Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

ĐBSCL cần sống chung với hạn, mặn theo hướng “thuận thiên”

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều ngày 26-4-2024,  tại TP. Cần Thơ, Bộ Tài Nguyên – Môi trường (TN-MT)  phối hợp Báo Tuổi Trẻ  và Trường ĐH Cần Thơ tổ chức hội thảo (HT) “Giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL”.


Các đại biểu tham gia phiên thảo luận

Tham gia có hơn 100 đại biểu gồm các chuyên gia trong và ngoài nước, các viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất giỏi, lãnh đạo UBND  nhiều địa phương đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Ông  Trần Xuân Toàn – Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, bày tỏ: Trước đây mọi người thường nói đến sống chung với lũ ở ĐBSCL, giờ đây lại chuyển qua cụm từ sống chung với hạn mặn. Người dân ĐBSCL sống trên sông nước nhưng lại thiếu nước là một nghịch lý. Đây là lý do Báo Tuổi Trẻ và các cơ quan, chuyên gia, lãnh đạo các địa phương tham gia vào việc thúc đẩy các giải pháp tìm nguồn nước cho ĐBSCL, cách đối phó với hạn mặn nói riêng và với biến đổi khí hậu (BĐKH)  nói chung.


PGS-TS Lê Anh Tuấn – giảng viên cao cấp Khoa MT&TNTN, Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng ĐBSCL cần quan tâm thực hiện các giải pháp “thuận thiên” trong ứng phó với hạn mặn

Trình bày tại HT, ông Nguyễn Hồng Hiếu – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN-MT, cảnh báo: Tài nguyên nước ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức như: Nguồn nước mặt phân bố không đồng đều, mực nước dưới đất đang bị hạ thấp, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, ô nhiễm từ các hoạt động phát triển nội tại của vùng. Một vấn đề nữa là thượng nguồn sông Mê Kông cung cấp khoảng 94% tổng lượng nước cho ĐBSCL; tuy nhiên, quá trình phát triển thủy điện ở thượng nguồn đã và đang tác động tiêu cực tới sự suy giảm nguồn nước chảy về… Đây sẽ là một áp lực lớn đối với ĐBSCL về vấn đề thiếu hụt nước sinh hoạt và sản xuất.

Ông Trần Văn Sử –  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh ý nghĩa và sự cần thiết trong thay đổi nhận thức sử dụng nước của người dân.  Ông cho biết:  Nếu như năm 2020 địa phương còn khoảng 13.000 hộ dân gặp khó khăn về nguồn nước trước tác động của hạn, mặn, thì nay giảm còn 3.300 hộ dân. Có thể nói, kết quả này đến từ việc người dân và chính quyền quyết tâm thay đổi nhận thức, thói quen về việc phải sử dụng tiết kiệm và tích trữ nước nhiều nhất có thể. Tỉnh Cà Mau đã thực hiện đề án nâng cao năng lực tích trữ nước tại chỗ. Chẳng hạn, trong quy mô hộ gia đình, chính quyền đề xuất trữ nước bằng cách dành 50% trồng lúa, 50% còn lại chuyển sang tích trữ trong ao hồ kết hợp nuôi thủy sản. Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn của địa phương (cũng như nhiều tỉnh khác ở ĐBSCL) là hầu như tất cả người dân đều đang sử dụng nguồn nước ngầm, đây không phải là nguồn tài nguyên vô hạn.


Ông Trần Xuân Toàn – Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ đóng góp ý kiến tại hội thảo

PGS-TS Lê Anh Tuấn – giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (MT&TNTN), Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng ĐBSCL có nguy cơ mất an ninh nguồn nước rất lớn. Bên cạnh tác động bởi biến động môi trường, chúng ta đang phí phạm nguồn nước rất nhiều trong khi thực hiện các giải pháp chống hạn mặn. Càng chặn mặn bởi các công trình thì năng lượng thủy triều không phân tán mà giữ nguyên, đẩy độ mặn cao hơn. Cống ngăn mặn khi đóng sẽ giữ lại các dòng nước ngọt, tồn đọng gây ô nhiễm. Đó là một trong những lý do tại sao chúng ta càng chống mặn, mặn càng gay gắt.

Ông Tuấn  dẫn chứng: Trước đây người xưa đã tạo ra các hệ thống kinh trục dọc và ngang ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau… cùng các tuyến kinh kết nối hình sao thành các Ngã Năm (Sóc Trăng) và Ngã Sáu, Ngã Bảy (Hậu Giang). Chính điều này đã giúp phân tán để mặn không xâm nhập sâu vào trong đất liền. Ngày nay, rất cần có các giải pháp quy hoạch thuận thiên. Bên cạnh đó, cần phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên ở các vùng trũng, công trình hồ chứa nước lũ và vật dụng chứa nước mưa, xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, hạn chế khai thác nước ngầm, chuyển diện tích lúa – màu sang nuôi trồng thủy sản và tiết kiệm nước, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn.


