Năm 2015, giáo dục thường xuyên (GDTX) thành phố đã nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện cho mọi người đều được học tập, do đó công tác xóa mù chữ đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đây là những kết quả được đưa ra tại Hội nghị sơ kết học kỳ 1 và định hướng phương hướng hoạt động học kỳ 2 năm học 2015-2016 GDTX do Sở GD-ĐT TP.HCM vừa tổ chức.
HV học tập tại TTGDTX Q.Bình Thạnh |
Những con số ấn tượng
TP.HCM hiện có 36 trung tâm (TT) GDTX, trong đó có 6 TT cấp thành phố, 24 TT cấp quận và 6 phân hiệu GDTX. Hiện đã có 70% TT được xây mới. Đến cuối năm 2015, mạng lưới TTGDTX có 467 phòng học, 42 phòng thí nghiệm, 18 phòng thí nghiệm và hơn 1.400 máy vi tính để giảng dạy cho hơn 2.300 học viên (HV). Mạng lưới này có gần 600 giáo viên, trong đó có 397 giáo viên cơ hữu (100% giáo viên đạt chuẩn, 3,97% giáo viên được đào tạo trên chuẩn).
Cùng với TTGDTX không ngừng cải thiện cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ thì các TT học tập cộng đồng (HTCĐ) cũng được mở rộng, thu hút đông đảo HV. Hiện thành phố có 320 TTHTCĐ, trong đó có 220 TT được kết nối internet, 38 TT được xây dựng là TT nguồn. Ngành GD-ĐT cũng biệt phái 236 giáo viên làm giáo viên tại các TT này.
Theo ông Phạm Anh Ba – Trưởng phòng GDTX, Sở GD-ĐT TP.HCM – công tác xây dựng xã hội học tập đã được các cấp chính quyền địa phương, đoàn thể, cán bộ, Nhân dân quan tâm nên các TTHTCĐ phát triển, huy động nhiều HV đến học. Năm 2015 có 1.467.187 lượt HV tham gia học tập, tăng hơn 85.000 lượt, trong đó có hơn 9.600 lượt HV học tin học, ngoại ngữ.
Với mạng lưới TTHTCĐ đông đảo, TP đang nỗ lực xóa mù chữ cho người dân. TP đạt chỉ tiêu xóa mù chữ cho người trong độ tuổi 15-35 là 99,88%, độ tuổi 15-60 là 99,69% (năm 2014 là 99,59%). Số HV ra học các lớp xóa mù chữ trong năm gần 1.300 người, các lớp giáo dục tiếp sau khi biết chữ hơn 2.500 HV. Các quận như Q.4, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Nhà Bè… trong năm đã làm rất tốt nhiệm vụ này.
Ngoài ra, các quận, huyện tiếp tục củng cố vững chắc kết quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục trung học. Trong năm 2015 đã huy động hơn 3.500 học sinh ra học các lớp phổ cập THCS và hơn 4.800 học sinh ra học các lớp phổ cập trung học.
Tập trung ngăn chặn nghỉ, bỏ học
Ngoài những thành tựu đạt được trong học kỳ vừa qua, GDTX vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Phạm Anh Ba, Trưởng phòng GDTX, Sở GD-ĐT TP.HCM: “Các TTGDTX đã xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch chuyên môn, tập trung đổi mới phương pháp quản lý, dạy học, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn. Mặc dù còn khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự, trình độ đầu vào của HV nhưng các TT đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học của ngành, thực hiện đúng theo chỉ đạo của cấp trên”. |
Nói về những thành tựu đạt được, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh: “Học kỳ vừa qua, GDTX có 10 thành tựu cần ghi nhớ như cơ sở vật chất có bước phát triển theo kế hoạch, nhiều dự án được thực hiện, trang thiết bị, phòng học, phòng thí nghiệm đã được đầu tư; Tổ chức nhiều hội nghị về nâng cao chất lượng học tập tại các TTHTCĐ; Đề án xóa mù chữ bắt đầu hoạt động tốt, nhiều quận huyện đã tổ chức các chuyên đề xóa mù chữ cho người dân… Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều thách thức, đặc biệt là thách thức về nâng cao chất lượng học tập, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của hệ GDTX giảm 25% so với năm học trước…”.
Tại các TTGDTX, số lượng HV nghỉ học cũng là một vấn đề nan giải. Việc chấp hành nội quy, tác phong, ý thức học tập chưa tốt, tỷ lệ học sinh nghỉ học, bỏ học còn nhiều làm ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu suất đào tạo.
Trao đổi với chúng tôi bên lề hội nghị, ông Lê Ngọc Khái – Giám đốc TTGDTX Q.Gò Vấp – cho hay: “Mỗi năm TT có khoảng 7-8% HV nghỉ học giữa chừng vì chưa xác định rõ mục tiêu học tập hoặc là chuyển nơi làm việc. Chẳng hạn, năm nay TT có khoảng 800 HV thì học kỳ 1 này có 67 em nghỉ học”.
TTGDTX Q.11 cũng có nhiều HV nghỉ học giữa chừng nhưng nhờ làm tốt công tác quản lý nên những năm gần đây số lượng nghỉ học đã giảm dần. “Địa bàn Q.11 có 40% dân số là người Hoa, lại có nhiều lao động nghèo nên việc phụ huynh quan tâm đến con em còn hạn chế. Năm học 2013-2014, bình quân một học sinh lớp 10 nghỉ 10,79 buổi/năm, năm 2014-2015 tỷ lệ này là 11,38. Số HV nghỉ học năm 2014-2015 là 21%, năm 2013-2014 là 17%… Điều này báo động tình trạng lưu ban, bỏ học”, ông Nguyễn Minh Tuệ, Giám đốc TTGDTX Q.11 nêu thực trạng.
Nhận thấy điều này, TTGDTX Q.11 đã thực hiện nhiều biện pháp khắc phục. Ông Tuệ chia sẻ: “Học kỳ vừa qua chúng tôi đã đẩy mạnh xây dựng nề nếp chuyên cần, giảm tình trạng đi trễ, trốn tiết vì không đi học thì không hiểu bài, dẫn đến nguy cơ lưu ban, nghỉ học. Lực lượng chủ động thực hiện kiểm tra chuyên cần là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, giám thị. HV nghỉ học thường giám thị sẽ gọi điện về nhà để hỏi thăm, đi trễ quá nhiều viết bảng kiểm điểm. Do vậy giảm hẳn việc nghỉ học, đi trễ”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)