Quá trình đào đất chuẩn bị làm đường nội bộ trong khuôn viên Bưu điện Phú Thọ (270 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM) đã phát lộ một ngôi mộ với bốn thành xung quanh bằng đá xanh vào chiều 26-12.
Ngôi mộ vừa được phát hiện trong khuôn viên Bưu điện Phú Thọ – Ảnh: L.Điền |
Theo quan sát của PV Tuổi Trẻ tại hiện trường, ngôi mộ có kích thước ước khoảng rộng hơn 1,2m, dài hơn 2m, với một tấm bia bằng đá xanh ở chân mộ đã bị nghiêng do quá trình đào đất.
Nội dung tấm bia với dòng chữ “Chợ Lớn châu thành – nhất quận hộ trưởng, hiển tổ tính Nguyễn tự Văn Xướng chi mộ”, tạm dịch: mộ ông (nội) Nguyễn Văn Xướng, Hộ trưởng (ở) châu thành Chợ Lớn.
Người lập mộ là cháu đích tôn tên Nguyễn Văn Hậu.
Về niên đại, bia dùng quốc hiệu “Đại Nam” và dòng lạc khoản ghi “tuế thứ Ất Tỵ niên đông nguyệt trung hoán” (lập mộ giữa tháng mười năm Ất Tỵ).
Thế kỷ 20 có hai năm Ất Tỵ là 1905 và 1965. Theo một số nhà nghiên cứu, căn cứ vào mức độ tróc lở và bào mòn của mặt đá bia, niên đại của ngôi mộ này muộn nhất cũng vào năm 1905.
Quốc hiệu Đại Nam nếu dùng vào năm 1965 có lẽ chưa phù hợp.
Tuy nhiên, vẫn còn khả năng niên đại ngôi mộ này xưa hơn, cụ thể năm Ất Tỵ ghi trên bia có thể là năm 1845 dương lịch; khi tên nước ta lúc ấy (do vua Minh Mạng đặt năm 1838) là Đại Nam.
Một số nhà nghiên cứu cho biết Hộ trưởng là một chức được dùng sau khi Pháp chiếm toàn bộ Nam kỳ (1867). Như vậy, nếu một người mất vào năm 1845 khó có thể là Hộ trưởng.
Và nếu niên đại Ất Tỵ là 1905, đến nay ngôi mộ đã 111 tuổi.
Phía Bưu điện Phú Thọ cho biết hiện đã dừng công trình sau khi phát hiện ngôi mộ, để chờ ý kiến của ngành Văn hóa.
Ông Phạm Thành Nam – Trưởng Phòng di sản, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM – cho biết vị trí bưu điện Phú Thọ có liên quan với khu vực đường Thành Thái, địa bàn này từng phát hiện một số mộ xưa. Ngành văn hóa sẽ nhờ chuyên gia giám định niên đại, đánh giá tính tiêu biểu và giá trị kiến trúc nghệ thuật của ngôi mộ vừa phát hiện ở Bưu điện Phú Thọ để xem xét kế hoạch bảo tồn. |
LAM ĐIỀN (TTO)
Bình luận (0)