Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm: Con voi… lại lọt lỗ kim

Tạp Chí Giáo Dục

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội bắt nhiều lô hàng rượu giả. Ảnh: I.T

Càng cận Tết thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm càng “nóng”. “Nóng” đến mức, tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM tại Chi cục Quản lý thị trường TP mới đây, một đại biểu đã phải thốt lên: “Chỉ một bữa ăn của người dân mà có tới 3 bộ quản lý. Bộ thì quản lý khâu trồng trọt, chăn nuôi; bộ quản lý vận chuyển, buôn bán; bộ lại quản lý chất lượng. Nghe thì chặt chẽ đấy, cứ ngỡ con ruồi cũng không lọt. Nhưng trên thực tế thì thực phẩm không đảm bảo an toàn vẫn lọt nhiều lắm…”.

Đúng vậy. Chưa bao giờ người tiêu dùng lại phải… tiêu thụ nhiều thực phẩm bẩn đến vậy. Trong số 689 vụ kiểm tra về thực phẩm của các cơ quan chức năng trên địa bàn TP.HCM trong năm 2015 thì có tới 592 vụ vi phạm. Theo đó đã thu giữ 19 tấn thực phẩm các loại… Đơn cử như ngày 11-12-2015, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp với trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP và Công an Q.Tân Phú kiểm tra kho của Công ty Việt Nhật (đường Lũy Bán Bích, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú). Qua đó phát hiện hơn 5 tấn đường hóa học và chất tạo ngọt sản xuất trái phép. Đại diện công ty khai nhận, chất tạo ngọt (được nhập từ Trung Quốc trước đó 3 năm nay) chế biến thành đường tinh thể với độ ngọt gấp 500 lần đường sản xuất bằng mía. Sau đó đóng gói vào các bao bì nhãn hiệu khác nhau rồi bán ra thị trường.

Thực phẩm bẩn không chỉ tung hoành ở TP.HCM mà đó là thực trạng chung của cả nước. Chẳng hạn như ở Hà Nội, ngày 31-12-2015, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất mỡ của ông Nguyễn Văn Biên (thôn Bái Đô, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện hơn 2.000 bao tải chứa mỡ (90 tấn) không rõ nguồn gốc. Theo khai nhận của chủ cơ sở, số mỡ trên sau khi chế biến sẽ được cung cấp cho các cơ sở sản xuất bánh kẹo, mì tôm trên toàn địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trước đó chưa đầy một tuần, ngày 25-12-2015, lực lượng chức năng đã kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 15C-174.77 do Đào Việt Cường (trú tại Dư Hàng, Lê Chân, Hải Phòng) điều khiển trên quốc lộ 5. Qua đó phát hiện trên xe có 2 tấn hàng hóa gồm ô mai, bánh, kẹo do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Lái xe khai nhận toàn bộ số bánh kẹo trên xuất xứ Trung Quốc, được thuê vận chuyển từ Hải Phòng về Hà Nội để tiêu thụ. Số bánh kẹo trên thường được các cơ sở thu mua xé lẻ, đóng thành từng gói từ 3 đến 5kg bán ra thị trường.

Cũng trong tháng 12-2015, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai kiểm tra kho hàng đông lạnh (đường Trường Sa, tổ 10, P.Ia Kring, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) do ông Võ Hùng làm chủ. Kết quả phát hiện hơn 2 tấn thịt động vật (chim cút, gà, heo, trâu, nhím, nai…) bốc mùi hôi thối, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và giấy chứng nhận kiểm dịch của lô hàng. Chủ cơ sở khai nhận toàn bộ số hàng trên được nhập từ nhiều nguồn ở các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Bình Định… và được đưa đi tiêu thụ tại chợ đầu mối Pleiku.

Ngày 24-12-2015, tại Thanh Hóa, lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất bánh kẹo Gia Thịnh, lô 187, 188 khu tái định cư Đông Hương, TP.Thanh Hóa do ông Nguyễn Văn Chính làm chủ. Qua kiểm tra, phát hiện gần 5 tấn bánh kẹo, mứt đã hết hạn sử dụng. Chủ cơ sở khai nhận toàn bộ số bánh kẹo và mứt do ông mua về để xay ra làm nhân bánh nướng sau đó bán cho các vùng nông thôn trong dịp Tết Nguyên đán.

Ngày 23-12-2015, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 99L-1363 do lái xe Nguyễn Văn Kiên (trú tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) điều khiển. Qua kiểm tra, phát hiện 720kg lòng lợn đang trong quá trình phân hủy, có biểu hiện chuyển màu và bốc mùi hôi thối, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Chủ số hàng trên là bà Nguyễn Thị Loan khai nhận số lòng lợn trên được thu mua ở nhiều nơi, sau đó vận chuyển về tỉnh Bắc Ninh để tiêu thụ.

Những vụ bị bắt giữ trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Và buồn hơn, việc xử phạt các trường hợp vi phạm vẫn còn… nhẹ. Chính vì vậy mà tình trạng buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn vẫn cứ diễn ra hàng ngày hàng giờ gây bức xúc, lo lắng và cả hoang mang của người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM – cho rằng: Với những trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm nên đưa vào hình sự mới đủ sức răn đe…

Vâng! Chỉ khi nào những kẻ buôn bán, vận chuyển, kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn bị tống vào tù thì bữa ăn của người tiêu dùng mới bớt… bẩn. Và khoảng cách từ bàn ăn tới nghĩa địa mới xa được…

Hòa Triều

Bình luận (0)