UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương cho Sở GTVT TP.HCM chọn đơn vị đầu tư 3 cầu vượt bộ hành với kinh phí khoảng 33,3 tỷ đồng từ ngân sách TP nhằm tránh tai nạn giao thông, kẹt xe. Nhưng liệu sau khi các cây cầu này hoàn thành có thu hút được người dân sử dụng không hay tiếp tục rơi vào tình trạng hẩm hiu như một số cây cầu vượt bộ hành hiện nay?
Có cầu nhưng người dân không sử dụng mà vẫn băng qua đường (cầu vượt bộ hành trước Bệnh viện Ung bướu) |
Người đi bộ tỏ ra vui mừng
Các điểm được xây dựng cầu đó là quốc lộ 1 (trước Trường ĐH Kinh tế – Luật, Q.Thủ Đức), trên đường Điện Biên Phủ (gần Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – cơ sở 1, Q.Bình Thạnh) và trên đường Hoàng Minh Giám (khu vực Công viên Gia Định, Q.Phú Nhuận và Q.Gò Vấp). Đây là những đoạn đường có lượng xe lưu thông nhiều, tốc độ nhanh và người đi bộ sang đường mỗi ngày luôn đông đúc.
Nguyễn Minh Anh, sinh viên (SV) Khoa Kiến trúc mỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ chia sẻ, nếu có được một cầu vượt bộ hành trước cơ sở 1 sẽ hết sức thuận tiện cho nhiều SV, trong đó có Anh trong việc đi lại. “Địa điểm này không chỉ có nhiều SV có nhu cầu băng qua đường để đón xe buýt mà còn có cả một bộ phận người dân nữa. Việc xây cầu vượt bộ hành xem như một giải pháp hợp lý, cần thiết và lẽ ra nên xây từ lâu rồi”, Minh Anh cho biết.
Trước cổng trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, nhiều SV cũng phải đối diện nguy cơ va chạm với các loại xe cộ lưu thông trên quốc lộ 1 khi mà ngày ngày phải băng qua đường mới sang được trường học. Trước thông tin xây dựng cầu vượt bộ hành, Lê Thị Hà, SV trường này tỏ ra phấn khởi: “Cầu vượt bộ hành sẽ giúp chúng tôi an toàn hơn khi đi bộ sang đường và chắc chắn không còn cảnh va quẹt giao thông giữa SV và xe container như trước đây”.
Cầu xây mới: Nên có lối dành cho người đi xe đạp
Có thể thấy, xây cầu vượt bộ hành dành cho người đi bộ để tránh những tai nạn giao thông là việc làm hết sức thiết thực và ý nghĩa. Tuy nhiên, xây dựng đưa vào sử dụng làm sao cho hiệu quả lại là vấn đề không thể không bàn đến. Nhìn vào thực tế hiện nay, có không ít cây cầu xây dựng xong nhưng lại không có người dùng.
Trước cổng Bệnh viện Ung bướu (đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh), cầu vượt bộ hành được xây dựng để phục vụ cho người bệnh, người nhà bệnh nhân, người dân, các bác sĩ đi lại giữa 2 cơ sở. Thế nhưng, rất ít người sử dụng, mặc dù cầu thông thoáng, lối lên cầu cũng tiện lợi. Người dân vẫn lựa chọn băng qua đường mặc dù lượng xe gắn máy, xe buýt, tải nhỏ lưu thông đông đúc.
Theo TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, để cầu vượt bộ hành được sử dụng hiệu quả, cần có sự vận động, khuyến khích người dân sử dụng. Các cây cầu nên thông thoáng, sạch sẽ và có bảng hướng dẫn. Cấm tụ tập buôn bán hàng rong, xả rác, xóa bỏ tình trạng đối tượng nghiện hút đến đây tiêm chích. Như cầu vượt bộ hành số 6, bắc qua đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 6), kim tiêm vứt la liệt, nhìn thấy chẳng ai dám đi. |
Hoặc cầu vượt bộ hành Văn Thánh (đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh) cũng luôn trong tình trạng hẩm hiu người sử dụng. So với cầu trước Bệnh viện Ung bướu, trên cầu còn được trồng cây cảnh, trang bị hệ thống đèn chiếu sáng.
Ông Hà Phước Vĩnh, chạy xe ôm khu vực Văn Thánh chia sẻ, cầu vượt bộ hành ế ẩm có thể do ý thức người dùng chưa cao, cảm thấy đi bộ qua đường sẽ nhanh hơn việc phải leo lên cầu nên người dân không sử dụng. Hoặc có thể cầu xây dựng ở địa điểm không phù hợp.
“Như cầu vượt bộ hành Văn Thánh, thời mới xây xong, một số người thích thú, đi thử cho biết. Bây giờ thì thi thoảng mới có người đi bởi nhu cầu đi bộ ở địa điểm này không nhiều. Song giả sử chiếc cầu này được xây nhích lên khoảng hơn 200m, gần Trường ĐH Công nghệ thì sẽ hiệu quả vì nhu cầu SV qua đường đón xe buýt ở đó rất đông”, ông Vĩnh cho biết.
Ngoài hai cây cầu trên còn phải kể đến các cây cầu bộ hành trước Bệnh viện Từ Dũ (đường Cống Quỳnh, Q.1), Bệnh viện Nguyễn Trãi (Q.5)… cũng luôn trong tình trạng ít người đi.
Đối với chủ trương xây dựng 3 cầu vượt bộ hành sắp tới, TS. Phạm Sanh – chuyên gia giao thông cho rằng, trước khi làm, nên nghiên cứu, khảo sát thực trạng giao thông tại địa điểm, nhu cầu người dân sau đó thí điểm chứ không nên làm một lượt. Rút kinh nghiệm từ thiết kế những cầu cũ, xây cầu mới có dốc không quá cao. Cần có các mái che, ghế nghỉ chân đặc biệt phải xây lối dành cho người đi xe đạp dắt xe lên. Đối tượng đi xe đạp, đặc biệt người lớn tuổi, SV rất nhiều và nhu cầu dắt xe lên cầu để qua đường là có. Nếu cầu vượt bộ hành có thêm lối dắt xe lên người dùng sẽ đông hơn. Mặt khác, cầu xây xong cần có sự quản lý, duy tu tránh hỏng hóc, xuống cấp, người dùng có sự an toàn.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Bình luận (0)