Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

UAE phát động năm 2016 là năm đọc sách

Tạp Chí Giáo Dục

Giới chức giáo dục ở Dubai nhất trí rằng đọc sách sẽ giúp trẻ em phát triển toàn diện hơn bất cứ một hoạt động khác nào trong lớp học

UAE phát động năm 2016 là năm đọc sách
Các học sinh Trường Uptown School ở Mirdiff, Dubai đang say sưa đọc sách Ảnh: Khaleejitimes

Sau công bố phát động chọn năm 2016 là năm đọc sách của Phó tổng thống kiêm Thủ tướng Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Mohammed bin Rashid Al Maktoum, tại quốc gia này đã nở rộ hàng loạt sáng kiến, chương trình giúp xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ.

Theo Khaleejitimes, về những kế hoạch lớn của chương trình này, các quan chức thuộc Cơ quan Phát triển kiến thức và nhân lực (KHDA) ở Dubai cho biết chương trình sẽ bao gồm việc tổ chức những chuyến tham quan đọc sách ở các thư viện công cộng, phát triển hệ thống thư viện trong trường học, tổ chức nhiều hơn các cuộc thi viết và đọc sách…

Chỉ tính riêng ở thư viện Trường Uptown tại Mirdiff, Dubai đã có 40.000 cuốn sách.

Giám đốc điều hành Fatma Al Marri của Cơ quan Quản lý các trường học ở Dubai cho biết: “KHDA sẽ phối hợp chặt chẽ với các trường ở Dubai nhằm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Sáng kiến Living Arabic sẽ giúp các nhà giáo dục tận dụng lợi thế công nghệ để triển khai các chương trình đọc sách”.

Giới chức giáo dục ở Dubai nhất trí rằng đọc sách sẽ giúp trẻ em phát triển toàn diện hơn bất cứ một hoạt động khác nào trong lớp học, giúp trẻ mở mang nhận thức xã hội, có khả năng biểu đạt quan điểm hiệu quả và biết đồng cảm hơn với người khác.

Để khuyến khích trẻ đọc sách, trang Khaleejitimes chia sẻ những “bí kíp” đơn giản như sau:

– Hãy làm mẫu cho trẻ: nếu muốn trẻ xem việc đọc sách là thú vị, bản thân người lớn phải tìm ra được khoảng thời gian ngắn mỗi ngày ngồi xuống và đọc sách.

– Dành thời gian cho việc đọc: trẻ em thích bắt chước. Nếu bạn dành thời gian rời xa điện thoại, máy tính bảng và cầm lấy sách, trẻ sẽ thấy ngay điều đó và muốn làm theo bạn.

– “Quyền lực” của anh chị lớn: điều này đặc biệt hiệu quả. Nếu anh/chị của trẻ thích đọc sách, đó sẽ là tấm gương tuyệt vời để 
trẻ noi theo.

– Có thể bắt đầu bằng tiểu thuyết đồ họa. Nhìn chung tiểu thuyết đồ họa hay truyện tranh không được khuyến khích trong giáo dục. Nhưng có thể dùng tiểu thuyết đồ họa như một công cụ hiệu quả để khuyến khích những độc giả miễn cưỡng đọc bắt đầu rèn thói quen tìm tới sách.

 

D.KIM THOA (TTO)

 

Bình luận (0)