Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cấp thiết đổi mới giáo dục giới trong CT-SGK mới

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục (GD) giới trong chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) hiện hành còn nhiều điều bất cập. Trong CT-SGK mới, vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào? Dù chỉ là một trong những nội dung cần GD học sinh nhưng đây luôn là vấn đề khó và khá nhạy cảm ở Việt Nam.

Phụ nữ được minh họa trong SGK thường chỉ làm nông nghiệp hoặc giáo viên. Ảnh chụp ở SGK tiếng Việt lớp 1 tập 2

Tranh ảnh minh họa cũng “thiên vị”

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, phân tích từ các nghiên cứu rà soát SGK GD phổ thông hiện hành của Việt Nam cho thấy còn nhiều biểu hiện định kiến giới hoặc còn khuôn mẫu giới trong SGK. Thứ nhất là giới tính các nhân vật trong SGK phụ nữ chỉ là “thiểu số”. Phân tích 76 cuốn SGK của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 có 8.276 nhân vật trong nội dung văn bản và 7.987 nhân vật trong các hình ảnh kết quả cho thấy khá bất ngờ. Đối với nhân vật trong nội dung văn bản thì có tới 69% là nam giới, nữ giới chỉ chiếm 24%, 7% còn lại là trung tính về giới (ví dụ như đứa trẻ, học sinh, nông dân, giáo viên, phụ huynh…). Đối với nhân vật trong các hình ảnh thì nam giới chiếm tới 58%, nữ giới chiếm 41% và còn lại là trung tính. Thứ hai, phân tích của Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra rằng sự chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ có sự khác biệt theo các cấp học, càng lên cấp học cao sự chênh lệch càng lớn, nhất là cấp THPT. Trong văn bản, số nhân vật nam xuất hiện theo tỷ lệ lần lượt từ tiểu học là 51%, THCS là 67% và THPT là 1%. Trong hình ảnh, nhân vật nam lần lượt qua các cấp là 56%, 57% và 71%. Thứ ba là ví dụ đưa ra trong SGK về các nhân vật quan trọng trong lĩnh vực lịch sử, khoa học và văn hóa đều là nam giới. Khảo sát SGK từ lớp 1 đến lớp 12 có 3.252 nhân vật lịch sử thì có 95% nhân vật là nam giới, trong số 583 nhân vật đương đại thì nam giới cũng chiếm 88%.

Thứ tư là nghề nghiệp nhân vật trong SGK kết quả thống kê cho thấy 80% nhân vật là nam giới có nghề nghiệp cụ thể, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới chỉ đạt 66%. Nữ giới có hai nghề chiếm tỷ lệ cao nhất là giáo viên và nhân viên văn phòng trong khi đó, nam giới có ngành nghề đa dạng hơn.

Mặt khác, đánh giá của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy hình minh họa trong SGK tạo nên khuôn mẫu về phân công lao động giữa nam và nữ khiến khó thực hiện bình đẳng giới. “Bình đẳng giới sẽ không thực hiện được nếu thế hệ sau vẫn được xã hội hóa theo khuôn mẫu mang định kiến về giới”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định.

Tham gia nghiên cứu về vấn đề bình đẳng giới trong GD nhiều năm, PGS.TS Hoàng Bá Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, dân số, môi trường và các vấn đề xã hội (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) – chia sẻ: Sau khi rà soát nội dung, hình ảnh trong SGK phổ thông hiện nay, tôi thấy còn một số tồn tại: Hình ảnh của nhân vật nữ dù là người lớn hay trẻ em vẫn còn yếu. Những nội dung, hình ảnh đó cũng phản ảnh vị thế, vai trò phụ nữ trong SGK là thụ động, phụ thuộc nam giới. Phạm vi hoạt động của phụ nữ gắn với gia đình con cái, trong khi nam giới hoạt động ngoài xã hội. Nam giới là trụ cột kinh tế, là người đạt trình độ chuyên môn cao, dũng cảm… Còn phụ nữ chỉ là người làm công việc đơn giản, gắn với nội trợ chăm sóc, con cái, hoặc là cô giáo.  Cũng theo PGS.TS Hoàng Bá Thịnh nhân vật nữ trong SGK thường gặp tình huống yếu thế, đáng thương, là nạn nhân của trường hợp này trường hợp kia, ví dụ như bị HIV… Còn nam giới là nhân vật chủ động, là trụ cột gia đình, bác sĩ nổi tiếng. Những hình ảnh đó cho thấy người phụ nữ luôn cần giúp đỡ, là người phụ thuộc, cần được yêu thương nhưng cũng tạo hình ảnh đáng thương… Đó là bất cập chính trong SGK hiện nay.