Chuyên gia Israel chia sẻ về công nghệ khử mặn tiên tiến mà đất nước đang sử dụng, góp phần giúp nông nghiệp của Israel đạt rất nhiều thành quả

Đồng tình với PGS-TS Lê Anh Tuấn,  PGS-TS Nguyễn Phú Quỳnh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho rằng: Giải pháp quy hoạch thủy lợi cần sử dụng nguồn tài nguyên nước theo hướng thuận thiên. Có nghĩa là người dân và chính quyền vùng ĐBSCL phải coi trọng tất cả nguồn tài nguyên từ nước ngọt, nước lợ, nước mặn. Cần có công tác điều hành phù hợp với điều kiện nguồn nước, vùng nào cần sử dụng và thời gian phân bổ nguồn nước cụ thể ra sao để có kế hoạch sử dụng hiệu quả. Với giải pháp “phi công trình”, ngành chức năng cần chỉ đạo và dự báo sớm, đẩy sớm thời vụ để né hạn mặn, phân phối nước theo đối tượng ưu tiên để phục vụ tốt cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Với quan điểm xem hạn, mặn là đặc tính chu kỳ, một số địa phương đã vững vàng trong bối cảnh khó khăn chung của vùng, đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất, trong đó có tỉnh Trà Vinh.  

Trà Vinh nằm giáp biến và thuộc phạm vi ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH, nhất là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nội đồng vào mùa khô khiến nhiều điện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước tưới…Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đợt hạn mặn mùa khô 2019 – 2020 Trà Vinh  ước thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đồng. Trong đó, cây lúa bị thiệt hại nặng nhất với 919 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hàng chục ha hoa màu và hơn 271ha cây ăn trái trong tỉnh cũng bị thiệt hại trên 30% diện tích; đồng thời hạn  hán, xâm nhập mặn làm hàng ngàn hộ dân nông thôn bị thiếu nước sinh hoạt… Tuy nhiên đến mùa khô 2024, mặn trên các nhánh sông Hậu và sông Cổ Chiên tăng cao từ tháng 3 và kéo dài đến nay, nhưng hầu hết diện tích cây trồng và vật nuôi tại Trà Vinh vẫn được bảo vệ an toàn.


Ban tổ chức tặng hoa các diễn giả

Ông Diệp Như Bình – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh – chia sẻ: “Hiện nay hệ thống cống thủy lợi tại tỉnh đang phát huy hiệu quả giải quyết hạn mặn cho hơn 23.000ha lúa đông xuân, chiếm 37% diện tích lúa đông xuân của toàn tỉnh. Bên cạnh đó còn là cách vận hành hợp lý các công trình và các phương án mà địa phương đưa ra như kế hoạch phòng chống hạn mặn, lịch xuống giống đồng bộ phù hợp đến từng khu vực cụ thể”.

Từ Israel kết nối trực tiếp đến hội thảo, ông Ronny – Phó chủ tịch, chuyên gia nước, Giám đốc phát triển Tập đoàn đoàn P2W, chia sẻ về công nghệ khử mặn tiên tiến mà đất nước này đang sử dụng. Hiện tại, Israel đã xây dựng 5 nhà máy khử nước biển với tổng công suất 786 triệu m³ mỗi năm – tương đương khoảng 85% nhu cầu của đất nước. Ông Ronny cho biết công nghệ khử mặn của Israel sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và thu hồi năng lượng đặc biệt: “Với 2/3 diện tích là sa mạc, chúng tôi xử lý gần như toàn bộ nước thải và tái sử dụng cho mục đích công nghệ và tưới tiêu, thủy lợi. Bao gồm các phương án xử lý sinh học, vật lý, hóa học, điện… và các giải pháp xử lý tiên tiến khác có tỉ lệ thu hồi cao nhất", ông Ronny nói.

Với những đóng góp tâm huyết của các chuyên gia trong và ngoài nước, cũng những  thành quả thiết thực của một số địa phương vùng ĐBSCL trong ứng phó với hạn, mặn; hội thảo đã góp phần tìm ra lời giải cho bài toán “sống chung với hạn, mặn” – một diễn biến thời tiết đã trở nên chu kỳ, đến hẹn lại lên tại  khu vực đồng bằng; từ đó góp phần giúp người dân trong vùng có được cuộc sống ổn định khi thời tiết ngày càng diễn biến  theo hướng cực đoan.

Đan Phượng

Bình luận (0)