Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bắt HS chép ra giấy để nhớ lịch sử: Phương pháp chưa hay?

Tạp Chí Giáo Dục

Cháu gái tôi năm nay học lớp 8. Thỉnh thoảng tôi vẫn hay ghé nhà cháu chơi sẵn hỏi thăm việc học. Cô bé học giỏi các môn tự nhiên nhưng lại “nuốt không trôi” các môn xã hội, nhất là môn sử. Vừa rồi tôi có ghé nhà cháu tặng quà. Thấy cháu đang chép bài có vẻ khẩn trương lắm tôi mới hỏi thăm: “Cháu đang chép gì thế?”. Miệng chào tôi nhưng mắt thì vẫn đang tập trung vào bài vở: “Cháu đang chép bài môn sử cậu ạ!”. Nhìn thấy những đôi giấy trắng rời nằm ngổn ngang, tôi đoán cháu bị chép phạt vì không thuộc bài nên bảo: “Cháu bị chép phạt môn sử à? Sao lại lười học thế này?”. Cô bé vội vàng buông viết xuống và giải thích cho tôi hiểu rằng đây là “lệnh” của cô dạy sử buộc cả lớp phải làm thế, chứ không riêng gì cá nhân cháu. Rồi cháu nói thêm, các bạn cháu đều “ám ảnh” vì môn sử khó hiểu, dài lê thê, nhớ trước quên sau… Có lẽ cả lớp học không ổn môn sử, trong khi ngày thi lại cận kề, nên cô mới đưa ra “giải pháp” này nhằm giúp học sinh chóng thuộc bài, làm bài tốt trong kỳ thi học kỳ 2 sắp tới. Theo tôi, đây là một phương pháp dạy học kém chuyên môn sư phạm nên góp ý với anh chị mình. Ba mẹ cháu than thở rằng: “Đành chịu thôi em ạ, cả hội phụ huynh có ai lên tiếng đâu!”.

Tôi hiểu, việc dạy các môn xã hội không mấy dễ dàng khi nó thiên về chép bài, học bài quá nhiều. Mặt khác, những số liệu, ngày – tháng – năm, sự kiện hay gần giống nhau rối tung lên nên khiến nhiều em khó học, khó tập trung. Tuy nhiên, nếu đó là số ít trong một lớp thì cần phải khẩn trương giúp đỡ vài em phải gò mình vào việc học để thông suốt môn sử. Nhưng cả lớp đều chung cảnh ngộ thì cần phải xem lại năng lực của giáo viên đó.

Phương pháp chép bài cho mau thuộc không phải là tệ. Có rất nhiều bạn cũng dùng cách này để trau dồi việc học. Nhưng đó là những môn thiên về tự nhiên hay Anh ngữ. Những môn khối A cần chép các công thức ra giấy nháp nhiều để cho quen, cho nhớ; hay tiếng Anh cần chép từ vựng nhiều để quen mặt từ; từ đó ấn tượng nhớ dai. Riêng các môn xã hội mà học theo phương pháp này là học vẹt. Có quá nhiều con chữ để cho bộ não chúng ta tiếp thu nhanh chóng khi làm cùng lúc ba việc: chép, nhìn và nhớ. Thời gian mà học sinh chép bài như chiếc máy photocopy sao ra có lẽ nên đi học bài sẽ dễ dàng hơn. Thực tế, lớp cháu tôi vốn dĩ sợ môn sử, nhưng lại không muốn làm sai lời cô, nên buộc phải chép trong miễn cưỡng, cố gắng cho xong chứ nào quan tâm đến nội dung trong đó (dù chéo một bài nhiều lần). Cháu tôi còn cho biết, các bạn nhờ anh chị mình chép phụ để cho sớm hoàn thành sứ mệnh nộp cho cô giáo.

Dạy sử là để cho các em nhớ về quá khứ, lịch sử hào hùng của cha ông ta, hay hiểu biết về nguồn cội của quê hương, của thế giới chứ không phải để đối phó. Theo tôi, để các em đam mê môn sử không phải là khó. Nếu như người thầy biết tận dụng hết khả năng sư phạm của mình, chịu kiên trì, cũng như cố gắng tìm ra nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau thì học sinh sẽ cảm thấy môn sử dễ chịu. Phép thử ấy phải dùng ngay từ đầu năm học nếu như khả năng học tập môn sử của các em yếu kém, lơ là…

Nguyn Thanh Vũ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)