Đề thi môn Toán, Lý, Hóa đều khó
Theo hiệu trưởng một số trường THPT ở TPHCM, việc Bộ GD-ĐT công bố phương án thi và đề thi minh họa sớm đã phần nào giải tỏa tâm lý lo lắng cho giáo viên, học sinh khối lớp 12. Tuy hào hứng đón chờ bộ phổ đề minh họa nhưng nhiều hiệu trưởng, giáo viên nhận định đề thi môn Toán và tổ hợp khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) tương đối khó, độ phân hóa cao. Thầy Nguyễn Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết: “Đề mẫu môn Toán khó nên tôi và các giáo viên trong tổ Toán phải giải mất 100 phút mới xong. Có nhiều câu hỏi chi tiết đòi hỏi phải tính toán kỹ lưỡng mới làm đúng. Vì thế, với thời gian quy định là 90 phút, thí sinh dù có năng lực, học giỏi cũng không dễ hoàn thành bài thi”.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Gia Tự (TPHCM) chuẩn bị làm quen với phương án thi mới
Nhiều giáo viên Toán có tiếng ở TPHCM cũng nhận định đề thi môn Toán quá khó và thí sinh khó có thể kiếm được điểm cao nếu thời gian làm bài lẫn đề thi không được Bộ GD-ĐT xem xét điều chỉnh phù hợp hơn. Mặc dù kiến thức, nội dung đều nằm trong chương trình nhưng nhiều câu hỏi ở dạng lạ, đòi hỏi liên hệ thực tế hoặc là toán tích hợp kiến thức vật lý đã khiến giáo viên, học sinh bỡ ngỡ. Thầy Phương Thịnh, Tổ trưởng tổ Toán Trường THPT Nguyễn Du cho rằng, đề thi mẫu hay, bao quát chương trình lớp 12 và nó gắn với thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, học sinh có học lực trung bình, yếu sẽ không làm kịp giờ. Tương tự, nhiều giáo viên dạy Toán bi quan nhận định: “Với thời lượng làm bài, nội dung ra như đề mẫu thì nhiều thí sinh mới làm được khoảng 20 câu đã hết giờ…”.
Tuy vậy, thầy Nguyễn Xuân Thảo vẫn cho rằng, quyết định thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm là đúng vì độ chính xác cao, công bằng và học sinh không thể học tủ mà làm bài được.
Xung quanh đề thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên, nhiều giáo viên các môn Lý, Hóa, Sinh cũng nhận định nội dung đề thi quá dài so với thời lượng làm bài. Hơn nữa độ phân hóa cao đòi hỏi thí sinh phải tập trung cao độ để giải quyết yêu cầu, vận dụng kiến thức của ba môn một lúc. Từ thực tế học sinh còn bỡ ngỡ với môn thi tổ hợp, nhiều giáo viên các môn Lý, Hóa, Sinh kiến nghị Bộ GD-ĐT nên thẩm định, khảo sát thực tế để ra đề phù hợp với thời lượng làm bài thi.
Tăng thực hành ở các môn khoa học xã hội
Khác với âu lo về đề thi môn Toán và bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, đề thi mẫu môn khoa học xã hội lại tạo tâm lý phấn khởi cho cả thầy và trò. Theo một số giáo viên dạy Sử, đề thi môn Sử vừa sức; hình thức, câu hỏi phong phú, đa dạng, trong đó có cả câu hỏi về hình ảnh. Đề thi ra theo hướng mở, không yêu cầu thí sinh phải nhớ những số liệu về thời gian, địa điểm… như trước đây mà chỉ kiểm tra kiến thức, sự hiểu biết về lịch sử của người học. Riêng môn Văn, nhiều giáo viên tỏ ra băn khoăn vì thời gian làm bài rút ngắn còn 120 phút (thay vì 180 phút như trước đây) sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Hơn nữa, cách phân bố điểm trong đề thi môn văn lại thay đổi, trong đó câu hỏi về nghị luận xã hội chỉ còn 2 điểm (những năm trước là 3 điểm). Một khi đề thi giảm điểm thì sự quan tâm về nghị luận xã hội cũng giảm theo. Nhiều giáo viên dạy Văn tỏ ra băn khoăn vì đề thi mẫu yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn 200 chữ để giải quyết vấn đề nghị luận xã hội là chuyện quá khó đối với thí sinh. Làm sao các em có thể thể hiện cảm xúc, ý tưởng trong một đoạn văn ngắn ngủi như thế?
Đối với môn thi mới là Giáo dục công dân, một số giáo viên cũng cho là đề mẫu hơi khó, yêu cầu liên hệ thực tế, giải quyết tình huống nhiều hơn được học. Theo cô Vũ Thùy Anh, giáo viên dạy môn này ở Trường THPT Nguyễn Du, đề thi đưa ra nhiều tình huống khó trong cuộc sống khiến giáo viên cũng phải suy nghĩ kỹ mới làm. Vì thế, từ đề thi minh họa, các trường đều phải thay đổi cách dạy và học môn Giáo dục công dân theo hướng tăng thực hành, lồng ghép chương trình tích hợp, giúp học sinh liên hệ thực tế, giải quyết tốt các tình huống đặt ra trong cuộc sống.
Theo quan điểm của các hiệu trưởng, “thi sao thì sẽ dạy và học như thế” và để đáp ứng yêu cầu đổi mới thi cử, nhiều trường đã “họp tác chiến”, bàn kế hoạch dạy, ôn luyện và ra đề kiểm tra theo hướng trắc nghiệm. Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, ngay hôm qua 6-10, các tổ chuyên môn đã họp bàn và lên kế hoạch giảng dạy, ôn luyện cho học sinh theo mẫu đề minh họa để các em làm quen với đề thi trắc nghiệm. Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng việc dạy tích hợp, liên môn; tăng thực hành, ứng dụng thực tế để học sinh biết vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, xử lý tốt các tình huống đặt ra…Thầy Nguyễn Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Khuyến cho biết: “Ngay kỳ kiểm tra giữa học kỳ 1, nhà trường sẽ cho học sinh lớp 12 làm bài trắc nghiệm với tỷ lệ 50% và hết học kỳ 1 là 100%”. Tương tự, Trường THPT Ngô Gia Tự cũng trấn an học sinh và bắt đầu cho các em làm quen với hình thức trắc nghiệm môn mới là Toán, Giáo dục công dân.
Do năm đầu học sinh làm quen với phương án thi mới, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT lắng nghe phản hồi từ học sinh, giáo viên để điều chỉnh thời gian thi phù hợp với cách ra đề thi trắc nghiệm, theo tổ hợp môn.
Khánh Bình (SGGP)
Bình luận (0)