Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kiên quyết ngăn chặn tệ nạn ma túy trong trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 15-1, liên Sở GD-ĐT và LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp phòng, chống ma túy trong trường học giai đoạn từ 2011-2015 và triển khai kế hoạch phối hợp giai đoạn 2016-2020.

Bà Bùi Thị Diễm Thu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP tặng giấy khen cho các cá nhân và tập thể

Ông Lê Văn Quí – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phòng – chống tệ nạn xã hội TP – nêu thực trạng: TP.HCM mỗi năm tiếp nhận một lượng lớn dân nhập cư từ các địa phương khác đến sinh sống, học tập và làm việc. Do sự phát triển về mọi mặt trong tiến trình đổi mới, cùng với quan hệ xã hội và địa bàn hoạt động của từng cá nhân người dân ngày càng được mở rộng, TP trở thành địa bàn hoạt động trọng điểm của các loại tội phạm mang tính nội địa lẫn quốc tế. Trong đó, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy luôn phát sinh nhiều thách thức mới và tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp trong những năm qua. Đáng chú ý là hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy, nhất là ma túy tổng hợp vào TP tiêu thụ hoặc lợi dụng địa bàn TP để trung chuyển đi các địa phương khác hoặc ra nước ngoài ngày càng tăng nhanh. Những yếu tố đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, những HSSV.

Công tác phòng chống ma túy trong trường học đã bước đầu đi vào chiều sâu, chú trọng xây dựng lối sống văn hóa, các kỹ năng tự vệ phòng chống tệ nạn ma túy nói riêng và tệ nạn xã hội nói chung. Tại các trường học trên địa bàn TP, nhiều nội dung giáo dục về phòng chống ma túy cho HSSV được tích hợp vào các môn học trong nhà trường, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, nhất là đối tượng HSSV cá biệt. Tuy nhiên, bà Bùi Thị Diễm Thu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP – lưu ý: Hiện vẫn còn một số ít đơn vị chủ quan trong phòng, chống tệ nạn ma túy, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa gia đình – nhà trường, các cơ quan chức năng và các đoàn thể trong quản lý HSSV. “Chính điều này là một trong những kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ một bộ phận nhỏ HSSV sa vào cạm bẫy của họ”, bà Thu đúc kết.

Sau khi hai sở ký kết, các đơn vị liên quan đã phối hợp tương đối chặt chẽ từ công tác tập huấn, tuyên truyền, tập huấn về nghiệp vụ phòng chống ma túy trong trường học. Đã có trên 6.000 giáo viên, trợ lý thanh niên, thầy cô giáo phụ trách môn giáo dục công dân được tập huấn; tổ chức tham quan, giao lưu với cán bộ, giáo dục viên, học viên Trung tâm Cai nghiện ma túy Bố Lá; trưng bày 114 tác phẩm, tập san của các trường học, phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện… “Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, do đó công tác tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ quản lý, giáo viên và HSSV luôn được tổ chức thường xuyên, hoạt động, công tác tuyên truyền, tập huấn phong phú, đa dạng sát thực tế”, ông Trần Ngọc Du – Chi cục trưởng Chi cục Phòng – chống tệ nạn xã hội TP nói.

Về phía các đơn vị trường học, việc hai sở ký kết liên tịch đã làm cho công tác phòng chống các tệ nạn này đạt được những kết quả tích cực, những cách làm hay, sáng tạo của các trường giúp cho nhận thức của HSSV được nâng cao rõ rệt. “Cụ thể ở các quận, huyện: Q.4, Q.5, Q.Tân Bình, huyện Hóc Môn… đã có những kế hoạch hành động, trong đó nêu cao vai trò của đội ngũ thầy cô giáo trong việc quan tâm, chăm sóc và phát hiện những nguy cơ trong HS để cùng phối hợp với cha mẹ HS có những biện pháp ngăn chặn, quản lý”, ông Nguyễn Văn Gia Thụy – Phó trưởng phòng Công tác HSSV Sở GD-ĐT – khẳng định.

Bà Thu đề nghị trong giai đoạn tới với 12 nhiệm vụ cụ thể của giai đoạn 2016-2020, các đơn vị trường học cần phát huy vai trò xung kích, đi đầu của lực lượng đoàn viên, thanh niên, Đội Thiếu niên, cờ đỏ trong tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng chống ma túy, trên cơ sở nhẹ nhàng, thu hút, hấp dẫn HSSV… thông qua các loại hình tiểu phẩm, kịch ngắn, đố vui, thi tìm hiểu về phòng chống ma túy trong học đường, thay cho các hình thức tuyên truyền, thuyết trình, báo cáo.

Đối với khối giáo dục nghề nghiệp, cần tiếp tục củng cố hoàn thiện việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo trong công tác phòng ngừa và công tác thực hiện quy chế quản lý HSSV. Phối hợp với các địa phương, xây dựng, ban hành quy chế quản lý HSSV ngoại trú, tăng cường CSVC, thiết bị, tăng cường kinh phí cho công tác phòng chống ma túy… “Đặc biệt, chú trọng tới ba môi trường gia đình – nhà trường và xã hội để giúp cho HSSV đảm bảo an toàn trong học đường, đồng thời chống được các tệ nạn xã hội. Riêng các phòng GD-ĐT, LĐ-TB&XH tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động, phong trào thi đua trong toàn ngành, phối hợp với lực lượng công an, các tổ chức đoàn thể xã hội để tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy cho HS. Kiên quyết đẩy lùi tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội, tạo môi trường học tập lành mạnh nhất cho HSSV”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Bùi Thị Diễm Thu nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Quang Huy

Bình luận (0)