Bài cuối: Du học Việt, tại sao không?
Để sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên đến từ những nước có nền giáo dục phát triển sang Việt Nam học tập và nghiên cứu, các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM đã không ngừng nâng cao chất lượng dạy học và thực hiện các chính sách khuyến khích…
Một tiết học âm nhạc dân tộc của sinh viên quốc tế Khoa Việt Nam học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM |
Dễ sống, dễ hòa nhập
Theo đánh giá của nhiều sinh viên quốc tế, sở dĩ họ chọn TP.HCM để học tập là vì cơ hội nghề nghiệp cao, dễ sống, dễ hòa nhập cũng như chất lượng giáo dục đã được quốc tế kiểm định.
Dù đã ngoại ngũ tuần nhưng ông Park Sang Yeob (Hàn Quốc) vẫn đang là sinh viên năm thứ ba tại Khoa Việt Nam học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Ông Park Sang Yeob bày tỏ: “Đất nước Việt Nam dễ sống, dễ hòa nhập nhất so với các nước Đông Nam Á mà tôi đã đi qua. Tôi sang Việt Nam đã 10 năm và đang làm nghề kinh doanh xuất nhập khẩu. Tôi nói được tiếng Việt nhưng phát âm không rõ, không biết viết chữ Việt nên việc kinh doanh rất khó khăn, nhiều hợp đồng tốt đã bị tuột mất vì lý do này. Trong cuộc sống, tôi cũng chật vật với rào cản ngôn ngữ khi đi mua sắm, thuê nhà ở… Vì thế, tôi cố gắng học ĐH để nói và viết giỏi hơn, khi học xong tôi tính học tiếp lên thạc sĩ”.
Việt Nam không chỉ là mảnh đất giàu tiềm năng để làm việc mà đây còn là môi trường học tập tiết kiệm khá nhiều chi phí cho sinh viên quốc tế. Soukphathai Lungsee (Lào), sinh viên năm thứ nhất ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: “Hồi còn học tiểu học, tôi đã học tiếng Việt. Việt Nam là nước láng giềng với Lào nên học ở đây tiết kiệm chi phí nhiều hơn nếu học ở Thái Lan, Singapore, Malaysia…. Vì vậy tôi chọn Việt Nam. Tôi đăng ký học tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vì trường này rất nổi tiếng ở Lào về chất lượng đào tạo, hơn nữa trường có chương trình học tiếng Anh, bằng cấp theo chuẩn quốc tế nên khi tốt nghiệp, tôi có thể làm việc ở bất cứ quốc gia nào”.
Không riêng gì hai trường nói trên mà nhiều trường ĐH khác cũng ghi dấu ấn với sinh viên quốc tế với những ngành thế mạnh đặc trưng của mình. “Châu Á đã được biết đến là một nơi phát triển về CNTT trong những năm gần đây. Mang ước mơ trở thành một kỹ sư phần mềm nên khi có cơ hội nhận được học bổng Chính phủ đến Việt Nam học, tôi đã không ngần ngại chọn và đến giờ tôi không có gì phải hối tiếc về quyết định của mình”, Imbrahim Ajanah (Nigeria), sinh viên năm cuối ngành kỹ thuật phần mềm của ĐH FPT, nói.
Kỳ vọng tăng không dưới 50%
Những năm gần đây, nhiều trường ĐH trên địa bàn TP.HCM đã được các nước trên thế giới ghi nhận bởi chất lượng đào tạo, bằng cấp được quốc tế công nhận.
Sinh viên quốc tế tại Trường ĐH FPT “Chúng tôi kỳ vọng các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết sẽ là cơ hội tốt để ĐH FPT mở rộng hoạt động đào tạo của mình ở các quốc gia khác trong khu vực”, bà Hoàng Thị Thu Hương. (Phó Giám đốc khối phát triển sinh viên quốc tế của ĐH FPT) nói. |
“Hiện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có 9 chương trình đạt chuẩn AUN-QA và là đơn vị có nhiều chương trình đào tạo nhất được công nhận theo chuẩn này trong cả nước. Bộ tiêu chuẩn AUN-QA được ban hành bởi mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á với mục tiêu thúc đẩy quá trình đảm bảo chất lượng tại các trường ĐH trong khu vực. Ngoài ra, trường có nhiều chương trình, chính sách khuyến khích sinh viên quốc tế như trao học bổng, giới thiệu hỗ trợ nhà ở…”, ông Hoàng Kim Dương (Trưởng bộ phận tuyển sinh, Văn phòng đào tạo quốc tế của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cho biết.
Có thể nói, môi trường học tập tích cực, các chính sách khuyến khích người nước ngoài sang Việt Nam học tập và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục là những điểm chính thu hút sinh viên quốc tế đến TP.HCM học tập. Bà Hoàng Thị Thu Hương (Phó Giám đốc khối phát triển sinh viên quốc tế của ĐH FPT) cho hay: “ĐH FPT sử dụng chương trình đào tạo quốc tế của các trường ĐH ở nhiều nước và áp dụng chuẩn quốc tế trong việc kiểm định chất lượng đào tạo của nhà trường. Đó là tham gia đánh giá xếp hạng ĐH theo chuẩn quốc tế QS. Năm 2015, trường đã được xếp hạng 5 sao cho các hạng mục đào tạo, cơ sở vật chất, trách nhiệm xã hội và tạo công ăn việc làm cho sinh viên…”. Bà Thu Hương cho biết thêm: “Chúng tôi kỳ vọng chiến lược toàn cầu hóa của nhà trường không chỉ phát triển tại Việt Nam mà còn có thể vươn ra các nước khác với mong muốn “mở mang bờ cõi trí tuệ của đất nước”, do vậy chỉ tiêu tuyển sinh đối với sinh viên quốc tế hàng năm sẽ tăng không dưới 50% so với cùng kỳ năm trước. Chúng tôi cũng kỳ vọng các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết sẽ là cơ hội tốt để ĐH FPT mở rộng hoạt động đào tạo của mình ở các quốc gia khác trong khu vực”.
Ngoài ra, những chính sách của các nước châu Âu cũng là một trong những nhân tố giúp sinh viên quốc tế đến Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng ngày càng nhiều hơn. Ông Conrad Ozóg (Giám đốc Truyền thông và sự kiện, ĐH RMIT Việt Nam) cho hay: “Nhờ vào chính sách khuyến khích tìm hiểu văn hóa các nước châu Á từ các trường thuộc khối châu Âu mà số lượng sinh viên Pháp, Đức, Đan Mạch và Na Uy… đến Việt Nam ngày càng tăng. Việt Nam ngày càng trở thành một điểm hấp dẫn về văn hóa, du lịch, ẩm thực và chất lượng giáo dục”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)