Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ngạt khí – cái chết bất ngờ!

Tạp Chí Giáo Dục

Ngạt khí làm cho con người thiếu hụt ôxy trầm trọng dẫn đến cái chết bất ngờ và nhanh chóng nhất. Khí độc có thể gây ngạt “dây chuyền” cho nhiều người nếu nạn nhân thiếu hiểu biết và không có cách xử trí tình huống hợp lý và khoa học.

Tầng hầm thường xuyên có quạt thông gió để tránh ngạt khí độc CO2

Chết bất đắc kỳ tử

Cách đây hai năm, một vụ ngạt khí xảy ra tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đã làm cho 3 công nhân chết ngay sau đó dù được phát hiện kịp thời. Hiện tượng ngạt khí độc do chui xuống bồn hay hầm chứa nước để vệ sinh cũng gieo họa bằng những cái chết thương tâm mà điển hình là vụ 2 nhân viên của một nhà hàng tại Q.Tân Bình bất ngờ bị ngất xỉu khi đang cọ rửa hầm xử lý nước thải. Được sơ cứu kịp thời nên anh N.V.P (40 tuổi, quê ở Tiền Giang) thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Riêng anh Đ.V.T (26 tuổi, quê ở Long An) do bị nặng quá nên không qua khỏi.

Khi ngủ trên ô tô, để đề phòng kẻ gian và tìm những phút giây yên tĩnh, nhiều tài xế đã đóng kín cửa cho chắc ăn. Đây thực sự là một thói quen vô cùng nguy hiểm vì đã có không ít bác tài bỏ mạng sau đó. Nguyên nhân là do tài xế sau khi đóng cửa đã bật máy lạnh theo chế độ lấy gió trong. Chính lúc này không còn sự điều hòa không khí ở bên trong với bên ngoài gây nên tình trạng thiếu hụt ôxy. Hiện trường các vụ tử vong cho thấy nạn nhân thường bị gục trước vô lăng, cửa xe luôn đóng kín mít, đồ đạc vẫn y nguyên giống như một giấc ngủ tạm. Không ai ngờ cái chết lại đến một cách êm ái và tức tưởi như vậy.

Những tai nạn chết người do bếp than tổ ong gây ra không còn là chuyện mới, nhất là nạn nhân dùng để sưởi ấm mùa đông ở các tỉnh phía Bắc. Đau lòng hơn là những cái chết đó không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn có rất nhiều trẻ em khi sống chung với bố mẹ trong một gia đình. Điều đáng nói là đã có nhiều cái chết thương tâm từ thủ phạm là bếp than tổ ong nấu ăn và sưởi ấm thế nhưng nhiều người vẫn không lấy đó làm bài học cảnh tỉnh.

Cẩn thận để tránh ngạt khí

Ngay đầu năm 2016, vụ ngạt khí trong lò vôi tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa làm 8 nạn nhân tử vong là vụ tai nạn đau lòng nhất. Mặc dù cách đốt vôi vẫn theo phương pháp truyền thống từ nhiều năm nay nhưng do cách làm thủ công và nạn nhân không lường được trước khí độc CO2 có nhiều trong lò vôi khi đốt nên đã tử vong đồng loạt rất oan uổng. Rõ ràng đây là lời cảnh báo tiếp tục cho những ai đang làm việc trong môi trường độc hại có nguy cơ thiếu lượng ôxy nhưng có nhiều khí độc thải ra.

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những cái chết ngạt khí là do người bị nạn thiếu kỹ năng sống để sinh tồn. Vì thiếu hiểu biết và chưa có kinh nghiệm sống nên nhiều người đã gặp  tai nạn ngoài ý muốn. Tuy nhiên, cũng có người do chủ quan, liều lĩnh nên đã tự chuốc lấy họa cho mình. Chỉ cần cẩn trọng và không chủ quan là có thể vượt qua lưỡi hái của tử thần. 

BS.CK2 Huỳnh Văn Ân – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) cho biết, do thiếu ôxy mà con người dễ bị hôn mê nhưng không được báo trước. Chính vì thế, nạn nhân rất khó nhận biết để thoát nạn vì từ cảm giác mệt mỏi đến trạng thái hôn mê xảy ra rất nhanh. Sau đó nồng độ cacbonic tăng cao làm cho nạn nhân chết một cách mau lẹ hơn. CO2 là khí không mùi không vị không gây đau đớn và nhanh chóng gây ngạt nên nạn nhân rất khó phát hiện và không kịp trở tay để ứng phó như các vụ tai nạn được báo trước khác.

TS.BS Huỳnh Tấn Tiến – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM cho biết tầng hầm tại các chung cư, siêu thị, trường học là những nơi tích tụ nhiều khí CO2 vì thế cần có biện pháp đề phòng thật an toàn. Theo bác sĩ Tiến, không nên tụ tập vào chỗ đông người tại tầng hầm, tăng cường gắn nhiều loại quạt công suất lớn tại các tầng hầm phòng kín để lưu thông gió. Hạn chế làm việc quá lâu trong các tầng hầm xe kín cửa thiếu ôxy. Không nên đốt than, nấu bếp gas trong các phòng kín nhất là phòng ngủ gia đình. Các tòa nhà thiết kế cần có hệ thống thông gió có đủ lượng ôxy lưu thông.

Bài, ảnh: Quang Phan

Bình luận (0)