Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục (vừa được Bộ GD-ĐT ban hành lấy ý kiến đến ngày 25-11-2018) hết sức phi lý, khó có khả năng thực thi. Đặc biệt, nghị định đã “trao quyền quá lớn cho học sinh”, vô hình tạo ra “bức tường rào” ngăn cách giữa thầy và trò.
Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, dự thảo hoàn toàn không phù hợp với ngành giáo dục. Trong ảnh: Giáo viên ân cần hướng dẫn học sinh làm bài tập. Ảnh: Q.Long
+ Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM): Nên bắt đầu từ gốc rễ
Bộ GD-ĐT cần phải thận trọng hơn nữa trước khi thông qua Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Trước hết là tính chồng chéo với các nội dung trong nghị định. Bởi giáo viên cũng là một công dân, với mỗi vi phạm đều có luật để xử phạt. Ngoài ra, nghề giáo còn có thêm Luật Công chức, viên chức, đạo đức nhà giáo.
Còn để chấn chỉnh lại những “lùm xùm” trong ngành giáo dục, theo tôi cần phải đi từ gốc rễ chứ không phải “hớt phần ngọn” như thế này. Cần phải “xây để chống” chứ không phải dùng phương pháp xử phạt hành chính để đẩy lùi. Gốc rễ ở đây chính là bắt đầu từ nguồn đào tạo sinh viên sư phạm, là quy trình đào tạo, là quá trình xét tuyển giáo viên.
Trong khi mức lương chưa thể đảm bảo cho đời sống giáo viên, trong khi việc học thêm là nhu cầu của người học thì sẽ còn tồn tại dạy thêm, học thêm. Cách quản lý tốt nhất dạy thêm, học thêm chính là tạo điều kiện cho giáo viên dạy thêm ngay trong trường dưới sự giám sát, quản lý, chịu trách nhiệm của người hiệu trưởng.
Những nội dung trong dự thảo dường như đã trao quá nhiều quyền cho người học, tạo ra tâm lý “đề phòng” trong giáo viên, vô hình kìm hãm lại sự sáng tạo của người thầy trong khi dạy. Quan hệ thầy – trò không chỉ đơn thuần là quan hệ trao – nhận tri thức mà còn cần cả tình cảm. Không chỉ dạy chữ mà còn dạy người. Dự thảo đưa ra thật sự khiến giáo viên phải lúng túng, không biết phải dạy học sinh mình như thế nào.
Mọi xung đột giữa thầy và trò đều xuất phát từ yếu tố tâm lý. Sự nặng nề của chương trình, thời gian làm người thầy cảm thấy cuống cuồng theo. Ngược lại, học sinh cũng cảm thấy mỏi mệt khi tối ngày phải học, thi cử nặng nề. Bộ GD-ĐT cần phải xây dựng được một mô hình giáo dục tốt, giúp cả người dạy và người học cảm thấy nhẹ nhõm, tạo sự hăng say sáng tạo cho cả thầy và trò thay vì đưa ra những quy định, nghị định gò ép, khó thực thi.
+ Thầy Đặng Đình Quý (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, TP.HCM): Làm mất vị thế của người thầy
Thật ra, chưa nói về các hành vi vi phạm là như thế nào, nhưng nếu giáo viên vi phạm về đạo đức thì xử phạt là đúng. Tuy nhiên, nếu dùng tiền để phạt thì lại không ổn chút nào, thậm chí sẽ gây hiệu ứng ngược. Nghề giáo là một nghề hết sức đặc thù. Khi dùng đồng tiền để xử phạt những hành vi của giáo viên, xã hội sẽ không hiểu được rằng việc xử phạt này hoàn toàn mang tính cá nhân mà sẽ gắn mác là “nhà giáo vi phạm”. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến vị thế người thầy trong mắt học sinh, xã hội, gây khó khăn trong công tác giáo dục.
