Trường học không chỉ là nơi cung cấp cho người học những tri thức mới, hiện đại mà còn phải là môi trường văn hóa. Nhà trường không được nhầm lẫn giữa trình độ học vấn và trình độ văn hóa trong sứ mệnh giáo dục và đào tạo của mình. Mỗi trường học cần có bước đi, cách thức xây dựng môi trường giáo dục ở đơn vị mình cho phù hợp theo đặc điểm của trường và tính chất của văn hóa trường học.
Theo tác giả, việc xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Trong ảnh: Học sinh tiểu học tham gia đọc sách tại một ngày hội đọc sách. Ảnh: Y.Hoa
Mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục là xây dựng văn hóa học đường. Đó là môi trường tự nhiên xanh – sạch – đẹp, an toàn; môi trường xã hội nhân văn với các mối quan hệ thân thiện, lành mạnh. Cụ thể, môi trường tự nhiên là môi trường gắn bó, hòa đồng với thiên nhiên, coi trọng những giá trị mà thiên nhiên mang lại như có nhiều cây xanh, không khí trong lành mát mẻ, trường học phải “đẹp như công viên” và “sạch như bệnh viện”. Trong khi đó, môi trường xã hội là môi trường có những chuẩn mực trong các mối quan hệ xã hội. Đó là các mối quan hệ giữa người lãnh đạo với người bị lãnh đạo; mối quan hệ giữa giáo viên với giáo viên; giữa giáo viên với học sinh; giữa học sinh với học sinh; giữa nhà trường với học sinh; giữa nhà trường với phụ huynh; giữa học sinh với môi trường xã hội. Trong các mối quan hệ đó, phải đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa người với người. Đó là mối quan hệ giữa người quản lý với người bị quản lý, giữa người dạy và người học. Trong đó, người quản lý và người dạy vừa tạo ra môi trường văn hóa vừa đưa những chỉ dẫn, định hướng văn hóa đến người học nhằm mục tiêu xây dựng những chuẩn mực về đạo đức, về cách thức tổ chức linh hoạt mềm dẻo, đúng quy chế, quy định, nội quy của nhà trường.
Xây dựng môi trường giáo dục được diễn ra bằng rất nhiều cách thức khác nhau như: Tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; tổ chức sinh hoạt lớp, tư vấn cá nhân, lồng ghép qua môn học, đánh giá giáo dục. Đặc biệt phải xây dựng được các quy chế, quy chuẩn bằng văn bản có tính pháp lý cho mọi thành viên trong nhà trường, trong đó cần chú ý đến người dạy và người học. Khi xây dựng văn hóa học đường, các hoạt động của người dạy diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng người dạy trong hoạt động này phải gương mẫu thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí văn hóa học đường như đối với người học. Cụ thể, đối với người dạy, xây dựng văn hóa học đường là tích cực tạo dựng môi trường văn hóa – giáo dục trong nhà trường từ văn hóa vật thể như khuôn viên của nhà trường, cổng trường, hàng rào, sân chơi, bãi tập, lớp học, nhà vệ sinh, băng rôn, khẩu hiệu, cây kiểng… đều toát lên ý nghĩa giáo dục – văn hóa. Xây dựng những giá trị văn hóa phi vật thể như các mối quan hệ lành mạnh, ứng xử văn minh, các nghi thức, giá trị, niềm tin, chuẩn mực… Ngoài ra, người dạy còn có thể tác động đến môi trường bên ngoài tạo ra những thuận lợi cho việc xây dựng văn hóa nhà trường. Trong môi trường đó, người dạy tạo điều kiện để người học thể hiện hành vi, ứng xử văn hóa trong sự tương tác với các tổ chức, các thành viên khác trong và ngoài nhà trường.
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, xây dựng văn hóa học đường cần được xem là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, chấm dứt và hướng tới xóa bỏ bạo lực học đường, làm giảm những áp lực lao động của giáo viên. |
Trong khi đó, xây dựng văn hóa học đường đối với học sinh là tự mình kiến tạo bản thân qua môi trường văn hóa được tiếp cận, các chỉ dẫn văn hóa đã lĩnh hội tiến đến có hành vi văn hóa chuẩn mực. Làm được điều đó người học phải tích cực như có ý chí, động lực, động cơ hoạt động với điều kiện phải hiểu được những giá trị, tri thức văn hóa; có tình cảm, niềm tin về giá trị văn hóa để có hành vi văn hóa phù hợp với môi trường giáo dục. Kiến tạo bản thân để có hành vi văn hóa nghĩa là người học phải tự vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong môi trường giáo dục. Để trở thành người có văn hóa, người học phải rèn luyện, phải vượt qua nhiều chặng đường, nhiều chông gai, vất vả. Những trở lực do hành vi theo quán tính, không văn hóa trong cuộc sống đời thường của mỗi người và những cám dỗ, lôi kéo khác luôn là cản ngại để người học hình thành hành vi văn hóa. Mặt khác, môi trường văn hóa học đường tuy mẫu mực nhưng lại nhỏ bé so với môi trường xã hội rộng lớn, việc kiến tạo đời sống văn hóa của học sinh vì vậy phải là một sự phấn đấu bền bỉ, kiên trì mới có kết quả. Xây dựng văn hóa học đường, người học phải được hòa mình vào môi trường văn hóa từng bước được nhà trường tạo dựng. Mỗi người học vừa là người xây dựng, vừa là người hưởng thụ các kết quả từ văn hóa học đường. Người học sẽ có được các trải nghiệm cần thiết, hữu ích thông qua sự tương tác và xử lý các mối quan hệ. Qua đó, người học có thể mở rộng các trải nghiệm và sự tương tác ra bên ngoài nhà trường trên cơ sở văn hóa học đường và kiến tạo ra đời sống văn hóa cho chính mình hiện tại và trong tương lai. Xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách như: Đạo đức xã hội suy kém, giao tiếp, ứng xử xã hội có nhiều sa sút, ngay cả những quan hệ trong trường học cũng có nhiều biến tướng. Áp lực lao động của giáo viên hết sức nặng nề như: từ công tác chuyên môn; từ công tác quản lý chỉ đạo; từ định mức lao động và tính chất lao động nghề nghiệp; từ “bệnh” thi đua, thành tích; từ việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; từ học sinh, phụ huynh; từ cơ chế chính sách của Nhà nước. Đấy là chưa kể đến giáo viên còn chịu áp lực về gia đình, con cái.
Tóm lại, trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, xây dựng văn hóa học đường cần được xem là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, chấm dứt và hướng tới xóa bỏ bạo lực học đường, làm giảm những áp lực lao động của giáo viên. Xây dựng nhà trường thành môi trường giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp và là trường học trí tuệ – văn hóa, văn hóa – trí tuệ.
PGS.TS Tô Bá Trượng
(Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục)
Bình luận (0)