Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Dinh dưỡng ngày Tết: Hãy là thực khách thông minh

Tạp Chí Giáo Dục

ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân – Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Nhân dân 115) cho biết, các món ăn ngày Tết giàu chất béo và chất đạm nhưng lại thường thiếu chất xơ và cả vitamin. Vì thế bàn tiệc ngày xuân dù có nhiều sơn hào hải vị nhưng nếu không ăn uống hợp lý thì vẫn có thể không đủ chất dinh dưỡng.

Ngày Tết cần ăn uống hợp lý và điều độ 

Ăn uống chừng mực

Ngày Tết không thể thiếu các món ăn được chế biến từ các loại thịt cá, hải sản. Tuy nhiên, đây là những loại thực phẩm giàu chất béo, chất đạm và protein. Nếu dùng nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe con người nhất là những ai đang bị bệnh gút, béo phì và tiểu đường. Vì vậy nguyên tắc đầu tiên trong bữa ăn ngày Tết là phải cân đối khẩu phần ăn hợp lý. Bên cạnh các món nem mọc, giò chả lúc nào cũng phải được bổ sung thật nhiều rau xanh vừa để cân bằng chất dinh dưỡng vừa giúp cho cơ thể dễ dàng tiêu hóa hơn. Theo BS Vân, trung bình mỗi người chỉ nên ăn 100g thịt trong mỗi bữa ăn vì nếu nhiều quá sẽ không có lợi cho sức khỏe. Dù là ngày Tết cũng phải ăn uống điều độ không được bỏ bữa. Dù mâm cao cỗ đầy nhưng cũng phải được kiểm soát tỉnh táo trong ăn uống. Ngoài ăn vặt, chúng ta không thể bỏ được hai bữa chính và bữa ăn sáng hàng ngày. Cũng theo BS Vân, nếu ăn nhiều bữa mỗi ngày thì nên chia nhỏ khẩu phần thức ăn, không nên lúc nào cũng ăn quá no, quá nhiều. Ngày Tết, bánh kẹo bia rượu luôn được mời mọc chiêu đãi nhưng không được lạm dụng vì đây là những loại thức ăn gây đầy bụng khó tiêu, chán ăn và cản trở sự hấp thu dinh dưỡng của cơ thể. Đây cũng là những mặt hàng khó kiểm soát nên dễ bị ngộ độc thực phẩm.

BS.CK1 Đào Thị Yến Thủy – Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khẳng định, dù ăn uống như thế nào nhưng yêu cầu đầu tiên là phải đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài việc ăn uống điều độ hợp lý, cân bằng dinh dưỡng cho bữa ăn ngày Tết, chúng ta phải chú ý đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Luôn bảo quản thức ăn đúng quy trình, tránh để ôi mốc, thiu thối. Thức ăn dư thừa phải được cất giữ cẩn thận không để cho ruồi bu kiến đậu. Tuyệt đối nói không với các loại thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng hoặc biến chất.

Hãy là thực khách thông minh

Trên bàn ăn cũng cần có sự lựa chọn thông minh, không nên có gì ăn nấy mà phải biết cân nhắc khi cầm đũa. Mỗi món ăn chỉ nên thưởng thức cầm chừng, không cố ăn cho quá dù thừa thãi. Ở nhà hàng, thực khách có thể xem trước thực đơn để tự điều chỉnh món ăn cho mình, không ăn theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” mà cần có sự phân chia hợp lý. Ngoài cá thịt nên thực sự ưu tiên cho các món ăn được nấu từ rau củ quả giúp cơ thể “vận hành” tốt hơn. Không ít người quá coi trọng chất béo, chất đạm, “coi thường” chất xơ hậu quả nhãn tiền là dễ bị lên cân trong dịp Tết. Ngày Tết cũng không nên ép bạn bè, người thân ăn nhiều hoặc quá chén làm cho bệnh tật từ mình “lây” sang người khác. Không ít người phải nhập viện hoặc sau đó phải “tuyệt thực” với những món ăn ngày Tết do bệnh gút mà nguyên nhân bắt đầu từ việc ăn uống thiếu chừng mực.

Có một thực tế là trong những ngày Tết do quá bận rộn nên cha mẹ thường “bỏ qua” chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ. Đôi khi chế độ ăn hàng ngày của bé bị “nhập chung” với chế độ ăn của người lớn. Đây là điều không tốt vì ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe trẻ nhỏ. Ngoài ra lịch trình, giờ giấc ăn uống hàng ngày của các cháu cũng bị đảo lộn một cách bất thường. BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Hậu – Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Nhi đồng 2) khuyên, dù bận rộn nhưng cha mẹ cũng không nên làm ảnh hưởng đến chế độ ăn uống và dinh dưỡng đối với con cái. Theo BS Hậu, không nên cho trẻ ăn nhiều chất ngọt chất béo nhất là những đứa trẻ thừa cân, mắc bệnh béo phì. Đối với trẻ suy dinh dưỡng lại cần phải quan tâm hơn trong những ngày bận rộn này. Hãy cho bé ăn đầy đủ, đúng giờ, đúng khẩu phần nhưng cũng không quá lạm dụng chất béo chất ngọt. “Tuyệt đối không mua quà vặt ngoài đường mất vệ sinh khi đưa trẻ đi du xuân hay chơi Tết” – BS Hậu nhắc.

Bài, ảnh: Hương Thủy

Bình luận (0)