Giảng viên thiếu và yếu, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, tuyển sinh ồ ạt là ba trong rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ĐH ở nước ta. Tại Hội nghị Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH vừa tổ chức ở Đà Nẵng, các đại biểu đã mổ xẻ từng vấn đề để đưa ra những giải pháp căn cơ nhất…
Thí sinh tại TP.HCM xem lại đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: M.Tâm |
Giảng viên thiếu và yếu
Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh (Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), thực trạng một số chỉ số đảm bảo chất lượng từ kết quả đánh giá và thẩm định 20 trường ĐH top trên năm 2016 cho thấy, điều kiện đảm bảo chất lượng về giảng viên có nhiều tồn tại. Đó là thiếu giảng viên so với quy mô và còn tình trạng giảng viên chưa đạt chuẩn. Số giảng viên trung bình là 370 trường; tỉ số sinh viên/giảng viên là 21/1, nhiều trường vượt tỉ số quy định cho cả trường hoặc nhóm ngành; có những nhóm ngành tỉ số này lên đến 1/40 hoặc 50, thậm chí cao hơn. Giảng viên dạy quá nhiều giờ, thậm chí trên 50% giảng viên dạy quá 200 giờ/năm, rất nhiều người dạy trên 540 giờ, gấp đôi quy chuẩn. Mặt khác, tỉ lệ giảng viên ĐH chưa đạt chuẩn, tối thiểu là thạc sĩ còn khá cao, giảng viên có trình độ cử nhân trung bình khoảng 16%; ít giảng viên được cập nhật về phương pháp giảng dạy, khoa học kiểm tra đánh giá, phương pháp làm việc, hướng dẫn nghiên cứu sinh.
Việc thiếu giảng viên dẫn đến ảnh hưởng chất lượng đào tạo.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) nhìn nhận, với con số 425 trường ĐH và CĐ, chất lượng đào tạo ở mỗi trường khác nhau. Và chắc chắn không phải tổ chức đào tạo nào cũng đảm bảo được chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Cũng không phải trường ĐH, CĐ nào cũng đủ nhân lực để có thể xây dựng và triển khai chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, ngay cả trường ĐH tốt cũng không thể đảm bảo đáp ứng nhu cầu xã hội 100%.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, tỉ lệ 19% giảng viên có trình độ tiến sĩ là thấp. Nếu con số này được nâng lên thì sẽ tác động tích cực đến chất lượng giáo dục ĐH. Bộ trưởng nhìn nhận, đây là trách nhiệm của hiệu trưởng các trường ĐH trong chiến lược xây dựng đội ngũ, tạo dựng thương hiệu.
Cơ sở vật chất thiếu, tuyển sinh ồ ạt
GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho biết, ngoài đội ngũ giảng viên, các vấn đề về cơ sở vật chất, thiết bị và tài chính cũng là vấn đề cần bàn. Ông Thanh cho rằng, các trường thiếu phòng học nhỏ, phòng thực hành, thiếu bàn ghế linh hoạt cho các hoạt động học tập và thảo luận; thiếu các tiện ích phục vụ giáo dục toàn diện (nhà thể thao, sân chơi, khu sinh hoạt…). Thư viện nhìn chung không đáp ứng được nhu cầu học tập và nghiên cứu. Trang thiết bị hiện đại khai thác chưa hiệu quả, chưa hết công suất; hoặc trang thiết bị không được cập nhật do thiếu kinh phí bảo dưỡng. Bên cạnh đó, về tài chính cơ cấu chi mất cân đối, chủ yếu chi cho đào tạo (trên 95%); chi cho bồi dưỡng cán bộ, mua sắm học liệu quá thấp…
“Kiểm định chất lượng không phải để xếp hạng hay nhận chứng chỉ mà để các trường có kế hoạch tập trung nguồn lực khắc phục những điểm yếu”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói. |
Trong khi cơ sở vật chất thiếu nhưng tình trạng tuyển sinh lại ồ ạt. GS.TS Đặng Kim Vui (Giám đốc ĐH Thái Nguyên) nhận xét, một trong những nguyên nhân khiến chất lượng ĐH thấp là do những năm trước đây các trường tuyển sinh ồ ạt, năng lực thực tại của các trường mất cân đối. Số lượng sinh viên mỗi lớp quá đông, việc sắp xếp đơn vị thực tập cho các em cũng gặp rất nhiều khó khăn.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng, với cơ chế quản lý “học phí thấp”, để có thể vận hành hệ thống tổ chức, các trường phải tuyển cho hết “chỉ tiêu ứng với năng lực”. Với số lượng trung bình mỗi tỉnh/thành có 6,6 trường ĐH, CĐ và không có đơn vị nào kiểm soát số lượng nguồn nhân lực đào tạo theo từng ngành nghề dẫn đến số lượng cung – cầu theo từng ngành nghề tương ứng khó gặp nhau.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tóm tắt 5 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, gồm: Tổng rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH; Tiến hành kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH, tăng cường các điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất; Quản trị ĐH theo hướng tự chủ; Tạo môi trường pháp lý, minh bạch cho tự chủ ĐH và giải pháp đẩy mạnh truyền thông. Trong đó, kiểm định chất lượng, quản trị và tự chủ ĐH là các vấn đề cần chú trọng đẩy mạnh. Theo Bộ trưởng, kiểm định chất lượng không phải để xếp hạng hay nhận chứng chỉ mà để các trường có kế hoạch tập trung nguồn lực khắc phục những điểm yếu. Năm 2017, sẽ thực hiện kiểm định hết những trường đã đánh giá trong và đăng ký đánh giá ngoài theo bộ tiêu chí đã ban hành; năm 2018, sẽ áp dụng theo chuẩn đánh giá của AUN (chuẩn kiểm định chất lượng dành cho hệ thống các trường ĐH thuộc khối ASEAN). Trong đánh giá, phân tầng, xếp hạng sẽ không phân biệt trường công, trường tư. Các trường quá yếu, không đạt chất lượng và không đủ khả năng nâng cao chất lượng thì chấp nhận các giải pháp giải thể, sáp nhập.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)