Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tránh ngộ độc trong ngày Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày Tết, thực phẩm thường dễ bị biến chất do phải bảo quản quá lâu nên ngộ độc thức ăn lại càng khó tránh khỏi nếu không có sự đề phòng.

Một ca cấp cứu ngộ độc tại BV Gò Vấp

Ngộ độc từ mâm cỗ Tết

ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân – Trưởng khoa Dinh dưỡng (BV Nhân dân 115) cho biết, một số đối tượng có nguy cơ gây ra ngộ độc cao đó là các loại thực phẩm chế biến thành các món ăn như gỏi, nộm, tiết canh hoặc chưa nấu chín trong đó phải kể đến thịt cá và các loại hải sản như cua, tôm, ốc, mực. Theo BS Vân, ngoài ra còn có các loại rau sống, nước uống trái cây hoặc sữa và các loại thực phẩm từ sữa chưa qua diệt khuẩn. Ngộ độc thực phẩm là các biểu hiện về bệnh lý sau khi ăn uống phải các loại thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc do mất vệ sinh. Trong những ngày Tết, nguyên nhân nhiễm khuẩn tăng cao do thức ăn dự trữ quá lâu ngày như bánh chưng, bánh tét bị mốc, thịt cá bị ôi thiu nhưng vẫn “tiết kiệm” tận dụng. Đây là những món ăn phải tốn nhiều công sức và tiền bạc nên tâm lý chung người dùng là ráng ăn cho hết vì nếu vứt bỏ thì tiếc. Một số người lại “kết” với những món khoái khẩu thường hay đi kèm với bia rượu như nem chua, gỏi cuốn, tái chanh trong những bữa tiệc xuân. Không ít người ăn uống quá đà mà phải chịu cảnh “Tào Tháo rượt” rất khổ sở. Mặc dù các loại tiết canh lợn, vịt, dê, ngan luôn được cảnh báo có nguy cao dễ gây ra tụ huyết trùng nhưng vào ngày Tết vẫn có mặt trên bàn nhậu của cánh đàn ông. Không ít người quan niệm ăn tiết canh vừa bổ vừa mát nên đã tự rước bệnh vào người làm cho ngày Tết mất vui vì phải vào BV “ăn Tết” một cách bất đắc dĩ. Không chỉ ủ bệnh trong thời gian dài, tiết canh có thể gây ra tử vong cho người do ăn quá nhiều và không biết chữa trị.

Vào những ngày cận Tết do nhu cầu thực phẩm tăng cao nên các loại thực phẩm “bẩn” tìm cách trà trộn vào các sạp hàng bán ngoài chợ. Thịt lợn dư chất tạo nạc, rau bón bằng dầu nhớt, gà vịt tôm cá bị bơm hóa chất không còn là chuyện hiếm mà phổ biến ở khắp nơi đang tìm cách qua mặt các nhà chức trách. Đây chính là cửa ngõ thênh thang để cho các loại thức ăn bị nhiễm hóa chất đi vào cơ thể con người một cách hợp thức hóa mà không hề hay biết như thuốc bảo vệ thực vật, chất phụ gia và các kim loại nặng.

Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã công bố trong 10 tháng đầu năm 2015 cả nước có 150 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.077 người mắc và 21 người tử vong. Theo số liệu của Ban chỉ đạo liên ngành TW về an toàn thực phẩm, trong hơn 14 năm qua (2000 đến 2015) cả nước xảy ra 2.683 vụ ngộ độc thực phẩm làm 78.051 người phải nhập viện trong đó 688 ca tử vong. 

Thực phẩm nhiễm bệnh gây ngộ độc thức ăn

Cách sơ cứu tại nhà

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh – Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 cho thấy, triệu chứng ngộ độc rất dễ nhận biết, đó là sau khi ăn uống xong sẽ bị nôn ói, đau bụng quằn quại và tiêu chảy nhiều lần. Cũng có khi sau vài ngày mới có triệu chứng nhức đầu, sốt nhẹ và tiêu chảy, buồn nôn vì lúc này mới ngấm chất độc từ thức ăn. Ngộ độc mạn tính lâu dài được đánh giá nguy hiểm hơn ngộ độc cấp tính.

Xử lý ngộ độc thực phẩm tại nhà như thế nào? Trước hết là phải “đoạn tuyệt” với các thức ăn nghi bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, đừng vì “tham một dĩa mà bỏ cả mâm”. Theo BS Ngọc Anh nếu bị nhẹ người lớn có thể tự tìm cách dùng tay ngoáy họng để móc thức ăn ra hay uống thật nhiều nước để dễ nôn ói hơn. Bằng mọi cách làm sao các chất ngộ độc trong cơ thể bị tống ra ngoài càng sớm càng tốt. Với trẻ nhỏ các em có thể tự ói ra bằng cách cho đầu nằm thấp hơn người và nghiêng sang một bên. Người bị ngộ độc mất rất nhiều nước nên phải được bù kịp thời bằng nước cơm, cháo loãng, dung dịch oresol, nước giải điện. Những người tiêu chảy “đi nhanh về chậm” lại càng cần được bù nước nhiều hơn để sức khỏe mau hồi phục. Tìm cách giải rượu nếu bệnh nhân bị ngộ độc rượu bia và các chất có cồn. Khi ngộ độc nặng mà không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần đưa nạn nhân đến BV gần nhất để cấp cứu. Việc chẩn đoán bệnh dựa vào hoàn cảnh liên quan đến chuyện ăn uống trước đó tùy theo thời gian mau hay chậm, nhất là khi có nhiều người cùng ngộ độc một lúc. Không thể để người bệnh ở nhà tự chữa trị lúc bị sốt cao, đi cầu ra máu, đuối sức do mất nước nặng mà phải chuyển vào viện tức thì. Nếu không có thể gọi cấp cứu khẩn cấp đến tận nơi người bệnh đang nằm.

Rõ ràng sơ cứu tại nhà đối với người bị ngộ độc thực phẩm là những “thao tác chữa bệnh tuyến dưới” rất quan trọng nhưng không phải ai cũng biết. Sẽ cứu chữa được tính mạng con người khi bị ngộ độc trong ngày Tết nếu mỗi chúng ta có những “bài học vỡ lòng” về cách sơ cứu tại nhà.

Bài, ảnh: Quang Phan

Bình luận (0)