Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chốn thiêng mùa lễ hội

Tạp Chí Giáo Dục

Một sòng bầu cua ngay trong khuôn viên chùa Thiên Ấn

Kỳ 1: Cái bang, tệ nạn lộng hành

Để qua mặt cơ quan chức năng, cái bang vào vai khách thập phương, nhà sư khất thực, người mua bán lương thiện, thậm chí cải trang thành bệnh nhân.

Đến hẹn lại lên, cái bang xuất hiện tại các chùa lớn, nhỏ khiến an ninh những nơi này trở nên bát nháo. Theo công an địa phương, ngoài cái bang hoạt động từ nhiều năm trước, nay xuất hiện thêm nhiều băng nhóm đội lốt khách thập phương đến chùa dâng hương để “săn mồi”. Mỗi băng nhóm có từ 5-7 người, chia nhau ở các vị trí, khi phát hiện “mồi”, chúng mật hiệu cho nhau và hành động. Nhiều khách thập phương phải khốn đốn vì mất cả tiền, giấy tờ tùy thân vì những chiêu trò mà khó ai có thể ngờ được.

Diễn viên… cái bang

Đêm mùng 10 Tết (tức 17-2 năm Bính Thân), tại chùa Châu Đốc 2 (huyện Nhà Bè, TP.HCM), bên trong cũng như ngoài khuôn viên chùa, hàng ngàn khách thập phương chen lấn để được vào chánh điện thắp hương. Lẫn trong dòng người đi chùa cầu an, mong điều phúc là đội quân móc túi, giật đồ cải trang thành những doanh nhân thành đạt, công chức… “Họ cải trang thành khách thập phương, doanh nhân ăn mặc sang trọng để dễ bề trà trộn vào bên trong chờ thời cơ hành động”, ông Nguyễn Văn Phúc, một phật tử của chùa này lên tiếng. Nghe ông Phúc nói, một thanh niên cao to, khá đẹp trai mặc chiếc áo thun, mang giày Adidas liếc ông Phúc một cái thật dài và sắc lẹm. Tên này vừa lẫn vào dòng người, ông Phúc bỏ nhỏ vào tai tôi: “Con nghiện đấy, ngày thường nó lảng vảng ở đây xin tiền của khách đi chùa để… phê. Băng của nó có cả chục đứa, gái trai có đủ”.

Tại cửa vào chánh điện chùa Phước Hải (Điện Ngọc Hoàng), TP.HCM luôn có bảo vệ đề phòng cái bang trà trộn
Cái bang cải trang ngồi đợi khách tại Lăng Ông Bà Chiểu

Những ngày trước và sau Tết được xem là “mùa làm ăn” của cái bang. Tại TP.HCM, từ các chùa lớn nhỏ ở nội, ngoại thành đều có mặt của đội quân cái bang với lực lượng hùng hậu. Tại các chùa Ấn Độ, Giác Lâm, Xá Lợi, Nam thiên nhất trụ (chùa Một Cột, Q.Thủ Đức)… đâu đâu cũng có bóng dáng cái bang. Đội quân này vào đủ các vai, từ vai bệnh nhân bệnh nặng nằm vất vưởng ngoài đường với túi nước tiểu kè kè bên người đến những doanh nhân, trí thức vai đeo túi Gucci, Versace, tay cầm iPhone 6… Theo những người làm công quả tại các chùa, những cái bang này hầu hết là những kẻ biếng nhác lao động, thường lộ diện vào ngày rằm và đầu tháng.

Từ sáng sớm đến chiều tối, bên ngoài chùa này cái bang đã nằm, ngồi la liệt chờ… khách. Ai cũng ra vẻ mệt mỏi, yếu ớt, nói lí nhí nghe khổ sở và bi thương lắm nhưng khi có khách móc ví ra là chạy như bay đến vây lấy người cho tiền và chửi nhau có vần vè. Hình ảnh này còn xuất hiện ngay các điểm giữ xe bên ngoài. 20 giờ 30, chiếc xe hơi màu đen bóng loáng vừa trờ tới, một cái bang mặt đang “diễn” cảnh đau khổ liền tươi tỉnh hẳn lên, chạy đến mở cửa xe và chìa tay xin tiền một khách nữ vừa bước xuống xe. Người phụ nữ đi thẳng vào trong chùa thì liền bị tên này quất: “M., giàu mà kẹo kéo”.

