Tận dụng thời gian trường học đóng cửa để phòng chống dịch bệnh virus corona, nhiều giáo viên tại TP.HCM đã đăng ký tham gia các lớp đào tạo về dạy học online, với hy vọng thay đổi cách tiếp cận học sinh trong thời đại 4.0; đồng thời làm phong phú, đa dạng thêm phương pháp dạy học…
Giáo viên các cấp tham gia lớp học về dạy học online do thầy Phan Duy Khôi (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) hướng dẫn
Dạy học online không phải quay video rồi đưa lên mạng
Theo thông lệ, sáng đầu tuần, thầy An Thanh Tùng (giáo viên môn hóa Trường THPT Phước Long, Q.9) sẽ đến lớp dạy học. Thế nhưng, do trường đang trong thời gian nghỉ chống dịch, lộ trình của thầy Tùng đã thay đổi với điểm đến là một quán cà phê ở Q.1. Tại đây, một lớp học được mở với hơn 20 giáo viên các cấp ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận tham gia, các thầy cô chia sẻ với nhau về cách dạy học online. Lớp học do thầy Phan Duy Khôi (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) mở nhằm cung cấp những hiểu biết đúng đắn nhất cho giáo viên về phương pháp dạy học online. “Gần 2 tuần nay, nhiều trường học đã có những động thái “hối thúc” giáo viên triển khai các hình thức dạy học trực tuyến. Trên các trang Facebook, Zalo của giáo viên và trang web của trường xuất hiện nhiều video bài giảng, đường link bài tập về nhà cho học sinh dưới nhiều hình thức khác nhau. Thế nhưng, hình thức dạy học online vẫn được coi là khá mới mẻ với tôi và nhiều thầy cô trong trường”, thầy Tùng cho hay.
Chia sẻ của thầy Tùng cũng là băn khoăn của nhiều giáo viên tham gia trong lớp học. Theo thầy Khôi, hiện tại đa phần giáo viên đang có sự nhầm tưởng về hình thức dạy học online. Cụ thể, dạy học online không phải cứ quay clip, video rồi “quăng” lên Youtube, không phải cứ thực hiện những đoạn livestream (phát trực tiếp trên Facebook) hay giao bài tập cho học sinh qua email, group…, rồi kêu gọi các em lên xem, tải về làm. Dạy học online quan trọng nhất là phải có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, thể hiện qua quá trình kiểm tra, đánh giá chứ không phải giao rồi để đó, không biết liệu học sinh có xem không, có học không…
Quá trình tương tác, kiểm tra đánh giá ở đây được thầy Khôi chỉ rõ, bao gồm cả bài kiểm tra, các nhiệm vụ nhỏ, câu hỏi trắc nghiệm giao cho học sinh, đi kèm với video, bài giảng trực tuyến. Tuy nhiên, kiểm tra đánh giá cũng chỉ là một phần của dạy học online, song song đó, giáo viên phải xây dựng được kịch bản, trong đó xác định rõ mục tiêu bài học, nội dung, hình thức triển khai, phần kiến thức nào trước, phần kiến thức nào sau. “Dạy học online có thể sẽ có những mục tiêu khác với dạy học truyền thống. Đó là có những tài liệu giáo viên phải cung cấp cho học sinh qua file hay video. Tùy theo nội dung bài học để có hình thức triển khai khác nhau, tận dụng từ chính nền tảng miễn phí có sẵn hay các nền tảng mất phí. Tùy đặc thù bộ môn, tính chất học sinh để xây dựng kịch bản online phù hợp”, thầy Khôi phân tích.
Cạnh đó, một lưu ý quan trọng trong việc xây dựng hình thức dạy học online được thầy Khôi đưa ra trong lớp học, đó là xây dựng hình ảnh của người thầy. Khi dạy học online, người giáo viên phải có sự chỉn chu, trau chuốt. Bởi học sinh ngồi trong lớp, tương tác trực tiếp với giáo viên đôi khi còn chểnh mảng, như vậy để học sinh chú ý qua online thì trước tiên, giáo viên càng phải nghiêm túc từ cách ăn mặc, tác phong, ngôn ngữ đến chỉn chu trong phần kỹ thuật, kiến thức truyền tải. Ngoài ra, việc kết nối với phụ huynh cũng được thầy Khôi đề cập đến. Theo đó, khi xây dựng kịch bản dạy học online, trước hết giáo viên phải “kéo” được phụ huynh đứng về phía mình. “Sẽ chẳng có phụ huynh nào tin con em mình lên Facebook để học bài. Vì vậy, các thầy cô phải trấn an phụ huynh, nói cho phụ huynh hiểu việc tận dụng mạng xã hội trong dạy và học thời điểm này”, thầy Khôi nhấn mạnh.
