Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

U80 vẫn say mê cống hiến

Tạp Chí Giáo Dục

Lẽ thường, nghỉ hưu là để dưỡng già nhưng đối với nhà giáo Lê Minh Ngọc và chồng là Anh hùng Lao động TS. Ngô Thường San về hưu là để có thêm cơ hội cống hiến và tham gia các hoạt động xã hội khác. Cũng từ đó mái ấm hạnh phúc gia đình càng thêm viên mãn.

3 thế hệ gia đình nhà giáo Lê Minh Ngọc – TS. Ngô Thường San (ảnh nhân vật cung cấp)

Vui thú hoạt động

Mặc dù cả hai đã nghỉ hưu nhưng khi đến nhà mọi người rất ít gặp cảnh ông bà ngồi cùng với con cháu hay hưởng thụ những cuộc vui của bạn hữu, người thân bởi vì lúc nào đôi vợ chồng già cũng bận rộn với công việc bên ngoài xã hội. Có khi đến nhà gặp bà đang cơm nước sau bếp hay chăm sóc cho cây thì lúc đó ông lại lên lớp đi dạy các bộ môn dầu khí cho sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Lại có lúc ông ở nhà hưởng chút nhàn thì bà phải lên văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM để bàn về công tác cho Hội Khuyến học TP.HCM. Thời gian đối với họ lúc nào cũng quý như vàng tưởng như không có gì đổi chác được. Cũng giống như trước đây công việc luôn là niềm vui, là lẽ sống mà ông bà rất khó từ chối ngay cả khi tuổi tác và sức khỏe đã cho phép được nghỉ ngơi.

Anh hùng Lao động TS. Ngô Thường San vốn là nhân vật nổi tiếng trong ngành dầu khí toàn quốc khi còn đương chức. Cả cuộc đời ông kể từ khi tập kết ra Bắc cho đến ngày trở về quê hương luôn gắn bó song hành với những bước đi thăng trầm của ngành dầu mỏ. Ông là một trong những nhân chứng lịch sử đã chứng kiến những ngày tháng thời bao cấp chật vật thiếu thốn về năng lượng và cả những giây phút thăng hoa, hạnh phúc khi đất nước khai thác những dòng dầu đầu tiên ở Bạch Hổ. Từng là Tổng Giám đốc Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, TS. Ngô Thường San là một trong những nhà quản lý giỏi tìm cách tháo gỡ khó khăn để đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia trong thời kỳ đổi mới. Ước mơ trong 1 năm Việt Nam phải khai thác được 1 triệu tấn dầu đã trở thành hiện thực với những đóng góp của các nhà khoa học, kỹ sư dầu khí tâm huyết trong đó có “người thuyền trưởng” Ngô Thường San.

Trước khi nghỉ hưu ông bà cứ nghĩ là sẽ không làm gì nữa thế nhưng hạnh phúc gia đình đã có nền móng vững chắc nên đôi vợ chồng già vẫn chưa chịu nghỉ dưỡng. Có lẽ đó là một trong những lý do đầu tiên để ông bà vẫn hăng say với công việc dù tóc đã ngả màu sương lúc ở độ tuổi U80.  

Sát cánh cùng chồng, bà Lê Minh Ngọc cũng là nhà quản lý năng động và có rất nhiều sáng kiến cống hiến cho ngành GD-ĐT TP.HCM trong những năm mới giải phóng. Dù ở cương vị Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non hay Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM bà luôn làm việc hết mình bằng tinh thần cống hiến và tâm huyết của một nhà giáo. Đáng quý hơn sau khi nghỉ hưu bà là một trong những thành viên đầu tiên vận động TP.HCM thành lập Hội Khuyến học để nâng bước những đứa trẻ nghèo có số phận kém may mắn trên con đường tìm kiếm chữ nghĩa. Theo bà hạnh phúc của những học sinh sinh viên nghèo khi nhận được sự giúp đỡ của các ân nhân cũng chính là niềm hạnh phúc mà bà và những thành viên trong Hội Khuyến học TP.HCM mong đợi.

Bài học nên người từ mẹ cha

TS. Ngô Thường San vẫn không quên những tháng ngày cách trở : “Năm 1964 xây dựng gia đình xong, tôi lại đi công tác thường xuyên nên mọi việc trong nhà do bà cáng đáng hết. Đến năm 1975 vợ chồng vào tiếp quản Sài Gòn trước nên đành gửi hai cháu ở lại”.

Sau khi bà đưa hai cô con gái vào chưa được 1 năm, ông lại được “biệt phái” xuống đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo tiếp tục hành trình khoan tìm tài nguyên dưới đáy biển. Tưởng như vậy đã xa rồi ai ngờ sau khi nhận nhiệm vụ mới ông lại quay ngược ra Bắc công tác tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xa vợ con ròng rã 5 năm liền. Có lẽ những thiệt thòi của các cặp vợ chồng thời gian khổ ông bà đều nếm trải hết. Thế nhưng, đây cũng là thử thách cho nhà giáo Lê Minh Ngọc dù xa chồng nhưng vẫn giỏi việc nước và đảm việc nhà. Với một người phụ nữ nhanh nhẹn tháo vát như bà, trong hoàn cảnh nào nhà giáo Lê Minh Ngọc cũng biết thay chồng nuôi con chăm ngoan học giỏi. Là sinh viên của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, hai cô con gái sau khi ra trường đều nối nghiệp ba về công tác trong các công ty đầu não của ngành dầu khí Việt Nam. Không chỉ thầy cô, bạn bè ở ngoài trường học mà ba mẹ trong nhà cũng đã trở thành hai tấm gương mẫu mực để cho hai cô “công chúa” noi theo. Bài học mà ba mẹ dạy cho hai chị em là dù làm gì ở môi trường nào cũng phải giữ được chữ tín đặc biệt là người phải có tâm có đức.

Hương Thủy

Bình luận (0)