Hiện nay có nhiều trở ngại trong quá trình truyền tải văn chương, nhất là khi văn chương đang nằm ở tình thế cạnh tranh vô cùng khốc liệt bởi các loại hình nghệ thuật khác cũng như các ngành, chuyên ngành học khác. Nhưng theo tôi, khó khăn lớn nhất là thách thức làm sao để sinh viên tiếp thu tốt nhất yêu cầu kết quả của môn học này.
Còn nhớ, thời gian đầu giảng dạy, tôi đã rất kỳ vọng và tin tưởng rằng bản thân có thể truyền đến đông đảo sinh viên niềm say đối với văn chương thông qua những bài giảng được tập trung đầu tư cả về chất lượng nội dung lẫn phương pháp sư phạm. Song thực tế đã diễn ra không như những gì tôi mong đợi, nhất là đối với những lớp, những khóa mà học phần văn học đơn thuần là một học phần có trong chuẩn khung chương trình đào tạo chứ không phải là chuyên ngành sâu. Ví dụ học phần Văn học Hàn Quốc trong khung chương trình cử nhân Hàn Quốc học, sinh viên học tiếng Hàn là chủ yếu. Điều này tương tự với ngành Nhật Bản học, hay các ngành học khác. Có nhiều rào cản để yêu cầu sinh viên tiếp nhận văn chương trong khi tầm đón đợi của các em hoàn toàn khác.
Sau thời gian trăn trở, tôi tự nghiệm rằng mình đã quá duy ý chí trong một nỗ lực bất khả thi. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, và mỗi cá nhân hoàn toàn có quyền lựa chọn cho riêng mình một niềm thích thú đối với bất kỳ một lĩnh vực nhất định nào đó. Khởi đi từ cách nghĩ tích cực đó, trong các buổi học, tôi bắt đầu tự phân nhóm (trong im lặng) các sinh viên mà mình giảng dạy. Sẽ có những sinh viên dành nhiều tình cảm cho văn chương, xem văn chương như một niềm đam mê cuốn hút, đây là nhóm thứ nhất, rất cần trao đổi thường xuyên để khuyến khích sở thích của các em. Sẽ có những sinh viên rất nhiệt tình tham gia tiết học nhưng chớ vội xếp vào nhóm thứ nhất, vì sự năng động mà các em thể hiện trên lớp hiện diện trong tất cả các môn học, đây là nhóm thứ hai, không hẳn có cảm tình đặc biệt với văn chương nhưng luôn tích cực quan tâm đến bài giảng. Nhóm thứ ba là nhóm… trung lập khi không có nhiều phản ứng rõ rệt về thái độ của bản thân đối với môn học. Và nhóm còn lại, tất nhiên rồi, là những sinh viên có định kiến xem văn chương là ủy mị, sến súa nên đã thường bày tỏ tâm lý ca thán, uể oải đối với môn học.
Như vậy, với mỗi nhóm sinh viên đặc thù, tôi sẽ cố gắng có những phương pháp sư phạm riêng để thu được kết quả dạy và học tốt nhất có thể. Khi phân nhóm và áp dụng phương thức giảng dạy khác nhau cho mỗi nhóm, tôi dần thu được những kết quả khả quan hơn.
Trần Xuân Tiến (Trường ĐH Văn Hiến)
Bình luận (0)