Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sơ đồ của Bộ GD-ĐT về phân luồng: Làm “loãng” và lạc hướng luồng GDNN

Tạp Chí Giáo Dục

Dự thảo cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến dư luận. Trong dự thảo, Bộ GD-ĐT dự kiến bậc THPT sẽ chia thành 3 luồng: Định hướng chung, định hướng kỹ thuật, công nghệ và định hướng năng khiếu nghệ thuật. Tuy nhiên, GS. Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ GDĐH – cho rằng đó là định hướng nghề nghiệp ở THPT chứ không phải phân luồng.

GS. Lâm Quang Thiệp

GS. Thiệp nói: Trong cơ cấu hệ thống giáo dục vấn đề được đặt ra nhiều nhất từ trước đến nay là phân luồng. Phân luồng thế nào để tạo ra nguồn nhân lực tốt. Thực tế chúng ta đã đặt vấn đề phân luồng mấy chục năm qua, nhưng không thực hiện được. Hiện tại luồng vào ĐH vẫn chiếm phần lớn lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông, trong khi đó luồng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thì lại rất thiếu, cuối cùng ĐH thì quá tải mà nhân lực nghề nghiệp lại thiếu và yếu.

Trong Nghị quyết Trung ương 29 về đổi mới giáo dục có viết “… trước mắt ổn định hệ thống giáo dục phổ thông (GDPT) như hiện nay, đẩy mạnh phân luồng sau THCS; định hướng nghề nghiệp ở THPT”. Như vậy phân luồng sau THCS và định hướng nghề nghiệp ở THPT là hai khái niệm khác nhau, thế mà bản dự thảo đã gọi định hướng nghề nghiệp ở THPT là phân luồng.

Theo tôi sau THCS chỉ nên có hai luồng: GDPT và GDNN. Gọi 3 định hướng nghề nghiệp ở THPT là 3 luồng chính do nhầm lẫn về khái niệm. 

PV: Vậy với sơ đồ của Bộ GD-ĐT thì giáo dục của chúng ta có thực sự phân luồng được không, thưa giáo sư?

Sơ đồ của Bộ GD-ĐT đề xuất không phản ánh khái niệm phân luồng theo đúng nghĩa, làm “loãng” và lạc hướng luồng GDNN, do đó bài toán phân luồng sẽ khó giải quyết. Định hướng nghề nghiệp là vấn đề nội bộ của chương trình GDPT, giúp học sinh thuận lợi khi chọn các nghề nghiệp khác nhau ở ĐH, chứ không phải là “đẩy mạnh phân luồng sau THCS” như Nghị quyết 29 đã nêu.

Vậy theo giáo sư, cần lưu ý điều gì khi thiết kế hệ thống giáo dục?

Thứ nhất, nên vận dụng kinh nghiệm quốc tế (Tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục ISCED của UNESCO) phân thành 2 luồng giáo dục từ sau bậc THCS đến tận bậc trên cùng (bằng tiến sĩ và bằng chuyên nghiệp tương đương): Luồng GDPT – học thuật và luồng giáo dục nghề – chuyên nghiệp; Thứ hai, đảm bảo tính mở và liên thông, tức là mỗi luồng có nhiều đầu vào và đầu ra sao cho người học theo một luồng có thể chuyển sang luồng kia khi có điều kiện hoặc mong muốn. 

Còn để hiện thực được chủ trương phân luồng sau THCS cần phải làm gì?

Trước hết, thiết kế hệ thống giáo dục hợp lý, đảm bảo tính mở và liên thông sẽ tạo điều kiện tâm lý tốt cho những người đi theo luồng GDNN: Họ học nghề để có việc làm, nhưng vẫn có thể đi đến bậc trên cùng của luồng GDNN hoặc khi mong muốn hoặc có điều kiện họ vẫn có thể chuyển qua luồng giáo dục học thuật một cách thuận lợi. Thêm nữa, cần phải đầu tư thích đáng vào hệ thống các trường trung học nghề để người học có được các nghề thiết thực với tay nghề tốt để hành nghề. Và một điều không kém quan trọng là xóa bỏ dần quan niệm sính bằng cấp của xã hội và của cả hệ thống chính trị. 

Xin cảm ơn giáo sư!

Nghiêm Huê (thực hiện)

Bình luận (0)