Lồng ghép giới vào CT-SGK mới: Tránh khiên cưỡng

PGS. Mai Văn Hưng – Giám đốc Trung tâm Nhân học và Phát triển trí tuệ (ĐHQG Hà Nội) cho rằng nếu chỉ nhìn nhận giới và bình đẳng giới một cách cơ học, là thấy nam làm được cái gì cũng muốn nữ làm được cái đó, và coi là bình đẳng thì chưa chính xác. Chúng ta cần nhìn bình đẳng trên thiên chức về giới tính. Người phụ nữ có giới tính nữ nên làm công việc phù hợp với giới tính của họ, đàn ông cũng vậy. Chúng ta cần hiểu bình đẳng giới trên sự tôn trọng phát triển tâm sinh lý của họ chứ không phải dựa trên cơ sở, cái gì giới này làm được thì giới kia cũng làm được… “Có như vậy, quan niệm về giới và bình đẳng giới mới đến được với thế hệ học sinh đầy đủ, để học sinh có cách tiếp cận phù hợp, hài hòa với cuộc sống tạo hóa nhân gian cho giới tính”, PGS. Mai Văn Hưng khẳng định. Một lần nữa PGS. Hưng cho rằng cách tiếp cận của SGK lâu nay đã đáp ứng một phần về vấn đề giới và bình đẳng giới. Tuy nhiên, sự vận động liên tục xảy ra, xã hội luôn luôn vận động, thông tin ngày càng được cập nhật và bổ sung. Vì thế việc lồng ghép các kiến thức về giới và giới tính cũng cần cập nhật. Mặt khác, sau năm 2018 chúng ta có bộ SGK mới, cho nên cách tiếp cận lồng ghép giới và giới tính cũng cần thay đổi để phù hợp với CT-SGK mới, phù hợp với nhận thức xã hội luôn luôn thay đổi trong tương lai. PGS.TS Hoàng Bá Thịnh cũng có ý kiến thêm: SGK cần có những thay đổi, đặc biệt về hình ảnh minh họa, tăng thêm hình ảnh các em gái, phụ nữ (về tính chất, phạm vi hoạt động và năng lực chuyên môn…). Theo PGS.TS Hoàng Bá Thịnh nếu có một môn học riêng về GD giới tính hay GD bình đẳng giới trong trường phổ thông  thì rất tốt, nhưng e rằng sẽ khó cho các chuyên gia xây dựng chương trình. Chúng ta đang kêu gọi giảm tải mà cứ tăng lên thì rất khó khăn cho các thầy cô giảng dạy. Việc lồng ghép kiến thức giới và bình đẳng giới vào SGK sẽ có tính khả thi và hiệu quả sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại khóa ở các cấp học, nên có những chủ đề về GD tính bình đẳng giới. Phần đó không ảnh hưởng đến chương trình chính khóa. Đặc biệt, các thầy cô giáo trong quá trình đào tạo ở trường cũng cần có quan điểm, tự trang bị kiến thức về bình đẳng giới. Ngay từ bậc học mẫu giáo, giáo viên nên lồng ghép GD giới tính cho các em từ những trò chơi. Trò chơi không phải đặc quyền riêng cho giới nào, ví dụ chơi búp bê, nấu ăn may vá, không phải chỉ dành cho bé gái. Các bé trai cũng có thể tiếp cận. Hoặc những trò chơi liên quan kỹ thuật như máy bay, xe lửa… bé gái cũng có thể tiếp cận. Ngay từ mẫu giáo định hướng trò chơi không phân biệt thì sau này phát triển, tiếp cận các môn học, ngành học sẽ bình đẳng giới hơn.

Chuyên gia Huỳnh Ngọc Diệp (Viện Khoa học GD Việt Nam) cũng bày tỏ sự đồng tình. Bà góp ý thêm rằng, bên cạnh rà soát SGK nên lưu ý hơn đến rà soát định kiến giới trong chương trình. Nên có thêm quy trình lồng ghép giới vào biên soạn chương trình, bổ sung định hướng nội dung GD về giới, những khuyến nghị cụ thể cho các tác giả xây dựng CT-SGK mới.

Nghiêm Huê

Bình luận (0)