Gần 10 năm gắn bó với bà con làng Vân (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), nữ y sĩ Văn Thị Kim Tuyến bảo rằng: “Nghề y gắn bó với bà con, nhất là với bà con làng Vân – nơi một thời từng có nhiều người không may mắc bệnh phong phải sống tách biệt dưới chân đèo Hải Vân thì không chỉ khám chữa bệnh, hướng dẫn bà con chăm sóc sức khỏe mà cần có một tấm lòng, gần gũi với bà con như những người bạn để sẻ chia”.
Gần 20 năm theo nghề y, 9 năm gắn bó với bà con làng Vân, nữ y sĩ Văn Thị Kim Tuyến gần gũi như người thân của họ
1.Căn phòng nhỏ trực thuộc Trạm y tế phường Hòa Hiệp Nam nằm bên con đường Xuân Thiều 23, sát khu tái định cư cho cư dân làng Vân, chỉ vỏn vẹn có 2 chiếc giường đơn dành cho người bệnh đến thăm khám. Một tủ thuốc nhỏ và một chiếc bàn đơn sơ là nơi làm việc của chị Văn Thị Kim Tuyến. Mỗi ngày, phòng y tế này đón rất nhiều lượt người đến thăm khám, nhờ chị tư vấn chăm sóc sức khỏe và châm cứu. Chị Tuyến gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Chị bảo, đã gần 10 năm nay, kể từ ngày chị tình nguyện ra làng Vân cho đến khi theo bà con về khu tái định cư này, chị đều bận rộn như thế.
Chị Tuyến kể, chị sinh ra và lớn lên ở miền quê chân sóng gần chân đèo Hải Vân. Tốt nghiệp lớp 12, chị theo học y sĩ đa khoa tại trường Trung cấp y tế Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau 3 năm hoàn thành chương trình, chị về lại Liên Chiểu, một thời gian sau đó vì nhiều lý do, chị chưa bước vào nghề ngay mà ở nhà cùng mẹ làm nghề pháo nổ. Năm 2000, chị Tuyến được nhận vào làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng. Bảy năm sau đó, vì hoàn cảnh mẹ già neo đơn nên chị xin chuyển về làm việc tại Trạm y tế phường Hòa Hiệp Bắc để tiện bề chăm sóc. Vốn giàu nhiệt huyết và cảm thông với nỗi đau của người bệnh ở những vùng quê xa xôi, nên khi biết được tình cảnh của bà con làng Vân, chị tình nguyện ra với bà con. Đó là năm 2010, làng Vân ngày ấy nằm tách biệt với đất liền, neo bên chân đèo Hải Vân cao tới 1.700 mét, phía trước là biển cả dậy sóng. Giao thông đi lại chủ yếu men theo mép núi. Cuộc sống của bà con khá khó khăn, không có nước sạch sinh hoạt. “Lần đầu tiên ra với làng Vân, vừa sợ vừa thương. Đêm đầu tiên tui xin ở lại nhà người quen, nhưng mãi làm việc đến tối mịt, nhìn lên đã thấy bà con tắt hết điện, xóm làng tối om. Tôi cầm cây đèn pin mò mẫm đi men theo bờ biển, qua một con khe cạn, không quen địa hình nên cứ thế mà bước, không ngờ cát sụt lún ngập sâu tới mặt. Ấn tượng đầu tiên về làng Vân là một phen sợ hãi như thế nhưng may mắn thoát được”, chị kể lại.
Chị Tuyến khám chữa bệnh cho những người nghèo khó, đơn thân
2.Đến với bà con làng Vân, nơi có nhiều người từng bị bệnh phong nên họ khó mở lòng. Để công tác khám chữa bệnh suôn sẻ, ngoài giờ làm việc ở trạm, chị tìm đến từng nhà hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ những tâm tư. Lâu dần được bà con tin tưởng, cởi mở hơn trong việc thăm khám và tư vấn cho bà con tự chăm sóc. Ngày đó, phòng y tế làng Vân có 2 người, chị và một đồng nghiệp nữa cứ phân chia nhau thời gian để làm việc. Chị đi về như con thoi giữa làng Vân vào Hòa Hiệp cách hơn chục cây số đường bộ để vừa làm việc vừa chăm sóc mẹ già. Mỗi lần ra làng Vân, trên vai chị còn có thêm gạo, muối, thuốc men để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Đôi khi tiện, chị còn mua giúp thực phẩm mang ra cho bà con. Con đường mòn men theo vách núi, chênh vênh bên bờ biển in dấu chân chị mỗi tuần. Bà con làng Vân dần trở nên thân thiết, luôn tìm đến chị để sẻ chia, hỏi han cách phòng, chữa bệnh.
Bà Lê Thị L. (82 tuổi), là một người hiện còn di chứng bệnh phong kể: “Ở đây, tui cũng như bà con đều nhờ cô Tuyến tư vấn, thăm khám sức khỏe. Có lần tôi bị tai biến, cô Tuyến cũng tận tình sơ cứu ban đầu và gọi giúp xe cấp cứu đưa đi bệnh viện. Sau ra viện, cô còn châm cứu cho tui suốt 3 tháng trời, sức khỏe nhờ đó đã ổn định hơn”. |
Năm 2012, khi làng Vân được đưa vào tái định cư ở đất liền, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, chị lại theo bà con về “định cư” ở phòng y tế này để tiếp tục đồng hành cùng bà con trong cuộc chiến chống bệnh tật. Căn phòng y tế nơi chị công tác khá thiếu thốn. Chị bảo không có nước sinh hoạt, phải xin bà con để sinh hoạt, nấu nướng. Vất vả là vậy nhưng hiếm thấy ở chị một lời than vãn.
3.Bà Lê Thị L. (82 tuổi), là một người hiện còn di chứng bệnh phong kể: “Ở đây, tui cũng như bà con đều nhờ cô Tuyến tư vấn, thăm khám sức khỏe. Có lần tôi bị tai biến, cô Tuyến cũng tận tình sơ cứu ban đầu và gọi giúp xe cấp cứu đưa đi bệnh viện. Sau ra viện, cô còn châm cứu cho tui suốt 3 tháng trời, sức khỏe nhờ đó đã ổn định hơn”.
Không chỉ khám chữa bệnh cho bà con làng Vân theo nhiệm vụ, với nhiều trường hợp khó khăn, neo đơn không may bệnh tật, chị Tuyến sẵn sàng giúp đỡ, châm cứu miễn phí. Ông Nguyễn Phước L. (57 tuổi) xúc động nói: “Tui sống độc thân, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Gần đây tui mắc bệnh thần kinh tọa, lại bị thêm tai biến nên đi khó, không nói được. Sau khi điều trị ở viện về, suốt mấy tháng nay lại nhờ cô Tuyến châm cứu. Giờ tôi đã nói lại được rồi, đôi chân đi bớt run hơn”.
Công việc của chị Tuyến gần như không có thời gian nghỉ ngơi cố định. Bất kể đang trưa hay nửa đêm, hễ chuông điện thoại reo lên, có người cần giúp đỡ là chị lật đật khoác túi y cụ đi. Sống một cuộc đời đơn thân và dành trọn tình yêu cho nghề y, với chị: “Một giấc ngủ ngon của bà con, không trái gió trở trời đã là hạnh phúc của mình rồi”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)