Nếu không xảy ra dịch Covid-19, liệu mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam có thể ùn ùn qua các cửa khẩu hay phải giải cứu như hiện nay? Thực tế, giải cứu thường xuyên diễn ra và hoàn toàn không có gì là bất ngờ.
Ảnh minh họa. Ảnh: I.T
Chuyện nông, thủy sản được mùa mất giá, được giá thì mất mùa, hoặc bị thương lái ép giá dẫn đến dội chợ nhiều năm nay vẫn chưa có thuốc kháng, khiến nông dân ngày đêm trong tâm thế đứng ngồi không yên, mất ăn mất ngủ khi mùa vụ đến gần.
Hầu như năm nào cũng vậy, từ miền Tây đến miền Trung, nông sản sắp đến kỳ thu hoạch người dân lại phải canh cánh lo – trước mắt là một khoản vay ngân hàng khá lớn để lo giống, phân bón, nhân công… Bao mồ hôi và cả nước mắt của họ đã ngày đêm tưới xuống cánh đồng để rồi cái mà họ thu về là một mùa… đắng.
Vụ này đến vụ khác, không dịch bệnh, thiên tai xảy ra thì những loại nông sản được xem là kinh tế chủ lực của địa phương cũng cần giải cứu, từ dưa hấu, thanh long, cam, sầu riêng… Mới đây, thủ phủ tôm hùm Phú Yên, Khánh Hòa cũng gặp khó do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 không xuất khẩu được sang Trung Quốc, rớt giá thảm hại. Trước thảm cảnh này, những đại gia tôm hùm lừng lẫy cũng phải méo mặt chờ giải cứu thu về được đồng nào hay đồng ấy.
Sao cứ phải cộng đồng giải cứu mà người nông dân không tự giải cứu mình?
Người bạn đang là cán bộ khoa của một trường đại học lớn thuộc miền Trung, đùng cái anh bỏ ngang để đi trồng rau khiến không ít người tiếc. Tiếc cũng phải bởi vị trí phó hiệu trưởng không ai sáng giá bằng anh, trong khi theo nghề nông không ít người bầm dập, thậm chí trắng tay, nợ nần. “Nông sản sạch là hướng mà tôi theo đuổi, sạch mới có đầu ra, ra hẳn nước ngoài”, anh thể hiện quyết tâm. Từ một nông trại với diện tích khiêm tốn trồng dưa lưới và các loại rau, ở kỳ thu hoạch thứ hai, sản phẩm chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản, Hà Lan… Và ngay thời điểm cung không đủ cầu, anh nhận được lời đề nghị rót vốn từ nhà đầu tư tại các nước này để mở rộng diện tích.
Theo anh, chữ “sạch” trong nông sản hiện nay ở Việt Nam không ít người hoài nghi vì “sạch” không từ cái gốc (từ người nông dân). “Sạch” đồng nghĩa với việc cho ra đời một sản phẩm tử tế, được xây dựng trên nền tảng tử tế thì tiếng lành đồn xa. Anh chia sẻ, tiếng lành là tiếng thơm, đó là bài học anh tích lũy từ một gia đình nông dân tỉnh Ibaraki, Nhật Bản mà anh có thời gian dài lưu lại tỉnh này để hoàn thành chương trình tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh.
Từ câu chuyện khởi nghiệp của anh liên hệ đến sự thành công của nhà nông khác. Đà Lạt – thủ phủ của các loại rau củ quả từ lâu xuất hiện nhiều chủ vườn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc… Họ đã bỏ ra số tiền lớn thuê đất lâu năm để trồng trọt những loại rau quả vốn là đặc sản của vùng đất này cung cấp cho thị trường của họ. Cũng với hình thức canh tác, kỹ thuật như nông dân mình, cùng trồng một loại rau củ nhưng nông sản của họ làm ra đều đặn xuất đi, trong khi nông sản của ta gặp khó ngay thị trường trong nước. Rõ ràng ta “thua trên sân nhà”.
Khoa học kỹ thuật hiện đại, nông dân Việt tiếp cận nhanh và áp dụng thành công nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao của các quốc gia trong khu vực và thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu nông sản hàng năm sang các thị trường nước ngoài vẫn thấp, chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, điều này khó tránh cung vượt cầu.
Ngay lúc khó khăn nhất, nhiều đơn vị, cá nhân chung tay giải cứu nông sản mong gỡ gạc chút vốn liếng nông dân bỏ ra cho một “canh bạc”, may thì huề vốn, mà thực tế may ít rủi nhiều.
Giải cứu nông sản đến bao giờ? Trong khi các bộ, ngành còn loay hoay tìm giải pháp căn cơ, ngay bây giờ nông dân phải tập trung giải cứu tư duy làm nông nghiệp của mình bằng cách xây dựng “tiếng thơm” để tránh lệ thuộc thị trường truyền thống. Việc này không dễ trong điều kiện hiện nay nhưng có thể làm được.
T.Anh
Bình luận (0)