Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris, trên toàn thế giới, các dòng xe ôtô điện và xe ôtô lắp động cơ hybrid (sử dụng kết hợp cả xăng và điện) đã đạt con số 3 triệu chiếc trong năm 2017, tăng tới 54% so với năm 2016.
Trong số đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lượng ôtô điện lớn nhất thế giới, với khoảng 580.000 chiếc trong năm 2017, chiếm hơn 50% doanh số ôtô điện trên toàn thế giới.
Ông Nick Twork, người đứng đầu bộ phận truyền thông công nghệ và sáng tạo thuộc hiệp hội Renault-Nissan-Mitsubishi tại Paris, cho rằng việc phải đối mặt với những nguy cơ tiêu cực đối với sức khỏe người dân do ô nhiễm không khí ngày càng tăng tại các thành phố khiến chính phủ Trung Quốc phải đặt mục tiêu rõ ràng cho việc tiêu thụ lượng xe điện của nước này.
Bắc Kinh cũng đã tập trung vào công nghệ và tiến hành sản xuất đại trà xe điện nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành các loại phương tiện chạy điện.
Mỹ là nước có lượng tiêu thụ xe điện lớn thứ 2 thế giới, với khoảng 280.000 ôtô được bán ra trong năm ngoái.
Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ thì các quốc gia vùng Bắc Âu là những nước có tỷ lệ tiêu thụ hàng đầu loại phương tiện này, trong đó Na Uy là nước đứng đầu với lượng ôtô điện chiếm tới 39% doanh số ôtô mới được bán ra.
Theo các nhà phân tích, ngoài Trung Quốc và Nhật Bản, chính phủ các nước châu Á còn lại nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia trong ngành công nghiệp và người tiêu dùng nhằm điều chỉnh chính sách đối với xe điện, nhất là trong bối cảnh những lợi thế về kinh tế của việc chuyển đổi từ các loại xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các dòng xe chạy điện là không đáng kể. Ông Dominic Patella, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng hiện có nhu cầu mở rộng hạ tầng cơ sở vật chất cho việc nạp năng lượng cho các phương tiện chạy điện ngoài các khu vực nhà ở và nơi làm việc.
Chính phủ các nước cần có các chương trình, dự án khuyến khích hay hỗ trợ chi phí cho người mua sắm các phương tiện chạy điện – bao gồm việc đăng ký với chi phí thấp – và cắt giảm thuế cho người bán hàng.
Các khu vực đỗ xe và làn đường ưu tiên cũng là một trong những lựa chọn khác đối với các thành phố.
Nhiều thành phố đã đưa ra lệnh cấm phương tiện sử dụng động cơ diesel trong trung tâm thành phố vào giờ cao điểm hoặc cấm lưu thông chúng vào tối muộn nhằm làm giảm ô nhiễm tiếng ồn.
Hầu hết các loại xe điện thuộc sở hữu tư nhân phải mất nhiều giờ để sạc điện, và thường được tiến hành qua đêm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chi phí cho các loại pin và thời gian sạc điện đang có xu hướng giảm rất nhanh.
Trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2022, hiệp hội Renault-Nissan-Mitsubishi đặt mục tiêu cắt giảm chi phí cho các loại pin xe điện vào khoảng 30%, với lượng thời gian sạc chỉ khoảng 15 phút cho quãng đường lên tới 600km.
Theo ông Andrew Campbell, chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật Dự án e-Trike của Philippines, trong khi những doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa sử dụng xe điện được dự báo sẽ “cất cánh” trước tiên tại các khu vực khác ngoài châu Á, thì châu lục lớn nhất thế giới được xem là “người đi sau rảo bước” do xu hướng phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa nở rộ tại khu vực này, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Dự án e-Trike do chính phủ Philippines tài trợ có mục tiêu xe điện hóa và thay thế toàn bộ loại xe tuk-tuk bánh xích tại nước này, đã đưa vào sử dụng khoảng 3.000 xe e-trike cho đến nay./.
Thế Vũ (TTXVN/VIETNAM+)
Bình luận (0)