Mặt tích cực của việc ứng dụng công nghệ vào học tập là rất lớn nhưng theo nhiều chuyên gia, nếu lạm dụng và không kiểm soát được thì cũng gây ra nhiều hậu quả.
Thiết bị dạy học hiện đại không quan trọng bằng việc người sử dụng nó có hiện đại hay không. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Không thay thế được người thầy
Một phụ huynh có con học lớp 6 ở Hà Nội cho biết chủ trương của gia đình là chưa muốn cho con tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ như máy tính bảng hay điện thoại thông mình… Tuy nhiên, cháu lại học lớp tăng cường tiếng Anh của trường và cô giáo yêu cầu phải có máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh để làm bài tập về nhà vì cô giao bài tập trên máy.
Theo phụ huynh này, do không kiểm soát được và lo lắng việc tiếp xúc với điện thoại thông minh quá sớm khiến con có thể nghiện thiết bị này, khi gia đình muốn “kéo” cháu ra để hạn chế thì rất khó. “Tôi chỉ mong giáo viên (GV) khi yêu cầu như vậy cũng nên phối hợp với gia đình về định hướng, nên sử dụng thế nào là vừa”, vị phụ huynh bày tỏ.
Lâu nay, việc lạm dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học cũng được bàn thảo nhiều, nhất là ở các TP lớn. Lãnh đạo Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho hay trường đã ứng dụng CNTT trong dạy học hằng ngày từ 11 năm trước. Nhưng bên cạnh việc nâng cao chất lượng ứng dụng thì việc chống lạm dụng CNTT cũng phải được chú trọng để đảm bảo học trò được trải nghiệm thực tế, được tương tác với nhau và tương tác với GV.
PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, cũng cho rằng việc áp dụng công nghệ trong dạy học là xu hướng không thể phủ nhận. Trong thực tế, công nghệ rõ ràng đã làm tăng chất lượng cuộc sống bằng nhiều cách khác nhau. Công nghệ, đặc biệt là internet, cung cấp một số lượng lớn kiến thức và trẻ em có quyền truy cập để tiếp thu. Phần mềm máy tính thiết kế đặc biệt cho việc học tập, cũng có thể là một công cụ tuyệt vời để sử dụng trong học tập phát triển và sáng tạo.
Tuy nhiên theo PGS Thơ, GV cũng như học sinh (HS) cần có trải nghiệm thực tế, “nhúng” mình vào thực tế thì mới có thể biến những kiến thức trong sách vở thành năng lực của cá nhân. Như vậy, dù công nghệ có hiện đại đến mấy cũng không thay thế được người thầy. Thực tiễn dạy học có rất nhiều tình huống khác nhau, đối tượng HS khác nhau và chỉ có sự tương tác thường xuyên giữa thầy và trò. Ngành GD-ĐT đang hướng tới dạy học phát triển năng lực HS trong chương trình giáo dục phổ thông mới; xây dựng mô hình trường học hạnh phúc và không máy móc nào có thể thay thế GV trong việc đó.
“Thiết bị dạy học hiện đại không quan trọng bằng việc người sử dụng nó có hiện đại hay không, có tránh sa đà vào việc lạm dụng thiết bị mà không kiểm soát được hay không”, bà Thơ nói.
Lạm dụng sẽ triệt tiêu cảm xúc, khả năng sáng tạo
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, cho rằng khi sử dụng công nghệ trong giảng dạy phải đặt ra mục tiêu làm gia tăng khả năng ghi nhớ, vận dụng, phân tích, tương tác, tư duy phản biện… chứ không phải trình diễn, sử dụng quá mức sẽ khiến HS mất tập trung, phản tác dụng. Việc lạm dụng công nghệ sẽ dẫn đến tình trạng chuyển từ “đọc chép” sang “nhìn chép”. Đây là phương pháp dạy học nhồi nhét, làm thui chột khả năng tư duy sáng tạo của người học.
Ông Lê Minh Hải, GV một trường THPT tại Q.3, TP.HCM, cho biết hiện nay có rất nhiều ứng dụng cho giảng dạy. GV phải làm sao hiểu sâu được hiệu quả từng ứng dụng để chọn lựa cho hoạt động giáo dục. Khi ứng dụng công nghệ phải biết giúp HS học được gì.
Bộ GD-ĐT yêu cầu tối thiểu 80% GV ứng dụng CNTT trong dạy học
Theo ông Nguyễn Hải Sơn, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD-ĐT), hiện việc ứng dụng CNTT trong dạy học, kiểm tra, đánh giá được đẩy mạnh. Trên toàn quốc đã xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử e-learning có chất lượng; trên 900 đề án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ (của các năm 2017, 2018 và 2019); trên 7.500 luận án tiến sĩ; gần 30.000 câu hỏi trắc nghiệm và dữ liệu trường học kết nối. Gần 40% số lượt GV được tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng CNTT, trong đó 29% GV có thể thiết kế bài giảng
e-learning hỗ trợ HS tự học. Yêu cầu bắt buộc của Bộ GD-ĐT là tối thiểu 80% GV sử dụng thành thạo phần mềm, công cụ ứng dụng CNTT hỗ trợ dạy học trên lớp.
Bà Diễm Quyên nhấn mạnh: “Nhiều khi chỉ là một cái vỗ vai đúng lúc hay một cái nhìn ấm áp, lời động viên kịp thời còn có giá trị hơn việc thầy giỏi công nghệ. Yếu tố cảm xúc vẫn là đắt nhất, tạo động lực để học trò thay đổi”.
Cố nhà giáo Chu Văn Sơn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong buổi nói chuyện với GV dạy văn THPT TP.Hà Nội năm 2018, từng lưu ý: “Chúng ta đã tiếp nhận, cập nhật rất nhiều kỹ thuật mới trong quá trình dạy học, tuy nhiên lại tiếp nhận không chọn lọc lắm. CNTT, trình chiếu rất phổ biến. Tuy nhiên, với môn văn, việc sử dụng phương tiện này tuy có hiệu quả nhưng làm hại cũng không ít”…
Một GV dạy văn ở Hà Nội cũng chia sẻ băn khoăn nên sử dụng công nghệ thế nào là phù hợp. GV này cho biết đã dự một giờ dạy của đồng nghiệp thì thấy hơi bất ngờ trước việc lạm dụng CNTT. Chẳng hạn có những hình tượng ngôn ngữ trong tác phẩm là phi vật thể, là khoảng trống để phát triển chiều liên tưởng của HS, thì GV lại dùng hình ảnh minh họa bằng một hình ảnh thật, vô tình chặn đứng khả năng liên tưởng của học trò. “Sử dụng phương tiện nghe nhìn trong trường hợp này là thất bại chứ không phải thành công”, GV này cho biết.
Đồng quan điểm, một GV Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) cho rằng là nghệ thuật ngôn từ, thì việc các em đọc tác phẩm sẽ đưa đến những tưởng tượng, cảm nhận riêng. Các em vẽ ra trong tâm trí mình cuộc sống mà tác phẩm đề cập, hình ảnh nhân vật, rồi từ đó sẽ bồi đắp tình cảm dành cho nhân vật, câu chuyện trong tác phẩm… Nếu lạm dụng hoặc đưa công nghệ không khéo, vô tình làm giảm đi trí tưởng tượng, hạn chế sự sáng tạo của các em, đóng khung cho nhân vật, hình ảnh đó là như thế. Khi ấy, công nghệ triệt tiêu cảm xúc và không thể là “chiếc đũa thần”. (còn tiếp).
Theo Tuệ Nguyễn – Bích Thanh/TNO
Bình luận (0)