Liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường trong thời gian qua mà chủ yếu là nữ sinh. Một vấn đề đặt ra là vì sao tỉ lệ nữ sinh bạo lực nhiều hơn nam sinh và làm thế nào để ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục tích cực?
Tuổi vị thành niên là tuổi có nhiều biến động, những vụ bạo lực xảy ra là biểu hiện của sự bộc lộ xung năng tuổi mới lớn. Tuy nhiên, trong các mối quan hệ sinh hoạt thì đời sống tâm lý của nữ sinh khác nam sinh, nữ sinh thường rất nhạy cảm, hay để ý những điều nhỏ nhen, dễ thay đổi thất thường, cảm xúc không ổn định và khó kiểm soát cả nhận thức và hành vi. Cùng với những biến đổi thất thường ở lứa tuổi vị thành niên thì ở các em hay xảy ra sự hiềm khích, ghen tị, đố kỵ giữa đám bạn nữ cùng trang lứa. Nguyên nhân của các vụ bạo lực này không phải xuất phát từ những lý do gì to tát, mà nó được nhen nhóm từ những lý do nhỏ nhặt, vụn vặt, nó bắt nguồn từ các mối quan hệ không thỏa mãn được những mong muốn của bản thân. Sự ghen ghét xuất phát từ ý nghĩ muốn phủ nhận người khác, hạ thấp vị thế của người khác. Các em nữ đánh nhau nhiều khi vì những lý rất trái khoáy như do tranh giành người yêu, không cùng đẳng cấp, trêu chọc và vu khống cho bạn này có bầu, bạn kia có người yêu lớn tuổi… Ngược lại, đối với học sinh nam, nếu có xích mích, thì hành động “đối đầu” giữa các em là cách giải quyết mâu thuẫn nhanh gọn. Với học sinh nữ thì phức tạp hơn nhiều. Tiến trình bạo hành cũng không diễn ra ngay mà còn có sự tính toán và chuẩn bị kỹ càng, lúc âm thầm, lúc không khai, thường diễn ra trong thời gian dài (có khi từ một nhóm mà nhóm kia không biết rõ). Vì thế, khá nhiều vụ bạo hành do nữ gây ra không diễn ra ở trong khuôn viên trường học mà ở một địa điểm có lợi cho bên gây sự và thường kèm theo hung khí hay để thỏa mãn các em còn dàn cảnh để thực hiện tập thể và quay clip lên mạng.
Đối với gia đình: Chú ý hơn nữa cải thiện mối quan hệ trong gia đình lành mạnh. Cha mẹ luôn quan tâm, điều chỉnh hành vi, cử chỉ của con cái trong đối xử với bạn bè, với người yếu thế hơn mình, không nên phó mặc hoàn toàn trách nhiệm cho nhà trường. Các bậc cha mẹ cần bổ sung kiến thức về giới trong giáo dục con mình, để có cách tác động cho phù hợp với con trai cũng như con gái. Bên cạnh đó, nhất là người mẹ phải thường xuyên bên cạnh con gái để chia sẻ, động viên và giáo dục cho con hiểu được những nét tính cách cần thiết mà phụ nữ thời nào cũng cần thiết là sự nhường nhin, rộng lượng, vị tha…
Đối với nhà trường: Cần đưa vào trường những chương trình giáo dục mang tính nhân văn, các hoạt động thân thiện, xây dựng văn hóa học đường, gia tăng nội dung dạy người trong quá trình giáo dục, đưa nội dung dạy kỹ năng sống, giá trị sống vào thành môn học sinh động theo từng cấp học và tổ chức một cách thiết thực, sinh động. Tổ chức các hoạt động tập thể phong phú, đa dạng để thu hút các em tham gia, nhất là những hoạt động nữ công gia chánh để phát huy những mặt tâm lý nữ tính tích cực trong tập thể. Bên cạnh đó cũng nêu những gương xấu để từ đó thường xuyên giáo dục, nhắc nhở các em, coi đó là bài học cần rút kinh nghiệm. Phát huy tốt vai trò của giáo viên chủ nhiệm cũng như các chuyên viên tư vấn học đường để kịp thời phát hiện, phòng ngừa và can thiệp sớm các biểu hiện dẫn đến xung đột, nhất là chia sẻ cùng các em những khó khăn tâm lý trong mối quan hệ, trong đó có quan hệ tình yêu nam nữ.
Đối với xã hội: Cần làm thay đổi, giảm thiểu những tiêu cực và truyền thông bạo lực tới học đường. Cơ quan chức năng cũng cần phải phối hợp với gia đình và nhà trường để kiên quyết xử lý những trường hợp bạo lực có tính dã man, côn đồ.
Nguyễn Văn Công
(giảng viên tâm lý Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)