Bên cạnh đó, nếu muốn áp dụng xử phạt hành chính giáo viên trong vấn đề xúc phạm nhân phẩm, danh dự học sinh thì trước nhất cần phải có sự rạch ròi, thế nào và ở mức độ nào được coi là “xúc phạm nhân phẩm, danh dự học sinh”. Nếu không có sự rạch ròi, không khéo người giáo viên sẽ không còn có công cụ để rèn, dạy, uốn nắn học sinh. Thêm nữa, với học sinh, tâm lý, tâm tư của mỗi em mỗi khác, không phải em nào cũng giống nhau. Có những em chỉ cần giáo viên mắng nhẹ thôi là đã khóc, nhưng lại có những em dù thầy cô có la cỡ nào cũng cảm thấy là bình thường. Như vậy, hành vi nào được coi là xúc phạm nhân phẩm, danh dự học sinh? Bản thân tôi đi dạy hơn 30 năm, tôi luôn đồng quan điểm rằng đã là giáo viên thì không được phép xúc phạm, không được phép dùng bạo lực với học sinh. Thế nhưng, hành vi giáo dục học sinh hay hành vi xúc phạm học sinh, thật sự cái ranh giới của nó rất mong manh. Vấn đề còn phụ thuộc vào quan điểm, cách giáo dục, nhìn nhận của cả thầy và trò nữa.
Điều mấu chốt để xây dựng mối quan hệ thầy trò tốt, tạo môi trường học đường tốt không phải nằm ở các quy định ràng buộc mà nằm ở chính bản thân người giáo viên phải xây dựng được vị thế của mình trong lòng học sinh. Khi học sinh yêu thương thì giáo viên nói nhẹ các em cũng nghe, lấy đâu mà xúc phạm này nọ. Cái vị thế đó thể hiện ngay ở tác phong, quan điểm làm việc, đạo đức nghề. Mỗi thầy cô giáo trước tiên phải là tấm gương sáng. Mình đã chọn nghề thì mình phải nghiêm túc với nghề.
+ Cô Nguyễn Hoàng Yến (Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thái Bình, Q.12, TP.HCM): Đẩy mối quan hệ thầy – trò đi xa
Theo tôi, dự thảo hoàn toàn không phù hợp với ngành giáo dục. Biện pháp chế tài xử phạt hành chính như thế này đặt để trong bối cảnh hiện nay tạo ra những bất ổn trong lòng giáo viên. Lương giáo viên, nếu là giáo viên mới ra trường chỉ có hơn 2 triệu đồng/tháng, lương giáo viên lâu năm cũng còn không đủ sống. Vậy thì lấy tiền đâu ra để giáo viên đóng phạt, nếu giả sử nghị định được đi vào thực thi?
Điều nữa, nếu sử dụng biện pháp chế tài xử phạt hành chính để răn đe thì lại không ổn. Ngay trong các quy chế về chuyên môn đều đã có các hình thức xử phạt nếu vi phạm về quyền trẻ em. Quan trọng hơn nữa là trong xã hội hiện nay, phụ huynh cũng chưa hiểu đúng mực về những cư xử của giáo viên mà chủ yếu chỉ quan tâm đến quyền lợi của chính con em mình. Do vậy, nếu nghị định được ban hành sẽ không mang tính xây dựng mối quan hệ giữa phụ huynh, học sinh với giáo viên mà lại đang “góp tay đẩy ra xa hơn” mối quan hệ đó.
Trong dự thảo có đặt ra quy định xử phạt về xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người học. Thế nhưng, việc giáo viên tiểu học xử phạt học sinh bằng hình thức cho các em đứng nghiêm khoanh tay khi nói chuyện hay bắt nạt bạn thì có được coi là xúc phạm nhân phẩm, danh dự các em?
Điều quan trọng nhất ở đây là phụ huynh cần phải có cái nhìn chia sẻ, đồng cảm với người giáo viên, cần phải dạy được con em mình biết tôn sư, trọng đạo và ngay cả bản thân phụ huynh cũng phải biết tôn sư trọng đạo. Bất kể giáo viên nào cũng luôn muốn mang những điều tốt đẹp nhất đến học sinh của mình, mong muốn được dạy chữ, rèn người cho các em. Được nhìn thấy các em trưởng thành là niềm hạnh phúc. Bởi vậy, xin đừng gán cho giáo viên những chữ “xúc phạm nhân phẩm, danh dự các em”. Nghe đau lòng và nhức nhối lắm!
Yến Hoa (ghi)
Bình luận (0)