Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ký ức sách cũ, báo xưa

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ 1: Những tờ báo sống mãi với thời gian

Qua biết bao thăng trầm, biến cố lịch sử, mỗi tờ báo, tạp chí xưa dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng cũng đã làm tròn sứ mệnh của mình.

Triển lãm báo chí xưa “Giở chồng báo cũ – Một góc nhìn lịch sử báo chí Việt Nam” do Thông tấn xã Việt Nam và Công ty Nhã Nam phối hợp tổ chức đang diễn ra tại TP.HCM đã tái hiện diện mạo lịch sử báo chí Việt Nam. Xưa mà không cũ, tờ Gia Định báo ra đời cách đây 150 năm là một minh chứng.

Đọc lại báo xưa

Với hơn 300 đầu báo đang được trưng bày tại triển lãm báo chí xưa “Giở chồng báo cũ – Một góc nhìn lịch sử báo chí Việt Nam” cũng đủ để gợi lại những kỷ niệm về một thời đã qua. Thú vị hơn, trong những ngày diễn ra triển lãm, các nhà sưu tầm, các nhà báo lão thành cũng đã mang đến triển lãm những tờ báo còn thiếu, bút tích của nhà báo… với mong muốn được góp chút gì đó vì một nền báo chí xưa.

Thế hệ sau, không phải ai cũng có cơ hội chiêm ngưỡng, đọc tờ báo được viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, đó là tờ Gia Định báo. Kế đến là các tờ khẳng định một nền báo chí Việt Nam như: Nam Phong tạp chí, Tiếng dân, Lục tỉnh Tân Văn… hay các tờ báo góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam như: Sự thật, Nhân dân, Độc lập… Không dừng lại ở những tờ báo, tạp chí, tại triển lãm còn có những bút tích của những thế hệ nhà báo đầu tiên của Việt Nam và có công đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Qua báo chí xưa, thế hệ trẻ ngày nay có cơ hội tìm hiểu về đội ngũ nhà báo xưa lăn lộn với nghề, dùng ngòi bút sắc bén của mình để đấu tranh, bảo vệ Nhân dân như thế nào, từ đó xây dựng cho mình ý thức trách nhiệm với nghề. Những nhà báo mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử, phải kể đến Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký, Vũ Trọng Phụng, Phan Khôi, Trần Trọng Kim, Bửu Đình, Lưu Quý Kỳ…

Đến tham quan triển lãm, nhà báo lão thành Trần Thanh Phương (Báo Đại đoàn kết) thấy còn thiếu nhiều quá, về nhà ông giở chồng báo cũ để tìm tặng Ban tổ chức. Nó được xem là “tài sản” tích cóp được trong cuộc đời làm báo của ông. Đó là những tờ báo Thống nhất, Giải phóng, Bút thép… ra đời hàng chục năm trước, không phải dễ tìm lại được. Ông bảo rằng, báo xưa không chỉ giá trị về mặt thời gian mà giá trị ở sứ mệnh của nó. Có những tờ báo tồn tại trong một thời gian vô cùng ngắn ngủi nhưng ảnh hưởng tích cực đối với cách mạng, với thời cuộc. Ông Phương chia sẻ: “Vì nó rất quý nên cũng cần nơi có điều kiện lưu trữ, bảo quản khoa học. Nó không chỉ là một tờ báo, một tạp chí hay nội dung của nó mà là giá trị lịch sử, những tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Nó là nguồn tư liệu quý giá, là bằng chứng cho 150 năm nền báo chí Việt Nam”.

Ông Nguyễn Tiến Lễ, Giám đốc cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (khu vực phía Nam) chia sẻ: “Nền báo chí Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm và biến động của lịch sử. Tất cả đã được tái hiện, tuy chưa đầy đủ, còn gián đoạn nhưng ít nhiều cũng phác họa được vai trò lịch sử của báo chí qua 150 năm hình thành và phát triển, bắt đầu từ 15-4-1865, cụ Trương Vĩnh Ký xin phép thành lập và làm chủ bút tờ Gia Định báo”.

Và cảm xúc

“Thế hệ sống trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, những tờ báo, tạp chí lúc bấy giờ đã ít nhiều ghi lại một phần ký ức của họ, cả vui lẫn buồn. Bắt gặp lại một tờ báo cũ “sống” ở quãng tuổi trẻ của mình, một cảm xúc xao xuyến bồi hồi rất lạ”, ông Nguyễn Văn Phú (76 tuổi, ngụ P.Nguyễn Thái Bình, Q.1) xúc động, nói.

Nhà báo Trần Thanh Phương (trái) trao đổi với ông Nguyễn Tiến Lễ, Giám đốc cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (khu vực phía Nam) về báo chí xưa

Bà Nguyễn Thị Thành (ngụ P.11, Q.3) cho biết, đến với triển lãm để được xem lại những tờ báo xưa mà bà yêu quý nhưng không có điều kiện lưu giữ. Bà Phương nhớ lại: Lúc bấy giờ, cha tôi rất mê sưu tầm Nam Phong tạp chí, Tiếng dân, Giải phóng (Cơ quan Trung ương của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam); … Ông đọc xong và cẩn thận cất vào tủ. Thế hệ chúng tôi, ngoài sách báo của cha, còn đọc Phụ nữ Tân văn, Thời văn nguyệt san và nhiều tờ văn chương ăn khách lúc ấy là món ăn tinh thần không thể thiếu. “Hồi ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai có bà tám Hương bán báo. Học trò tụi tôi thường được bà cho mua thiếu, đứa nào không tiền trả bà tặng luôn. Học trò chúng tôi chuyền tay nhau một tờ báo, tạp chí… dưới sân trường mỗi giờ ra chơi, cảm xúc khó tả lắm”.

Những tờ như Đông pháp, Tin văn, Ngày nay, Tuần báo Văn Lang, Nam kỳ tuần báo, Tuần san văn hóa xã hội Định hướng, Phong Hóa, Thanh Nghị, Khai Trí Tiến Đức tập san… cho đến những tờ báo đầu tiên về phụ nữ như Phụ nữ Tân văn, Bình đẳng nhật báo được bà Phương cất giữ. Tuy nhiên, sau này vì điều kiện khách quan, bà không thể giữ được nữa. Bà bảo: “Thật đau đớn khi phải để mất nó”.

Bà Phương cho rằng, ở bất kỳ một tờ báo nào, khi đọc lại sẽ bắt gặp được các sự kiện, giai đoạn lịch sử cụ thể trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội ở thời kỳ ấy. “Chúng tôi còn quay lại một thời tuổi trẻ, thời mộng mơ, đáng yêu của tuổi học trò. Những cuốn Nhi đồng tạp chí hay Nhi đồng họa báo, gặp lại ai mà không thích? Quãng tuổi thơ của mình mà”, bà Phương nói.

Bài, ảnh: Trần Tuy An

Bình luận (0)