Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thi trắc nghiệm lịch sử: Học “từ khóa” để nhớ nhanh

Tạp Chí Giáo Dục

“Đề thi trắc nghiệm lịch sử sẽ hỏi những điều hết sức cụ thể, mang thông tin rõ ràng. Do vậy, học sinh phải nắm, hiểu các điểm kiến thức, không nên học thuộc lòng một đoạn hay một câu nào đó trong sách. Đặc biệt, các em có thể học những “từ khóa” để nhớ nhanh”, ThS. Huỳnh Bá Lộc (giảng viên Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) đã lưu ý học sinh điều này.

Học sinh làm bài thi THPT quốc gia 2016 môn lịch sử tại Hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Theo ThS. Lộc, một câu hỏi tự luận hay tạo cơ hội để học sinh bộc lộ năng lực phân tích, diễn giải hoặc liên hệ các vấn đề lại với nhau. Còn câu hỏi trắc nghiệm hay có thể giúp nhận diện những học sinh thật sự hiểu bài, nắm chắc các khái niệm và sự kiện hay khả năng nhận biết những điều cơ bản trong một bài học lịch sử.

Không nên học thuộc một câu, đoạn…

Qua đề thi trắc nghiệm minh họa môn lịch sử mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, có thể thấy 40 câu không có điểm kiến thức nào là tập trung. Một điểm kiến thức quan trọng chiếm nhiều nhất khoảng 3 câu hỏi. Vì vậy, học sinh không được học tủ một số bài học được cho là quan trọng và… dễ ra. Một bộ đề trắc nghiệm sẽ bao quát đầy đủ các bài học và các điểm kiến thức trong chương trình, do đó cần học và đọc sách giáo khoa tất cả bài học.

Đặc biệt, đề thi trắc nghiệm sẽ hỏi những điều hết sức cụ thể, mang thông tin rõ ràng. Do vậy, khi học và ôn tập, học sinh phải nắm, hiểu các điểm kiến thức, không nên học thuộc lòng một đoạn hay một câu trong sách. Các em phải xác định được đoạn hay câu đó nói đến đối tượng nào (sự kiện gì, nhân vật nào, thời gian nào…). Ví dụ như câu hỏi số 9 trong đề thi minh họa: “Tờ báo nào dưới đây là của tiểu tư sản trí thức ở Việt Nam giai đoạn 1919-1925”? Có 4 phương án trả lời là: a. Người nhà quê, b. Tin tức, c. Tiền phong, d. Dân chúng.

Với câu hỏi này, nếu học sinh không nhớ tên các tờ báo và thời điểm xuất bản thì không thể trả lời.

“Khi làm bài trắc nghiệm lịch sử, các em không nên dừng lại quá lâu ở một câu hỏi. Theo đó, các em nên đọc từ trên xuống dưới, làm hết những câu có thể làm ngay, xong một lượt rồi mới trở lại những câu hỏi khó để tiết kiệm thời gian”, ThS. Huỳnh Bá Lộc nói.

Tóm lại, không phải học sinh không cần thuộc bài mà chỉ tránh học thuộc lòng từng câu từng chữ trong sách mà thôi. Còn sự kiện, tên nhân vật, mốc thời gian của các sự kiện chính… các em phải học thuộc và ghi nhớ.

Chú ý những “từ khóa”

ThS. Lộc phân tích thêm, khi học bài, học sinh cũng nên ghép chung các đối tượng lại với nhau theo cách lược hóa chúng. Ví dụ, các em có thể học những từ khóa (hay cụm từ) đi liền nhau như “Nguyễn Ái Quốc – 1930 – Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam – Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng” thay vì học thuộc lòng một đoạn trình bày về điểm kiến thức này. Tuy nhiên, các em phải đọc sách hoặc nghe giảng để hiểu mối quan hệ giữa các từ khóa đó. Khi học sinh nắm vững mối liên hệ giữa các sự kiện, thông tin thì việc học các từ khóa đi liền nhau sẽ dễ dàng. Do đó, việc dạy và học phải chú ý đến mối quan hệ giữa các sự kiện.

Với câu hỏi tự luận, học sinh nắm không đầy đủ kiến thức vẫn có thể viết đúng một điểm kiến thức nào đó. Nhưng câu hỏi trắc nghiệm, học sinh chỉ có thể chọn ra đáp án đúng hoặc chọn theo hướng may rủi (tỉ lệ chọn trúng theo hướng may rủi là rất thấp: 25%).

Về kỹ thuật làm bài, ThS. Lộc lưu ý, trong một số trường hợp, có thể học sinh không biết được ngay đáp án đúng. Khi đó, các em cần sử dụng phương pháp loại suy, tức bỏ dần các phương án sai. Muốn loại suy được các phương án sai, các em phải thực sự hiểu rõ nội dung câu hỏi và nội dung của từng đáp án. Ví dụ, ở câu hỏi số 39 trong đề thi minh họa: “Phong trào dân chủ 1936-1939 ở Việt Nam là một phong trào…”: A. có tính dân tộc, B. chỉ có tính dân chủ, C. không mang tính cách mạng, D. không mang tính dân tộc. Ở câu hỏi này, các em có thể loại ngay phương án C. Sau đó, khi xem xét nội dung của ba phương án còn lại ta thấy phương án B và D thực chất là một (nội dung giống nhau). Mà đáp án đúng chỉ có một nên không thể cả B và D đều đúng. Như vậy, chỉ còn có thể chọn phương án A. Ở một số câu hỏi khác, kỹ thuật loại suy này có thể được nhìn thấy dễ dàng hơn.

Việc hiểu câu hỏi và nội dung các phương án là điều căn bản, quan trọng nhưng học sinh thường hay quên. Để khắc phục điều này, các em nên chú ý đến các từ, cụm từ quan trọng; có thể gạch chân các từ, cụm từ này trong câu hỏi và các phương án.

Mê Tâm

Bình luận (0)