Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trẻ vị thành niên đi xe gắn máy

Tạp Chí Giáo Dục

Tr v thành niên đi xe gn máy ti TP.HCM. Ảnh: I.T

Thời nay, chuyện trẻ vị thành niên (TVTN – chưa đủ tuổi) được cha mẹ nuông chiều, hoặc buông lỏng quản lý, cho điều khiển xe gắn máy khi chưa đủ tuổi. Đây là một trong những nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, để rồi không chỉ chính bản thân các em phải gánh lấy hậu quả nặng nề mà còn gây hệ lụy đến gia đình và cả người cùng tham gia giao thông…

Mỗi dịp khai giảng năm học mới là tổ chức Đoàn Thanh niên ở các địa phương ở TP.HCM lại phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và nhà trường tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt học sinh chưa đủ điều kiện về tuổi, giấy phép lái xe điều khiển loại phương tiện giao thông có tốc độ cao. Đó là việc làm cần thiết, trước hết là đảm bảo cho các em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, sau nữa là an toàn cho người và phương tiện khác lưu thông trên đường. Giáo dục các em thượng tôn pháp luật cũng là gián tiếp nhắc nhở phụ huynh cân nhắc khi giao xe gắn máy cho con em điều khiển.

Thế nhưng, vẫn còn một số TVTN được sự nuông chiều, hoặc buông lỏng của cha mẹ, nên dẫn đến tình trạng các em tự ý lấy xe gắn máy để đi; có nhiều trường hợp, chính cha mẹ là người trực tiếp giao xe cho các em mà không nghĩ đến hậu quả, nếu chẳng may tai nạn xảy ra… Nguyên nhân chính của lỗi vi phạm này, trước hết là do trách nhiệm của các bậc phụ huynh không quản lý chặt con em mình, tạo sơ hở để các em có điều kiện lái xe, chứng tỏ khả năng tay lái của mình trước bạn bè cùng trang lứa.

Cách đây khoảng nửa tháng, một TVTN hàng xóm nhà tôi tên Tuấn, năm nay mới vừa tròn 15 tuổi, phóng xe máy chở theo 2 người bạn cùng học, đã đâm vào phía sau chiếc xe gắn máy của người phụ nữ đi cùng chiều. Rất may là vụ tai nạn chỉ gây ra xây xát phần mềm ở chân, tay, thân thể của cả Tuấn và 2 người bạn học, chứ không có ảnh hưởng tới đầu hay xương. Thực ra thì đây không phải lần đầu Tuấn gây tai nạn đâm xe, mà cách đây chừng hơn 1 năm, Tuấn cũng đã từng ngã xe do tay lái còn non, chưa vững khi điều khiển trên đường. Có một điều tôi cũng như một số người hàng xóm thấy hơi… lạ là không hiểu sao thằng cu Tuấn mới có mười mấy tuổi đầu mà cha mẹ nó vẫn giao xe gắn máy cho đi học, đi chơi, mặc dù thừa biết con mình chưa đủ tuổi để được sử dụng xe gắn máy(?!)

Hay như chị bạn tôi cũng vậy, thằng con trai năm nay mới học lớp 9, thấy chúng bạn đi học bằng xe gắn máy nên nó cũng nằng nặc đòi cha mẹ mua cho chiếc xe máy. Chị bạn tôi thì cương quyết khước từ đòi hỏi của con, và hứa khi nào con đủ 18 tuổi thì sẽ mua cho… Thế nhưng, cha thằng nhỏ lại chiều con, nên quyết định “rước” cho thằng nhỏ 1 chiếc xe gắn máy hơn 20 triệu đồng. Có xe gắn máy, thằng nhỏ không đơn thuần làm phương tiện đi học, mà tối còn mang xe chở bạn đi chơi. Có lần, con trai chị bạn tôi gây tai nạn khi đâm xe vào một người đi xe đạp điện, và hậu quả cu cậu bị gãy tay phải bó bột, còn người đi xe đạp điện thì không chỉ xây xát đầy mình mà còn gãy cả chân… Sau vụ đó, thay vì cấm hẳn con trai sử dụng xe gắn máy để đi học thì cha cậu bé vẫn nuông chiều, vẫn cho thằng nhỏ sử dụng xe gắn máy…!?

Thời điểm này các trường đang chuẩn bị cho lễ tổng kết năm học và bước vào nghỉ hè, và phải vài ba tháng nữa khi mùa tựu trường bắt đầu, ắt hẳn công tác đảm bảo an toàn giao thông học đường sẽ vào “chính vụ”. Song thiết nghĩ, công tác này nên diễn ra liên tục, không chỉ tập trung vào đầu năm học.

Chuyện mua sắm xe gắn máy đôi lúc không đi liền với việc quản lý, học tập quy định pháp luật về giao thông đường bộ. Thấy con mới hơn 10 tuổi mà “cưỡi” lên xe gắn máy tập tành chạy, cha mẹ cũng điềm nhiên không cấm đoán, quát mắng hay ngăn cản. Có trường hợp, hàng xóm đến thông báo với cha mẹ vì con của họ chạy xe đánh võng, chạy ẩu suýt gây tai nạn… Bậc phụ huynh này làm lơ và không có động thái gì chấn chỉnh. Thậm chí, có gia đình hàng xóm nhà tôi đi đâu cũng cho con cầm lái chở cha mẹ, từ đằng sau nhìn tới chẳng thấy người lái đâu vì nó quá nhỏ thó, tôi bày tỏ lo lắng thì mẹ cu cậu trấn an: “Nó đi được mà, vả lại để cho nó chạy xe cho quen dần!”…

Chính vì rất nhiều cha mẹ quá “dễ dãi” trong việc cho con trẻ đi xe gắn máy như vậy nên mới có cảnh phóng nhanh vượt ẩu, đi không biết nhường đường, chở người vượt số lượng quy định, không đội mũ bảo hiểm, lối rẽ không bật đèn xi-nhan báo hiệu… Khi trẻ tự ý điều khiển xe gắn máy khi chưa đủ tuổi cũng đồng nghĩa với việc không có giấy phép lái xe, nên các em chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức về Luật Giao thông đường bộ.

Pháp luật quy định rõ trách nhiệm dân sự và cả hình sự của chủ phương tiện khi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Cho nên, phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao xe cho con, và cần nêu gương cho con cháu trong tuân thủ pháp luật về giao thông. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, các bậc phụ huynh không nên chủ quan, tuyệt đối không giao xe cho con em mình khi chúng chưa đủ tuổi lái xe theo luật định. Việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về an toàn giao thông là bảo vệ sức khỏe cũng như tính mạng và tài sản của chính mình và mọi người.

Thch Ngc Bích

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)