong lại tiếp tục muốn học thêm một ngành "hot" để có thêm cơ hội việc làm, nhiều sinh viên, cử nhân đã quay lại trường CĐ, trung cấp.
Nguyễn Thu Sương từng theo học ngành quản trị nhà hàng khách sạn tại một trường ĐH tại TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, Sương được nhận vào làm việc tại một khách sạn 3 sao. Sương kể: "Làm việc một thời gian em nhận ra mình muốn tiến xa hơn trong môi trường quốc tế chuyên nghiệp nên em lập tức nghĩ đến việc mình cần học tập và trau dồi kiến thức, kỹ năng thực tế. Em đăng ký vào một trường trung cấp chuyên đào tạo về du lịch nhà hàng khách sạn".
Tốt nghiệp trường trung cấp, với nhiều kinh nghiệm thực tế được rèn luyện và giải thưởng từ các cuộc thi chuyên môn, cộng với việc có 2 tấm bằng trong tay, Sương được nhận vào làm việc tại một khách sạn 5 sao.
Trong khi đó, Hoàng Thị Nguyệt học đại học ngành quản trị kinh doanh được một năm thì dừng lại. Nguyệt cho biết: "Lúc đó em phải vừa đi làm để có thu nhập, vừa đi học. Kiến thức bậc ĐH đúng là khá nặng, nhà lại cách trường quá xa nên cảm thấy không phù hợp với hoàn cảnh bản thân, em đã đăng ký học cũng ngành đó tại một trường CĐ gần nhà”.
Còn Vũ Quang Vinh, sinh viên đại học ngành cơ khí, chỉ học được một tháng đã nhận ra kiến thức ở ĐH là "quá sức với bản thân". "Lúc đầu em thích đậu ĐH, chọn ngành cơ khí cũng theo bạn bè mà không quan tâm mình thích gì và có theo được không. Đến khi vào học thì khó quá nên em quyết định dừng lại. Em tìm hiểu thấy du lịch, nhà hàng đang phát triển và đây cũng là ngành em thích hơn, nên em đăng ký ngành quản trị nhà hàng khách sạn tại một trường CĐ vừa sức", Vinh nói thêm.
Nguyễn Thu Sương cho rằng nếu có đủ năng lực và điều kiện để học ĐH, thì việc chọn bậc học này là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp chỉ đòi hỏi năng lực, kỹ năng thực tế, nhất là các ngành dịch vụ, kỹ thuật, sản xuất… Vì vậy, hãy chọn ngành bạn thực sự yêu thích chứ không phải vì một sự ép buộc nào cả.
Từ câu chuyện của bản thân, Vũ Quang Vinh chia sẻ khi chọn ngành học các bạn nên lắng nghe chính bản thân mình xem mình thích gì, tìm hiểu ngành đó có những thuận lợi, vất vả như thế nào nếu theo học, nhu cầu tuyển dụng ra sao, chứ không nên chọn theo bạn bè hoặc "chọn đại".
Theo Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)