Học hành căng thẳng đã tạo nên nhiều áp lực lớn cho HS nên một số em đã bị rối loạn cảm xúc. Làm thế nào để phụ huynh thật sự lưu tâm tới tâm lý con cái tránh những căn bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe tuổi học trò.
Một ca điều trị tại Khoa Nội thần kinh, BV Nhân dân Gia Định |
BS Nguyễn Cảnh Nam – nguyên Phó Trưởng khoa Nội thần kinh – BV Nhân dân Gia Định thống kê, vào mùa thi cử thì số lượng bệnh nhân (BN) bị chứng rối loạn cảm xúc tăng gấp đôi, gấp ba so với những thời gian trước đó. Điều này chứng tỏ có lý do về mặt khoa học và thực tế.
Sang chấn tâm lý do áp lực bài vở
Theo BS Nam, thì trong thời tiết nóng nực, áp lực thi cử và học bài luôn đè nặng lên các em, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời thì BN có thể bị sang chấn tâm lý dẫn đến mệt mỏi, stress, trầm cảm thậm chí hoang tưởng, tự tử. Đó là trường hợp em Vũ Thanh D. – một HS của Trường THPT Q.Thủ Đức đang điều trị ngoại trú tại BV Nhân dân Gia Định. Theo lời kể của chị M. – mẹ của D. – thời gian gần đây em có triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ, hay cáu gắt và đóng cửa ngồi học một mình. Không chỉ trước khi thi nhiều em bị rối loạn cảm xúc mà ngay sau khi thi xong, thất vọng với kết quả của mình một số em cũng đã có tâm trạng buồn chán, cáu gắt và khó chịu với mọi người xung quanh. Đó là trường hợp của em Lê Thị B. – là một HS giỏi của trường THCS ở Q.Gò Vấp luôn là niềm kỳ vọng của cả gia đình. Thế nhưng sau khi thi rớt một trường THPT chuyên ở Q.1, em đã khóc lóc nhiều ngày vì mắc cỡ, sức khỏe tinh thần giảm sút nghiêm trọng.
Rất cần sự quan tâm của cha mẹ
Nếu ở mức độ nặng không điều trị kịp thời có thể dẫn đến đánh mất ý chí, nghị lực, thờ ơ với cuộc sống và mất đi những thú vui hằng ngày. Nhiều người tự dằn vặt bản thân vì lỗi lầm trong quá khứ; tự cho mình là vô dụng dẫn đến ý tưởng và hành vi tự sát. Cùng với sự tác động từ cảm xúc, cơ thể cũng phát ra những dấu hiệu như: chán ăn, mất ngủ, mệt mỏi không muốn ra khỏi giường, gầy sút. Hoạt động chậm chạp, mất tập trung, hay quên. Không chú ý đến việc vệ sinh cơ thể, ăn mặc lôi thôi hơn so với thói quen hằng ngày. Về lý do, ngoài nguyên nhân nội sinh là trong người đã có mầm bệnh thì nguyên nhân tâm lý là do stress trong thời gian dài do áp lực quá lớn trong quá trình học tập, làm việc; những biến cố lớn trong đời sống chưa giải quyết được hoặc đôi khi lạm dụng chất cồn, chất gây nghiện; do tiền sử bệnh tâm thần của gia đình.
BS.CK1 Trần Lê Thanh Tâm – Khoa Nội thần kinh (BV Nhân dân Gia Định) cho biết, rối loạn cảm xúc lưỡng cực gọi tắt là rối loạn cảm xúc là bệnh lý thuộc phạm trù rối loạn cảm xúc. BN có biểu hiện dễ nhìn thấy là vui buồn thất thường. Nếu vui quá tột độ gọi là hưng cảm hoặc buồn quá mức là trầm cảm. Trạng thái đầu tiên của bệnh là cảm giác buồn bã và thấy cô đơn dù đang ở giữa rất nhiều người. Hầu hết dễ xúc động hay âu lo vô cớ. |
Về cách phát hiện và khắc phục – theo chuyên gia tâm lý TS. Lê Thị Linh Trang – cha mẹ là người luôn gần gũi và quan tâm tới con cái, phát hiện kịp thời những biểu hiện bất thường của con như học hành bỗng dưng sa sút, thái độ buồn chán bất cần, sống thu mình. Đó là những triệu chứng rối loạn cảm xúc ban đầu. Tâm lý cha mẹ muốn con mình có kết quả học tốt nhưng không nắm được thực lực nên cố bắt con học nhiều, ganh đua với bạn bè. Đây cũng là lý do đưa trẻ sớm đến với rối loạn cảm xúc nhất là vào mùa thi cử. Vì thế cần có sự tư vấn của thầy thuốc và BV để chẩn đoán rối loạn cảm xúc lưỡng cực hay hưng cảm để có thuốc điều trị đúng liều. Phải có thời gian nghỉ ngơi vui chơi giải trí sau một ngày học tập ôn bài căng thẳng, tránh học quá nhiều theo dạng “mọt sách” dễ bị “mụ” đầu. Cha mẹ cùng con cái học cách cân bằng trạng thái tâm lý, sớm ngăn chặn các stress trong cuộc sống do mâu thuẫn, xung đột trong gia đình. Cần có sự chia sẻ với mọi người khi bế tắc cảm xúc để giải tỏa những căng thẳng lo âu trong cuộc sống. Không chỉ lúc con cái thành công mà cả lúc thất bại, người lớn phải tìm cách động viên, vỗ về không trách cứ, mắng mỏ để dồn trẻ vào chân tường cuộc sống. Mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức và hiểu biết khi mình bệnh tâm lý, rơi vào những trạng thái trầm cảm. Thử đặt ra các câu hỏi để tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Tuyệt đối không được bi quan, buông xuôi phó mặc cho số phận, bệnh nặng lại càng bệnh thêm. Hạn chế sử dụng điện thoại, mạng internet. Không dùng thuốc bổ, thuốc nam chỉ làm cho đầu óc mệt mỏi thêm.
Nghỉ ngơi và thư giãn là những thời gian vô cùng quan trọng đối với những người chịu quá nhiều áp lực về công việc, về học hành. Hình thức thi trắc nghiệm khách quan thay cho tự luận cũng hạn chế được áp lực học bài quá nặng của trước đây. Các em cần ngủ đủ 8 tiếng, uống thêm sắt và các loại vitamin, khoáng chất theo BS chuyên khoa tư vấn.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)