Ở các lối ra vào chùa, cái bang trong vai người tàn tật, bị tai nạn giao thông hoặc bệnh nhân không có tiền điều trị… nằm ngồi la liệt trông rất nhếch nhác. Nhìn bộ dạng của người đàn ông trung niên chìa nón với đôi tay run lẩy bẩy vì đói, ai cũng động lòng thương, thế nhưng khi đoàn khách mất hút, ông ta lộ nguyên hình là một người khỏe mạnh, cường tráng. Chị Nguyễn Thị Hạnh, khách đi chùa Việt Nam Quốc Tự (Q.10) kể: Thấy mặt mệt mỏi, bơ phờ, tay chìa chiếc nón ra, không nói nổi mà đầu chỉ gật gật nhẹ… nghĩ chắc là đói lắm, mình lì xì mỗi người 10.000 đồng nhưng vừa đi vài bước lại nghe tiếng ai đó: “Tưởng nhiều nhưng có 10.000 đồng, mới sáng đã gặp xui xẻo”.

Giành đất làm ăn

Cảnh tượng cãi vã, ẩu đả nhau giữa cái bang với nhau thường xuyên xảy ra. Ông Phúc cho biết: “Lớn tiếng là còn hiền, tụi nó còn kéo băng nhóm đến đây xử nhau nữa là khác”. Anh Nguyễn Văn Huỳnh, Công an viên xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè thừa nhận có chuyện chém nhau đến đổ máu do cái bang tranh giành “địa bàn” làm ăn.

Ngoài cái bang là “thổ địa”, những ngày này còn xuất hiện nhiều nhóm cái bang lạ mặt nhưng liều lĩnh và lì lợm cũng sớm có tên trong “sổ đen”. Trước tình hình này, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức tuyên truyền người dân địa phương và khách thập phương luôn đề cao cảnh giác, mạnh dạn tố giác tội phạm, góp phần đem lại bình yên cuộc sống. Tuy nhiên, với sự liều lĩnh và hoạt động tinh vi, khách thập phương dù đã cảnh giác cao độ nhưng không khỏi mắc bẫy. Theo hồ sơ do địa phương cung cấp, nổi tiếng ở khu Nam Sài Gòn, gồm chùa Châu Đốc 2, chùa Lá… là nhóm cái bang của Sĩ “què”. Sĩ “què” từng sộ khám vì tội cướp giật, mua bán ma túy. Ra khám, Sĩ “què” lập đường dây bảo kê nhà hàng, karaoke. Hoạt động một thời gian, do mâu thuẫn trong làm ăn, Sĩ “què” bị loại khỏi cuộc chiến. Hết thời, Sĩ “què” cùng một số đàn em thân tín lui tới các chùa thu tiền của người ăn xin mỗi người từ 30.000-50.000 đồng/ ngày. Nhắc đến Sĩ “què”, không ít người sống quanh khu vực đình, chùa ở Q.4, Q.7, huyện Nhà Bè và Bình Chánh đều nổi da gà vì bản tính ít nói mà chỉ hành động bằng… hàng nóng. Mặc dù đã rửa tay gác kiếm nhưng tên tuổi của Sĩ “què” vẫn còn trong giới giang hồ và vẫn còn là nỗi khiếp sợ trong giới cái bang. Trước Tết Nguyên đán Bính Thân, đàn em của Sĩ “què” cũng đã “dằn mặt” những nhóm khác bằng hai nhát dao trên vai một cái bang cải trang người bán vé số.

Công an huyện Nhà Bè cho biết, để đảm bảo an toàn trật tự, vui xuân, công an địa phương phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác để tuần tra, mật phục những đối tượng xin đểu, cướp giật, lừa đảo khách thập phương. Hầu hết những đối tượng này đều đã có tiền án tiền sự của địa phương.

Chùa Thiên Ấn: Tệ nạn bủa vây

Những ngày này, du khách đến viếng chùa Thiên Ấn (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) tăng cao so với ngày thường. Điều đáng nói là lượng khách đông đảo đã kéo theo tệ nạn cờ bạc.

