“Chất lượng khám chữa bệnh và các dịch vụ phục vụ người bệnh từng bước được nâng cao, ngành y tế TP đang cố gắng làm hài lòng người bệnh…”. Ông Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã khẳng định như vậy tại Hội nghị tổng kết ngành y tế năm 2015 được tổ chức cuối tuần qua.
Thời gian người bệnh chờ khám đã được kéo giảm đáng kể |
Từng bước đẩy lùi quá tải
Hình ảnh 2-3 bệnh nhân người lớn, 4-5 bệnh nhi nằm 1 giường; hay người bệnh phải lăn lóc nơi gầm giường, xó phòng, gầm cầu thang hầu như đã không còn tại các bệnh viện (BV) chuyên khoa tuyến trên, nhất là các BV nhi, ung bướu, sản, chấn thương chỉnh hình. Để có được kết quả này, theo ông Thượng, ngành y tế TP đã tích cực triển khai thực hiện đề án giảm tải tại các BV tuyến TP, đồng thời nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho BV tuyến cơ sở.
Cụ thể, thành lập khoa sản nhi tại các BV quận huyện. Đến nay tất cả các BV quận, huyện đều có khoa sản nhi – Năm 2015, tổng số giường bệnh sản nhi là 1.312 giường. Đồng thời, thành lập phòng khám vệ tinh – Các BV tuyến TP cử bác sĩ luân phiên đến làm việc tại 12 BV tuyến quận huyện thời gian công tác từ 1 năm trở lên. Tổ chức các lớp tập huấn, và chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu cũng như khám, chữa bệnh trực tiếp bệnh nhân tại BV quận/huyện (trong đó phẫu thuật tại chỗ cho các bệnh nhân không cần phải chuyển lên tuyến trên). Nhiều BV tuyến TP còn thành lập khoa vệ tinh tại tuyến cơ sở, như BV Chấn thương chỉnh hình triển khai Khoa Vệ tinh tại BV An Bình, BV quận Tân Phú, BVĐK Sài Gòn; BV Nhi đồng 1 triển khai Khoa Vệ tinh tại BV quận 6, Tân Phú, Bình Tân; BV Ung bướu xây dựng Khoa Vệ tinh tại BV quận 2; BV Nhi đồng 2 đã triển khai Khoa Vệ tinh tại BV quận 2…
Không những luân phiên bác sĩ từ BV TP về BV quận, huyện mà tại BV quận, huyện cũng luân phiên bác sĩ xuống trạm y tế xã, phường. Đại diện BV quận Thủ Đức, cho biết: “Chất lượng khám, chữa bệnh ở trạm y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Nguyên nhân là do thiếu cán bộ y tế, người dân chưa thật sự tin tưởng vào công tác khám chữa bệnh tại trạm y tế. Vì vậy, việc cử bác sĩ BV quận đến công tác tại các trạm y tế là sự cần thiết, một mặt tăng cường nhân sự cho trạm y tế, mặt khác tạo được sự tin tưởng cho người dân khi đến khám tại trạm y tế. BV đã tạo mọi điều kiện cho bác sĩ đi luân phiên khám chữa bệnh tại trạm bằng cách cho hưởng các chế độ giống như bác sĩ đang công tác tại BV. Bên cạnh đó còn hỗ trợ thêm một phần kinh phí đi lại và phần hỗ trợ từ trung tâm y tế dự phòng quận hàng tháng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại trạm, BV cam kết ưu tiên các chế độ học tập nâng cao trình độ chuyên môn”.
“Các BV tuyến TP quá tải một phần cũng là do người bệnh từ các tỉnh đổ về. Vì vậy, muốn giải bài toán quá tải tại các BV chuyên khoa tuyến TP thì không thể không hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các BV ở địa phương lân cận. Theo đó, ngành y tế TP đã rất tích cực thực hiện Đề án 1816 – BV vệ tinh khu vực phía Nam. Đến nay đã cử 258 bác sĩ của 18 BV TP ký hợp đồng hỗ trợ, chuyển giao 226 kỹ thuật chuyên môn cho 49 đơn vị thuộc 23 tỉnh/thành. Nhờ vậy tình trạng chuyển viện từ các BV ở tỉnh lên TP cũng giảm, chỉ còn những ca nặng. Người bệnh ở các tỉnh cũng hạn chế lên TP khám chữa bệnh…”, ông Thượng – cho biết.
An toàn người bệnh được đặt lên hàng đầu
Tai biến trong y khoa là điều khó tránh khỏi nhưng trách nhiệm của người thầy thuốc là phải cứu sống người bệnh bằng mọi giá. Theo đó, ngành y tế TP định hướng và thúc đẩy các BV tiến hành các hoạt động cải tiến và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả và mang lại sự hài lòng cao nhất có thể cho người bệnh.
Trong năm 2015, Sở Y tế đã khẩn trương xây dựng kho dữ liệu phác đồ điều trị. Đây là cơ sở khoa học và pháp lý của hoạt động khám chữa bệnh. Đến nay, trang web “Kho dữ liệu phác đồ điều trị – SYT” chính thức đi vào hoạt động. Sở Y tế cũng đang tiến hành xây dựng đề án: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế, trong đó có hoạt động biên soạn phác đồ điều trị cho trạm y tế. Ngoài ra, còn thành lập Hội đồng Quản lý chất lượng khám chữa bệnh thuộc Sở Y tế, hiện nay hội đồng đã đi vào hoạt động thường quy với các ban chuyên trách bao gồm: Ban An toàn người bệnh, Ban An toàn môi trường, Ban An ninh trật tự BV, Ban Khảo sát hài lòng người bệnh, Ban Phác đồ điều trị, Ban Công nghệ thông tin nhằm chủ động kiểm tra, giám sát chuyên đề những vấn đề chất lượng cần ưu tiên cải tiến. Tiến hành khảo sát đo lường sự hài lòng của người bệnh về các mặt hoạt động của ngành y tế TP. Nhằm khắc phục những bất cập trong việc cung cấp dịch vụ y tế, Ban Khảo sát hài lòng người bệnh thuộc Hội đồng Quản lý chất lượng khám chữa bệnh Sở Y tế cũng đã ban hành “Khuyến cáo triển khai các hoạt động làm giảm bức xúc của người bệnh khi xảy ra tai biến điều trị tại BV”. Đây cũng là cơ sở để Sở Y tế tiến hành kiểm tra, giám sát định kỳ và hàng năm về quản lý chất lượng BV.
Năm 2015, Sở Y tế triển khai đề tài nghiên cứu cấp TP về khảo sát văn hóa an toàn tại các BV nhằm đánh giá thực trạng và giúp định hướng trọng tâm cho các BV trong hoạt động quản lý an toàn người bệnh và chuẩn bị phát hành sách Hướng dẫn triển khai hoạt động an toàn người bệnh tại các BV và tổ chức các khóa đào tạo liên tục chuyên đề an toàn người bệnh.
Triển khai thành công qui trình “báo động đỏ” được thể hiện qua việc cứu sống bé sơ sinh bị dao đâm xuyên sọ (BV Nhi đồng 1 và Nhân dân 115) và cấp cứu thành công một trường hợp thuyên tắc ối (BV Hùng Vương). Từ năm 2013, ngành y tế TP đã tiến hành tổ chức lại mạng lưới cấp cứu TP.HCM, với việc thành lập Trung tâm Cấp cứu 115 và các điểm vệ tinh cấp cứu tại các cửa ngõ TP. Tổng số cuộc gọi cấp cứu năm 2015 là 9.759 cuộc, tương đương 27 cuộc/ngày – đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)