Trước và trong Đại hội Đảng lần thứ XII, ngành giáo dục (GD) TP.Cần Thơ đã có nhiều công trình chào mừng, qua đó góp phần nâng cao hơn chất lượng GD toàn diện của TP động lực của khu vực. Nhân sự kiện chính trị trọng đại của đất nước Đại hội Đảng lần thứ XII thành công tốt đẹp, đồng chí Trần Hồng Thắm – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ – đã có buổi trao đổi với Giáo dục TP.HCM về những cố gắng của ngành…
Đồng chí Trần Hồng Thắm |
Đồng chí Trần Hồng Thắm cho biết: Nhiều năm nay, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ luôn nằm trong số những đơn vị dẫn đầu ngành GD cả nước, riêng năm học 2014-2015 vừa qua, chúng tôi vinh dự nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD-ĐT và Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ. Thành quả trên là công sức và tâm huyết của tất cả nhà giáo, cán bộ, viên chức trong ngành, sự quan tâm hỗ trợ quý báu của các cấp ủy, UBND và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Về phía Sở GD-ĐT, chúng tôi đã tham mưu để lãnh đạo TP tăng cường đầu tư nâng cấp, xây dựng mạng lưới trường lớp đáp ứng tốt nhất yêu cầu học tập cho mọi tầng lớp Nhân dân. Thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất trường học. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống GD-ĐT từ mầm non đến ĐH và sau ĐH; chú trọng phát triển các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và ĐH theo hướng điều chỉnh, mở rộng các mã ngành đào tạo phù hợp, cần thiết, để cung cấp nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng yêu cầu của xã hội, góp phần phát triển TP theo hướng trở thành trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa của ĐBSCL.
PV: Trong những giải pháp trên, ngành GD Cần Thơ đã có những mô hình nào mang tính đột phá nhằm góp phần nâng cao hơn chất lượng GD toàn diện, cũng như đáp ứng yêu cầu đổi mới trong sự nghiệp GD?
Đồng chí Trần Hồng Thắm: Tôi cho rằng chất lượng GD là yêu cầu hàng đầu mà tất cả sở GD-ĐT các tỉnh – thành đều cố gắng vươn tới. Cần Thơ cũng nằm trong quỹ đạo đó. Sở GD-ĐT Cần Thơ đã chỉ đạo triển khai mô hình trường học mới VNEN nhằm phát huy tính tích cực chủ động của HS tiểu học. Qua thời gian triển khai, với những sáng tạo và điều chỉnh phù hợp thực tế của quý thầy cô giáo và đội ngũ hiệu trưởng, phương pháp dạy này đã đạt kết quả khả quan. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa GD bậc mầm non ở các quận trung tâm, góp phần nâng cao chất lượng GD bậc học này đồng thời giúp Cần Thơ đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi đầu tiên trong vùng ĐBSCL (trước kế hoạch 1 năm).
Chúng tôi cũng triển khai thành công chương trình bồi dưỡng, đào tạo giáo viên đạt chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực châu Âu của Bộ GD-ĐT, phục vụ Đề án dạy ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân. Ngoài Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng và THPT Châu Văn Liêm đã thực hiện dạy toán bằng tiếng Anh, học kỳ II này chúng tôi tiếp tục triển khai tại các trường THCS có điều kiện. Ngành cũng quan tâm đầu tư cho trường chuyên về cơ sở vật chất, nhân lực, giảm qui mô HS, nâng cao chất lượng dạy và học.
Bên cạnh những thành quả, sự nghiệp “trồng người” của TP còn những vấn đề gì cần khắc phục?
Do nhiều nguyên nhân, vẫn còn một bộ phận HS bỏ học, nhất là HS THPT. Tôi cho rằng, có lẽ các em HS cấp III nghỉ học để đi làm. Ngoài ra tỷ lệ HS giỏi quốc gia và quốc tế chưa tương xứng với vị thế TP thuộc Trung ương. Tỷ lệ HS Cần Thơ vào ĐH và tỷ lệ số sinh viên/dân số chưa đảm bảo yêu cầu của TP động lực. Chưa đào tạo được nhiều chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực kinh tế – văn hóa – xã hội cho TP.
Như vậy Sở GD-ĐT Cần Thơ sẽ có giải pháp nào để tháo gỡ, đồng thời tiếp tục đưa sự nghiệp GD đạt những thành quả mới?
Đối với tình trạng bỏ học, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động quần chúng Nhân dân có nhận thức đúng về GD đồng thời vận động các nguồn lực hỗ trợ vật chất, phương tiện học tập cho những HS có hoàn cảnh khó khăn. Phía nhà trường phải có biện pháp giúp những HS yếu không trở thành người đứng bên lề lớp học do mất kiến thức cơ bản, khiến các em chán nản và bỏ học. Đặc biệt, tôi cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng cho vấn nạn này là Nhà nước phải nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, vì “có thực mới vực được đạo”. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ tranh thủ mọi nguồn kinh phí để tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn quốc gia và ngày càng hiện đại. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên (đặc biệt bồi dưỡng kiến thức phục vụ hội nhập) nhằm tiếp tục nâng cao hơn chất lượng đào tạo, để GD của Cần Thơ thực sự là mũi nhọn của ĐBSCL.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.
Đan Phượng (thực hiện)
Bình luận (0)