Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi giảng viên chưa đủ chuẩn…

Tạp Chí Giáo Dục

Theo quy định, giảng viên của một trường đại học, cao đẳng phải đạt một tỷ lệ nhất định thì nhà trường mới tiến hành hoạt động giảng dạy, đào tạo bài bản được. Nhưng trên thực tế, không phải trường đại học, cao đẳng nào cũng luôn đạt được các yêu cầu về trình độ giảng viên.

Điều này gây trở ngại không ít cho quá trình đào tạo của nhà trường vì trường đại học, cao đẳng là những chiếc “máy cái”; có nhiệm vụ “sản xuất” ra những “thành phẩm chất lượng cao” cho mọi nhu cầu của xã hội. Muốn được như vậy, bản thân các trường đại học, cao đẳng – trước hết phải là nơi hội tụ những giảng viên tài giỏi về mọi mặt, nói cách khác là phải đủ chuẩn quy định.

Năng lực chuyên môn là yếu tố quan trọng hàng đầu bên cạnh yếu tố năng lực sư phạm, phẩm chất của giảng viên. Có năng lực thực sự về chuyên môn mới đáp ứng được yêu cầu của công tác giảng dạy, đào tạo. Tôi cũng từng được “tập huấn” bởi những “giảng viên” của các trường đại học. Không hiểu năng lực chuyên môn thế nào mà khi đọc một dẫn chứng văn xuôi, thơ đều phải mở sách, tài liệu ra đọc! Đến phần ghi bài, giảng viên cũng ngồi đọc cho mọi người dự lớp chép; không khác gì lớp học phổ thông là mấy!

Bài giảng rất tản mạn, nói loanh quanh mãi mới gút được vấn đề; không cuốn hút, hấp dẫn người nghe và không bao quát lớp học… Tôi có cảm giác họ giảng cho xong phần được “phân công”; còn người học thì “tự tìm hiểu” nếu chưa hiểu rõ. Theo tôi, giảng viên trường đại học, cao đẳng là phải “gặp đâu đáp đó”, đam mê và tỏ rõ sự làm chủ kiến thức uyên thâm của mình!

Kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế cũng là những yếu tố không thể thiếu của một giảng viên. Điều này có được ở những giảng viên ham học hỏi, không ngừng tự học tự rèn để nâng cao tay nghề. Một khi chưa có những trải nghiệm thực tế thì khi gặp tình huống, nhiều khi xử lý chưa được “tâm phục khẩu phục”.

Nhớ một lần, chúng tôi dự lớp tập huấn môn văn các trường chuyên ở Đà Lạt. Cô tiến sĩ phụ trách lớp ra đề cho các nhóm vẽ biểu trưng của nhóm và giải thích. Khi nhận xét, bình phẩm; lẽ ra cô phải động viên, khích lệ sự cố gắng của các nhóm, dù trong thời gian ngắn, đã hợp tác cùng nhau hoàn thành bài tập… Trái lại, cô chê bai thẳng thừng những biểu trưng chưa đạt; lại còn chế giễu, mỉa mai khi có những hình vẽ chưa được đẹp… Mọi người khá bất bình! Một thầy giáo lớn tuổi đứng dậy nói: “Xin lỗi cô, nhờ cô dừng lại vì cô chọn nhầm đối tượng rồi!”. Đúng vậy, chúng tôi cũng là cử nhân, thạc sĩ; cũng là những nhà giáo lâu năm, có kinh nghiệm; đâu phải học trò lớp 11, 12 mà để cô xúc phạm, chế giễu như vậy?

Một vị tiến sĩ mà còn mắc những lỗi trong ứng xử tình huống như vậy thì xin hỏi, với những giảng viên chưa đủ chuẩn, mới vào nghề thì sẽ như thế nào?

Chất lượng “đầu ra” của một trường trường đại học, cao đẳng phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ giảng viên. Vì vậy, từng bước chuẩn hóa đội ngũ giảng viên là nhiệm vụ cấp bách của trường đại học, cao đẳng nếu mong muốn có được “thương hiệu” cho mình!

Trưng Sa Đông

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)