Cách TP.Quảng Ngãi 3,5km về hướng Đông, thuộc thị trấn Sơn Tịnh, chùa Thiên Ấn thường được người xưa xem là “đệ nhất thắng cảnh” của Quảng Ngãi. Con đường đi lên chùa, men theo sườn núi phía Nam làm nao lòng nhiều du khách bởi vẻ đẹp sương khói, bình yên đến lạ. Chùa Thiên Ấn được khởi công xây dựng vào năm 1694 và hoàn thành vào cuối năm 1695 (năm Chính Hòa thứ 15, đời chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong). Tổ khai sinh chùa là thiền sư Pháp Hóa (1670-1754), tục danh Lê Diệt, hiệu Minh Hải Phật Bảo, gốc người tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, thuộc dòng thiền Lâm Tế. Xét về mặt kiến trúc, chùa Thiên Ấn không có những nét nổi bật so với nhiều ngôi chùa khác trên cả nước. Tuy nhiên, chùa tọa lạc ở đỉnh đồi Thiên Ấn – một thế đất linh thiêng trong tâm tưởng của người dân Quảng Ngãi. Chính điều này đã làm nên một nét đặc trưng rất riêng của chùa Thiên Ấn không thể lẫn với bất kỳ ngôi chùa nào khác. Những giai thoại về giếng Phật, chuông Trần ở chùa Thiên Ấn cũng đi vào lòng biết bao thế hệ người Quảng Ngãi, thể hiện sự gắn bó bền chặt trong tâm linh, tình cảm của người dân đất Quảng đối với ngôi chùa nổi tiếng có lịch sử lâu đời này.

Nhiều du khách vây quanh sòng bầu cua

Nằm trong quần thể chùa Thiên Ấn còn có ngôi mộ của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947). Năm 1990, núi Thiên Ấn, mộ cụ Huỳnh đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích và thắng cảnh quốc gia. Trong những dịp lễ lớn, đặc biệt là Tết, lượng khách đến viếng chùa Thiên Ấn và mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng có thể lên đến hàng vạn. Không khí thoáng đãng, trong lành ở nơi đây làm du khách thấy lòng mình thư thái, nhẹ nhàng. Thế nhưng, những năm gần đây, vào dịp Tết, sự bình yên, tĩnh lặng vốn có của chùa Thiên Ấn đã bị phá vỡ bởi tệ nạn cờ bạc.

Thông thường, vào dịp Tết, lượng khách đến viếng chùa tăng mạnh khoảng từ ngày 23 tháng chạp đến 17 tháng giêng. Theo đó, những tụ điểm chơi bầu cua ăn tiền cũng hoạt động, phớt lờ lệnh cấm. Hầu hết, tệ nạn này dường như chỉ chờ một thoáng lơ là của các cơ quan chức năng là lại… hoạt động như thường. Khi một nam du khách vừa bước vào cửa cổng chùa, tức thì một thanh niên chạy lại chèo kéo, kèm lời nói “chơi bầu cua lấy hên đầu năm đi anh!”. Bị từ chối, thanh niên đó quay ngoắt với thái độ cáu gắt, buông những lời thô tục. Ít ai ngờ rằng hơn 10 tụ điểm bầu cua vẫn ngang nhiên hoạt động giữa chốn cửa Phật này. Anh Trần Văn Tiến (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cho biết: “Ngày Tết, tôi dẫn gia đình đến chùa Thiên Ấn để cầu bình an cho một năm mới. Vừa bước chân vào cổng chùa, tôi ngạc nhiên hết sức khi thấy tình trạng chơi bầu cua ngay trong khuôn viên của chùa. Nhiều chủ sòng còn lôi kéo du khách, nói những lời khiếm nhã”. Chia sẻ của anh Tiến cũng là sự khó chịu của nhiều du khách chứng kiến những sòng cờ bạc ngay tại sân chùa. Vòng quanh một vòng khuôn viên chùa, du khách còn bất bình trước việc bày bán gạc nai, chả cá viên chiên… Là người đã có nhiều năm gắn bó với chùa Thiên Ấn, sư thầy Hạnh Minh cho biết: “Chúng tôi cũng rất bức xúc trước tình trạng các sòng bầu cua ngang nhiên hoạt động, việc buôn bán trong khuôn viên chùa những ngày Tết. Đã có lệnh cấm nhưng họ vẫn phớt lờ. Khi thấy bóng dáng cơ quan chức năng thì họ ngừng hoạt động nhưng sau đó lại tiếp tục”.

Theo phong tục của người Việt, vào ngày đầu năm mới, đông đảo người dân thường đi chùa lễ Phật cầu cho một năm mới an khang, thịnh vượng. Cửa chùa là nơi tôn nghiêm để cầu nguyện, tịnh tâm. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để những tụ điểm bầu cua không còn hoạt động ở những chốn linh thiêng như chùa Thiên Ấn.

Bài, ảnh: Trần Anh – Yên Hà

Bình luận (0)