LTS: Sau loạt bài Dạy khởi nghiệp từ nhà trường (Giáo dục TP.HCM số ra ngày 11, 13 và 15-6), nhiều nhà quản lý giáo dục tiếp tục chia sẻ những quan điểm, đề xuất của bản thân về vấn đề này.
Học sinh Trường THPT Tam Phú (Q.Thủ Đức) trải nghiệm một ngày làm công nhân tại xưởng giấy Đại Đồng Tiến |
+ Thầy Tân Trung Nghĩa (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, Q.4, TP.HCM): Giúp HS nhận ra các hướng đi sau THCS
Ngành giáo dục cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phân luồng, hướng nghiệp từ bậc THCS để trang bị cho các em học sinh (HS) tư duy, ý thức chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân.
Đối với bậc THCS, khi đưa khởi nghiệp vào trong chương trình đào tạo, trước tiên cần phải trang bị được cho các em tư duy, hình dung đúng đắn về các hướng đi sau tốt nghiệp THCS, ý thức chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân.
Để làm được điều này, các trường cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động dạy hướng nghiệp gắn với hoạt động trải nghiệm cho HS các khối. Như giới thiệu cho HS về những ngành nghề hiện có của địa phương, giáo dục cho các em hiểu về các hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS, ý nghĩa của việc chọn nghề… Tổ chức cho các em tham quan các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; cho HS khối 9 tham quan trường nghề để các em sớm tiếp cận với những mô hình đào tạo đồng thời giải đáp thắc mắc của các em về ngành nghề.
Đồng thời, khi đưa khởi nghiệp vào trong chương trình đào tạo, vai trò của người giáo viên sẽ rất lớn. Đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải có sự theo dõi, bám sát sức học của HS để kịp thời có những tư vấn hướng nghiệp, xa hơn là khởi nghiệp.
Giáo viên công nghệ cũng rất quan trọng trong môi trường khởi nghiệp khi giúp HS nhìn nhận về các ngành nghề khác nhau. Trong khi đó, giáo viên GDCD phải giúp các em hình dung rõ rệt hơn trách nhiệm với bản thân và với gia đình.
+ Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM): Dạy nghề ngay từ trang sách
Chúng ta cần cụ thể hóa những ngành nghề, kiến thức thực tiễn cho HS ngay từ trang sách, trong từng môn học.
Dạy khởi nghiệp cho HS là điều rất cần thiết. Để làm được điều này, tôi thiết nghĩ giáo trình SGK cần phải giảm tải, thay đổi, lồng ghép các kiến thức hướng nghiệp. Thay vì chỉ là lý thuyết suông, hàn lâm, các bài học nên có sự lồng ghép, cụ thể những kiến thức đời sống, dạy nghề ngay từ trang sách để phát huy khả năng của HS, từ đó hình thành nên đam mê và định hướng nghề nghiệp, khơi nguồn sáng tạo.
Bên cạnh đó cũng cần phải có sự đổi mới về vấn đề thi cử: học sao thi vậy, chỉ thi những kiến thức trong SGK để rèn cho HS khả năng tự học, kỹ năng đọc sách, đẩy lùi tình trạng dạy thêm – học thêm. Đặc biệt là các em sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc sáng tạo.
Dạy khởi nghiệp ở bậc phổ thông cần phải trang bị cho HS những kỹ năng như làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, nắm bắt thông tin, quản lý sử dụng tài chính. Đồng thời hướng các em có một tư duy mở, sáng tạo…
Các trường nên tăng cường tổ chức những hoạt động cho HS trải nghiệm, thể hiện bản thân như tham quan nhà máy, doanh nghiệp, địa danh lịch sử để mang đến cho các em góc nhìn về các nghề nghiệp khác nhau trong xã hội. Đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động dạy học dự án gắn với thực tiễn trong từng môn học. Đưa bộ môn dạy nghề trong trường trở thành môn học được thực hiện một cách thiết thực, bài bản hơn bởi đây chính là bộ môn sớm chắp cánh các em đến với khởi nghiệp nhất.
Mỗi trường cần phải thực hiện một cách quyết liệt, không nên đánh trống bỏ dùi.
+ Thầy Ngô Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM): Khơi gợi đam mê khởi nghiệp cho HS
Khởi nghiệp hiện nay có hai hướng: Hướng thứ nhất là làm ra sản phẩm và đi tìm khách hàng. Hướng này thành công ít vì không đáp ứng được số đông khách hàng; hướng thứ hai là lên ý tưởng, xây dựng bộ câu hỏi khảo sát, xác định nhu cầu khách hàng. Nếu nhu cầu khách hàng trùng với ý tưởng thì sẽ triển khai hoặc sẽ xây dựng lại ý tưởng. Vì vậy, dạy khởi nghiệp trong nhà trường chỉ là trang bị cho các em tinh thần khởi nghiệp.
Để dạy khởi nghiệp từ bậc phổ thông, các trường cần phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và trải nghiệm cho HS. Đồng thời tạo ra môi trường để kích thích đam mê đó, tạo động lực cho HS tiếp thu kiến thức. Môi trường trong trường phổ thông có thể là xây dựng những CLB khởi nghiệp trang bị cho HS những kiến thức nền tảng về hướng nghiệp, khởi nghiệp, kỹ năng chuyên sâu về những ngành nghề mà các em theo đuổi. Những CLB này đòi hỏi phải có kinh phí và con người có chuyên môn để định hướng và phát triển.
Yến Hoa (ghi)
Bình luận (0)