Không chỉ là biện pháp “chữa cháy” mùa dịch
Với nhiều giáo viên, tham gia lớp học không phải chỉ để “lấp đầy” các bài giảng online cho học sinh trong mùa dịch, mà quan trọng hơn đó là khao khát về việc thay đổi phương pháp dạy học, làm mới những tiết học truyền thống nhàm chán từ chính công nghệ thông tin. “Trong giáo dục hiện đại, các phương tiện công nghệ thông tin như bảng tương tác, máy chiếu đã gần như lỗi thời. Vì vậy, để có thể theo kịp với thời cuộc và không bị động, người giáo viên phải chủ động nhiều hơn trong việc linh hoạt áp dụng các kiến thức công nghệ thông tin vào dạy học một cách bài bản, ngoài tương tác trực tiếp còn tương tác trực tuyến”, thầy An Thanh Tùng bày tỏ. Trong khi đó, thầy Lê Minh Tú (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5) chia sẻ: “Trước giờ tôi vẫn quan niệm dạy học online là triển khai kiến thức qua mạng. Thế nhưng, để triển khai hiệu quả đến học sinh, giáo viên phải hiểu đúng về hình thức dạy học online”. Theo thầy Tú, đa phần học sinh hiện nay rất rành về công nghệ thông tin nhưng sử dụng chưa phù hợp, phần lớn chỉ dừng ở mức giải trí, ít “dính dáng” với việc học. Do đó, vai trò của giáo viên phải khai thác được thế mạnh này của học sinh, tận dụng mạng xã hội, những phương tiện thông tin khác để tiếp cận với học sinh. Xa hơn là xây dựng nền tảng dạy học trong thời 4.0, kết nối với học sinh trong mọi thời điểm.
Xây dựng lộ trình lâu dài Các tiết học online giúp giáo viên đánh giá chính xác điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh; qua đó giao bài tập và bài kiểm tra phù hợp với năng lực từng em, tiết kiệm thời gian tạo bài kiểm tra và trả bài. Em Trần Quốc Hưng (học sinh Trường THPT Trưng Vương, Q.1) khẳng định: “Khi học trực tuyến, em và các bạn thấy hứng thú hơn nhờ video bài giảng hấp dẫn dễ tiếp thu, ghi nhớ lâu nhờ câu hỏi luyện tập có hình thức tương tác sinh động. Nhiều bạn thích thú với cách học trên mạng vì có cả trò chơi game về các môn khoa học tự nhiên, đấu trường thách đấu toán học”. Theo các chuyên gia, để có thêm những bài học hoàn thiện hơn, ngành giáo dục không ngừng xây dựng lộ trình học tập trực tuyến. Thực tế cho thấy nhiều học sinh đã tiến bộ rõ rệt, có cơ hội tiếp cận với trang thiết bị công nghệ hiện đại, từ đó rút ngắn khoảng cách trình độ học sinh giữa các vùng miền. Rõ ràng với sự đồng hành của các lớp học trực tuyến, dù trong tâm bão dịch corona, học sinh vẫn luôn giữ được tinh thần học tập cao và chất lượng đảm bảo nhất. Đây cũng là lý do ngành giáo dục các tỉnh/thành tổ chức tập huấn cho giáo viên các cấp và đội ngũ chuyên viên, mạng lưới các bộ môn để triển khai hình thức học online đến các trường học. P.N.Q |
Tương tự, cô Trần Thị Thu Thủy (giáo viên môn tiếng Anh Trường THCS Sương Nguyệt Anh, Q.8) bày tỏ: Trong thời đại 4.0, nếu giáo viên chỉ “khư khư” với cách dạy truyền thống thì việc tương tác với học sinh sẽ giảm hiệu quả. “Dạy học online cho phép người thầy tương tác với học sinh trong mọi hoàn cảnh, đơn cử như trong dịch bệnh hiện nay. Thậm chí, ngay cả trong tiết học truyền thống, việc tương tác online cùng học sinh cũng sẽ giúp các em khai thác tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin, mạng xã hội trong việc học, làm việc học trở nên sinh động, thú vị hơn”, cô Thủy cho biết.
Băn khoăn nhất khi xây dựng các tiết dạy học online hiện nay là giáo viên vẫn đang tự mày mò tìm kiếm cách dạy. Bởi vai trò của giáo viên là dạy, không phải là quay, dựng video. Trong khi đó, các video lại là một hình thức phổ biến của dạy học online. “Ngoài kiến thức thì video còn phải đảm bảo tính mỹ thuật, kèm theo đó là không gian, ánh sáng, âm thanh đảm bảo chất lượng. Rồi còn phải biên tập, chỉnh sửa nội dung, hình thức. Điều này rất quan trọng. Giải pháp tốt nhất là trường phải có phòng Lab, tạo điều kiện cho giáo viên xây dựng các bài giảng online về lâu dài. Bởi dạy học online sẽ là một xu hướng tất yếu của giáo dục hiện đại”, thầy Phan Duy Khôi nói.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)