Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Học sinh đồng bằng thi tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

 

Ông Đặng Hiệp Giang, Trưởng ban giám khảo trao giải nhất bậc THPT cho hai thí sinh đến từ An Giang

Vừa qua, tại Trường Phổ thông Thái Bình Dương, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ đã tổ chức Hội thi hùng biện tiếng Anh lần 2 năm học 2015-2016, dành cho học sinh phổ thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mục đích nhằm tạo sân chơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm học tiếng Anh, đồng thời có bước chuẩn bị tốt cho cuộc thi “Tài năng tiếng Anh” (OTE) khu vực miền Nam do Bộ GD-ĐT tổ chức trong năm nay. Tham gia hội thi có các tỉnh/thành: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Nai, Tây Ninh; mỗi tỉnh/thành cử 1 đội THCS và 1 đội THPT (2 thí sinh/đội). Theo đó, các đội phải trải qua 4 phần thi gồm: Giới thiệu, khởi động, năng khiếu và hùng biện. Trong 4 phần thi, theo đánh giá của nhiều giáo viên và phụ huynh, hấp dẫn nhất là phần hùng biện. Nếu ở hội thi lần 1 các đội soạn sẵn đề tài rồi trình bày trước Ban giám khảo thì năm nay, đề tài do các đội bốc thăm ngẫu nhiên. Theo đó, có 10 chủ đề được đề cập gồm: Giáo dục, du học, môi trường, sức khỏe, festival, trách nhiệm, kỹ năng sống, thời trang, du lịch, những thắng cảnh trên thế giới. Ở phần thi này, những chủ đề đặt ra mang tính giáo dục cao như: “Vì sao không nên đánh giá con người qua trang phục bên ngoài? Bạn hãy giải thích”; “Học sinh có nên đánh giá giáo viên không?”; “Có ý kiến cho rằng: Với học sinh trung học, việc tự học sẽ mang lại hiệu quả cao. Nhưng ý kiến khác lại khẳng định: Muốn học tốt, học sinh phải thường xuyên tới trường? Ý kiến của bạn như thế nào?”; “Trong cuộc sống, giữa nhiều tiền và cư xử tốt, điều nào quan trọng hơn?”. “Bạn bè của bạn có ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của bạn không?”… Đa số thí sinh nêu được quan điểm của bản thân trước vấn đề đặt ra, có dẫn chứng minh họa cho ý kiến của mình. Kết quả, giải nhất bậc THCS thuộc về Trường THCS Lương Thế Vinh (Cần Thơ) và giải nhất bậc THPT thuộc về Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang). Ông Đặng Hiệp Giang, Trưởng ban giám khảo (đến từ Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT), nhận xét: “Đa số thí sinh sử dụng khá tốt từ ngữ, cấu trúc câu. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng về ý tưởng và những vốn sống mà nhiều em có được”. Bên cạnh đó, ông Giang cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của thí sinh, trong đó chiếm nhiều là phát âm chưa chuẩn. Một số đội trình bày lạc đề hoặc nội dung nghèo nàn. Có đội khi giám khảo hỏi những câu có phần khó, thay vì cố gắng suy nghĩ để trả lời thì lại bỏ cuộc…

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)