Quy định làm việc 6 tiếng/ngày nhưng giáo viên mầm non làm suốt 10 tiếng mỗi ngày để chăm sóc trẻ. Thực tế, hằng năm, mỗi giáo viên có hơn 500 giờ dạy không được hưởng lương.
Luôn chân, luôn tay
Để 6 giờ 30 có mặt tại trường, ngày nào cũng như ngày nào, cô giáo mầm non T.T.T.Q, nhà ở Q.8, TP.HCM phải dậy từ 5 giờ 30 chuẩn bị mọi việc cho bản thân và gia đình để hơn 6 giờ xuất phát đến trường ở Q.5. Ngay khi con gái được 4 tháng, bất kể trời mưa, gió, sáng sớm đi làm, cô T.Q lại địu con đi cùng để gửi nhóm trẻ gia đình trên đường đi.
Vừa đến trường là chuẩn bị bàn ghế, đồ dùng cho giờ ăn sáng, quay ra đón trẻ, hướng dẫn tập thể dục, cho trẻ ăn sáng… Sau các hoạt động học tập, vui chơi buổi sáng, đến khoảng 10 giờ 30, cô T.Q cùng đồng nghiệp cho trẻ ăn trưa.
Vào giờ ngủ trưa, giáo viên (GV) phải tập trung quan sát từng học sinh bởi đây là thời gian trẻ dễ xuất hiện biến chứng sau ăn, tâm lý tủi thân, quấy khóc… Hầu hết trẻ không chịu nằm yên nên GV phải mất khá nhiều thời gian mới dỗ được các bé vào giấc ngủ.
Lúc này, các GV mới có thể thay phiên nhau rời lớp đi ăn trưa. Việc chăm sóc trẻ trong buổi chiều lặp lại tương tự buổi sáng cho đến giờ trả trẻ.
Một GV của Trường mầm non Vàng Anh (Q.5) kể: “Nhà trường quy định thời gian tan học là 16 giờ đến 16 giờ 30 nhưng đâu phải gia đình nào cũng có thể đến đón con em vào giờ đó nên chúng tôi phải giữ trẻ cho đến khi có người thân đến đón.
Trẻ về hết rồi nhưng vẫn cần ít nhất 30 phút để dọn dẹp, chuẩn bị trước một số đồ dùng cho ngày mai, tránh cập rập. Mặc dù tôi cũng phải đi đón con ở trường tiểu học lúc 16 giờ 30 nhưng cũng đành để con chơi trong sân trường. Đến 17 giờ mới ra khỏi trường để đi đón con”.
Đó là một ngày làm việc của GV mầm non và chỉ tính từ thời điểm đón trẻ buổi sáng lúc 7 giờ đến khi trả trẻ là 10 tiếng. “Chứ nếu tính thực tế thời gian đầu và cuối ngày làm việc có khi kéo dài gần 11 tiếng”, thành viên Ban giám hiệu Trường mầm non Vàng Anh khẳng định. “Lớp học đông, cũng có những ngày nhiều trẻ bệnh, mệt, quấy khóc, GV rất vất vả, không tránh khỏi có tâm lý căng thẳng. Những lúc như thế nếu không có lòng với nghề, rất dễ nóng nảy”, cô T.Q chia sẻ thêm.
500 giờ dạy miễn phí
Mỗi ngày làm việc 10 tiếng, tính ra 1 tuần GV mầm non có 50 giờ lên lớp, 1 năm học với 35 tuần thực dạy thì số giờ lên lớp tổng cộng 1.750 giờ. Nếu tính cả 7 tuần bồi dưỡng công tác chuyên môn, GV mầm non phải có mặt ở trường 2.000 giờ. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT quy định GV bậc học này dạy 2 buổi/ngày với định mức 1.050 giờ dạy/năm (mỗi ngày dạy 6 giờ) và số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương theo quy định không quá 200 giờ dạy/năm. Như vậy so với giờ dạy thực tế, hằng năm, mỗi GV có hơn 500 giờ dạy không được hưởng lương.
Không những thế, mức chi trả cho 200 giờ vượt quy định cũng đang khiến GV chạnh lòng. Mỗi giờ dạy chia trung bình theo mức lương hệ số thì mỗi GV nhận không đến 20.000 đồng/giờ. GV mới vào nghề thì được khoảng 12.000 đồng/giờ. Với 200 giờ quy định, 1 năm học, GV có thâm niên cao nhất nhận chưa đến 4 triệu đồng. Bà Chung Bích Phượng, nguyên Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết: “GV mầm non đang trong tình thế bị vắt kiệt sức, thu nhập không bao nhiêu, nếu không yêu nghề thì khó lòng trụ vững”.
Dạy vượt quy định gấp 3 lần, mức hỗ trợ chưa tương xứng thế nhưng ngày 16.3.2015, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 06 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Trong đó nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ không có nhân viên nuôi dưỡng nên các trường ngừng tuyển bảo mẫu. “Bao nhiêu việc dồn hết vào GV, vừa chăm, vừa dạy, vừa dọn vệ sinh”, bà Nguyễn Thị Thanh, Tổ mầm non Phòng Giáo dục Q.12 cho hay.
Phụ huynh Trần Ngọc Thu (Q.12, TP.HCM) chia sẻ: “Chỗ tôi gửi con học mẫu giáo, vào lớp tôi thấy cô giáo phải lau sàn, lau bàn ghế, lấy đồ ăn cho mấy bé, chiều phải chà nhà vệ sinh. Tôi thấy nhiệm vụ của GV là dạy chứ sao phải làm việc này. Trước đây, tôi nghĩ làm công nhân như chúng tôi là khổ nhất nhưng giờ tôi thấy làm cô giữ trẻ còn cực hơn!”.
Bích Thanh (TNO)
Bình luận (0)