Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một văn bản học 2 lần?

Tạp Chí Giáo Dục

Phải thấy rằng chương trình sách giáo khoa (SGK) hiện nay gần như đã bị “lạc hậu”, nhiều nhất là các bộ môn khoa học xã hội, kể cả môn giáo dục công dân.

Ảnh minh họa của bài tập đọc Thái sư Trần Thủ Độ trong chương trình lớp 5

Ngoài một số nội dung chương trình xưa cũ là những số liệu không phù hợp với sự đổi mới của thời đại, thiếu cập nhật với cuộc sống hiện tại. Do không được thay đổi nên thầy trò vẫn dạy và học với “những điều cũ mòn”. Ở bài viết này, tôi xin nói tới một vấn đề rằng, nên chăng dạy lại văn bản lần thứ 2 trong chương trình SGK ở các bậc học?

Thứ nhất, ở bậc tiểu học, học sinh lớp 5 đã được học văn bản Thái sư Trần Thủ Độ, thế nhưng văn bản này lại được học lại ở bậc THPT (Ngữ văn lớp 10). Đây là nội dung mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc bởi văn bản cho thấy Thái sư Trần Thủ Độ không những là người có công rất lớn trong việc phò trợ nhà Trần mà còn là con người hết lòng trung thành, tận tụy, đem tài năng và mưu trí của mình để giúp đất nước. Một điều đặc biệt mà con người mọi thời đại, nhất là thế hệ trẻ (học sinh) hôm nay có thể học tập ở ông đó chính là sự công chính, nghiêm minh và liêm khiết. Theo ý kiến nhiều giáo viên, với nội dung của văn bản, chương trình áp dụng ở bậc THPT sẽ phù hợp hơn bậc tiểu học, và không phải học lại lần 2. Tuy nhiên, hai văn bản có chỗ dịch khác nhau và sắp xếp các tình huống thứ tự cũng khác nhau.

Cũng là sách đổi mới tên gọi nhưng sách Ngữ văn 8 gọi là Bình Ngô đại cáo (theo nguyên bản chữ Hán, còn Ngữ văn 10 lại gọi Đại cáo bình Ngô (theo bản dịch chữ Quốc ngữ). Chưa hết, trong sách lớp 10 cũng gọi lộn xộn, lúc thì Đại cáo bình Ngô, lúc lại Bình Ngô đại cáo hoặc Cáo bình Ngô.

Thứ hai, ở bậc THCS, học sinh lớp 8 có học đoạn trích Nước Đại Việt ta (nhan đề đoạn trích do người biên soạn SGK đặt) trích tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Bài cáo gồm bốn phần: Nêu luận đề chính nghĩa (phần 1), vạch rõ tội ác kẻ thù (phần 2), kể lại quá trình chinh phạt gian khổ và tất thắng của cuộc khởi nghĩa (phần 3), tuyên bố chiến quả, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa (phần 4). Đoạn trích thuộc phần đầu của tác phẩm. Và đoạn trích này giúp học sinh nắm được “lập luận chặt chẽ và chứng cứ hùng hồn, đoạn trích Nước Đại Việt ta có ý nghĩa như bản tuyên ngôn độc lập: Nước ta là đất nước có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, phong tục riêng, có chủ quyền, có truyền thống lịch sử; kẻ xâm lược là phản nhân nghĩa, nhất định thất bại” (ghi nhớ trang 69, sách Ngữ văn 8, NXB Giáo dục Việt Nam). Thế nhưng ở bậc THPT, học sinh lớp 10 lại học toàn bộ tác phẩm. Một lần nữa các em học lại đoạn trích này (Lòng yêu nước thương dân của Nguyễn Trãi thể hiện ở tư tưởng nhân nghĩa, nó được nêu cao như một lí tưởng: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Tư tưởng nhân nghĩa này đã trở thành cảm hứng chủ đạo của tác phẩm và cốt lõi của lòng yêu nước – lấy dân làm gốc). Theo tôi, chương trình lớp 10 học toàn bộ tác phẩm thì không nên học đoạn trích này ở lớp 8 vì các em đã biết trước đó. Học toàn bộ tác phẩm này trong chương trình lớp 10 sẽ tốt hơn và không phải học lại. Như vậy, học sinh sẽ được học trọn vẹn áng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc ta. Bên cạnh đó, cũng là sách đổi mới tên gọi nhưng sách Ngữ văn 8 gọi là Bình Ngô đại cáo (theo nguyên bản chữ Hán, còn Ngữ văn 10 lại gọi Đại cáo bình Ngô (theo bản dịch chữ Quốc ngữ). Chưa hết, trong sách lớp 10 cũng gọi lộn xộn, lúc thì Đại cáo bình Ngô, lúc lại Bình Ngô đại cáo hoặc Cáo bình Ngô. Rõ ràng không thể mỗi sách, mỗi bậc học lại có tên gọi khác nhau mà dù là ở bậc nào, hay sách nào cũng cần phải thống nhất tên gọi (kể cả việc thay đổi tên từ Bình Ngô đại cáo thành Đại cáo bình Ngô cũng chẳng có ý nghĩa gì, chỉ khác là đảo vị trí của từ). Theo tôi, đã dịch nghĩa sang tiếng Việt và không còn là bản dịch bằng chữ Hán nữa thì nên gọi là Cáo bình Ngô sẽ phù hợp với toàn văn bản hơn. 

Mong rằng, khi đổi mới chương trình SGK, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc để tránh trường hợp lặp lại nội dung chương trình.

Thái Việt Hùng

Bình luận (0)