Sau ZTE và Huawei, các chuyên gia lo ngại chính phủ Mỹ sẽ mạnh tay với các công ty công nghệ khác như Alibaba, Tencent hay Lenovo.
Kể từ tháng 3/2018, căng thẳng về thương mại đã leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Ban đầu, Mỹ đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm của Trung Quốc. Tổng thống Trump cũng kêu gọi nâng mức thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia đông dân nhất thế giới lên 150 tỷ USD – hình phạt cho việc đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Các công ty Trung Quốc có thể gặp khó thời gian tới nếu muốn tiến vào
thị trường Mỹ.
Chưa hết, Bộ Thương mại Mỹ sau đó đã cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho hãng sản xuất thiết bị viễn thông ZTE trong 7 năm vì vi phạm các điều khoản liên quan đến biện pháp trừng phạt của nước này đối với Bắc Triều Tiên và Iran.
Trước đó, chính phủ Mỹ cũng tìm cách hạn chế sự hiện diện của Huawei – một công ty sản xuất thiết bị viễn thông và các thiết bị điện tử có quy mô thậm chí còn lớn hơn ZTE. Trong tháng 2/2018, các quan chức hàng đầu CIA, NSA và FBI khuyến cáo công dân nước này không nên sử dụng điện thoại Huawei. Vào ngày 12/3, chính quyền Trump cũng từ chối đề xuất 117 tỷ USD mua lại Qualcomm của Broadcom do lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ mang lại lợi thế cho Huawei trong cuộc đua phát triển công nghệ 5G.
Theo CNN, động thái mạnh tay trên cho thấy các công ty có tham vọng vào Mỹ sắp tới đây như Alibaba, Tencent và Lenovo khó có thể tiếp cận thị trường vốn đã khắt khe. "Nếu mọi thứ tiếp diễn như hiện tại, cánh cửa của các công ty Trung Quốc vào Mỹ gần như đã đóng", Samm Sacks, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump mới đây cũng đưa ra các quy định nhằm hạn chế công ty Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực "nhạy cảm", do đó, con đường vào Mỹ của những cái tên trên ngày càng khó khăn.
Đầu tư nước ngoài là bước đi chiến lược quan trọng của các công ty lớn Trung Quốc sau khi thành công ở mặt trận trong nước. Tencent đã thâu tóm cổ phần tại một số hãng công nghệ Mỹ, bao gồm Snap và Tesla. Ant Financial, một chi nhánh của Alibaba, đã cố gắng mua dịch vụ chuyển tiền MoneyGram vào năm 2017, nhưng không thành công.
Lenovo trước đây đã đến Mỹ, tuy nhiên hãng này từng "dính phốt" cài sẵn phần mềm độc hại lên máy tính xách tay vào năm 2014. Trước đó, có nghi vấn cho rằng Lenovo đã liên kết với "các thế lực không gian mạng của nhà nước Trung Quốc" nhưng công ty đã phủ nhận.
"Ngay cả với các công ty Trung Quốc làm việc với đối tác Mỹ ở mức thương mại thuần túy, họ cũng bị ảnh hưởng bởi vòng xoáy xung đột thương mại Mỹ-Trung", Sacks nói thêm.
Bảo Lâm (theo vnexpress)
Bình luận (0)